Thử thách cho thủ đô mở rộng

Thử thách cho thủ đô mở rộng
TPO - “Kỷ niệm thủ đô ngàn năm đang đến rất gần, nếu không khéo Hà Nội sẽ biến thành một công trường dở dang, bụi bặm”- ông Lê Văn Hoạt, Ủy viên thường trực HĐND TP nói tại Hội nghị thường kỳ Ban chấp hành Đảng bộ TP biểu quyết thông qua sáng qua (25/11).

Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Thủ đô Hà Nội năm 2009 : GDP tăng từ 9,5-10%. Trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ từ 9,5-10%, công nghiệp và xây dựng tăng 10,5-11,0%, nông lâm thủy sản tăng 2,2-2,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 20%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 18-20%, thu ngân sách tăng 5%.

Phát biểu thảo luận, ông Hoạt cho rằng, mỗi năm thành phố chỉ nên chọn ra một số việc lớn để tập trung,  làm thật tốt. Sau khi hợp nhất, cần đặc biệt quan tâm đến những việc còn lại để tiếp tục hoàn thiện bộ máy, cơ chế chính sách.

Trong khi đó, Giám đốc Sở TN&MT Vũ Văn Hậu nêu vấn đề cần quan tâm tới ngoại thành, như quản lý quy hoạch, xử lý rác thải, đặc biệt những nơi đang trong quá trình đô thị hóa. “Phải có kế hoạch quản lý thật tốt, để sau này chúng ta sẽ phải trả giá” - ông Hậu nói.

Theo ông Bí thư Phạm Quang Nghị, Hà Nội vẫn xác định năm 2009 tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá, coi đó là kim chỉ nam xuyên suốt để thực hiện các nhiệm vụ công tác của thành phố. Đó là việc chăm lo cho gần 7 triệu dân, quản lý hai vấn đề rất lớn là đô thị và nông thôn- đều vào loại lớn nhất cả nước.

Bí thư Nghị cho biết, công tác hợp nhất bộ máy, cán bộ đã làm xong, nhưng đó mới chỉ là kết quả bước đầu và bây giờ là lúc triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng Thủ đô. Cùng với giải quyết các vấn đề đô thị, nông thôn là khắc phục hậu quả thiên tai, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, cải thiện môi trường...

Vừa qua có ý kiến là tại sao chúng ta không đồng thời làm luôn hai trạm bơm tại Yên Sở, nhưng vấn đề là, ngay cả làm một trạm cũng phải chờ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. “Qua trận lụt vừa qua, thành phố đặt ra yêu cầu về tầm nhìn mới đối với công tác quy hoạch, coi đó là căn cứ để xây dựng những công trình mới tốt hơn”- Ông Nghị nói. 

Chủ trương đúng thì mới chỉ là khâu... sản xuất nghị quyết !

“Không ngày nào thành phố không xảy ra một vài vụ về tai tệ nạn, không có ngày nào thực sự an toàn tuyệt đối. Giải quyết việc cho dân, các sở ngành có tiến bộ nhưng chưa đều, có sở ngành còn trì trệ, đánh võng, tiêu cực, lời than về cán bộ ở cơ sở, xã phường cũng còn nhiều!”- Bí thư Nghị lo lắng.

Bí thư Phạm Quang Nghị cho biết, thành phố đã thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, khuyến điểm năm 2008. Và nhờ có quyết tâm cao, thành phố đã vựơt qua, làm đựơc nhiều việc khó, có việc quy mô rất lớn, chưa từng đặt ra như đối phó với thiên tại (rét đậm đầu năm, lũ lụt cuối năm, giải quyết các vụ việc phức tạp về đất đai tại 42 Nhà Chung, 178 Nguyễn Lương Bằng). Lãnh đạo thành phố coi đó là những thử thách trong quá trình thực hiện nghị quyết về mở rộng thủ đô Hà Nội-một vấn đề có tính lịch sử.

Khi mở rộng thủ đô, nhiều người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa băn khoăn không biết có đựơc lãnh đạo thành phố quan tâm đến không. “Trận lũ vừa qua, chúng ta đã không để cho dân đói, không để bùng phát dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là không để xảy ra vỡ đê. Thực tế, mức độ quan tâm của thành phố tới người dân không chỉ bằng mà có phàn còn tốt hơn trước đây.

Nhờ có đủ nguồn lực, thành phố đã chi ngay 400 tỷ đồng lương thực, thuốc men, hỗ trợ tối đa phương tiện cứu trợ cho dân. Lãnh đạo thành phố cũng đã trực tiếp đến những vùng khó khăn nhất.

“Vừa qua, một số nơi còn có điều tiếng, là ở cấp cơ sở. Lãnh đạo thành phố cho dù gấp đôi, gấp ba hiện nay cũng khó mà đến được mọi ngõ ngách”- Bí thư Nghị nói. Cũng theo Bí thư Hà Nội, lãnh đạo thành phố chưa hài lòng với kết quả đạt được, bởi chúng ta vẫn còn có thể làm tốt hơn, làm đựơc nhiều việc hơn nữa.

Bí thư Phạm Quang Nghị khẳng định, năm 2009 Hà Nội cần tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, do có thể sẽ nhiều khó khăn, thách thức hơn. Riêng thiên tai, trận lụt vừa qua là lớn nhất so với trước đây, nhưng so với những năm sau thế nào, chúng ta chưa biết được.

“Chủ trương đúng thì mới chỉ nằm trên giấy, mới chỉ là khâu sản xuất nghị quyết. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, cần đề cao nhân tố cán bộ, nhân tố người đứng đầu”- Bí thư Nghị nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG