Thu nhập khủng từ tiền tác quyền

Với những chương trình bán vé hoặc có nhà tài trợ, tác quyền sẽ được tính cao hơn. Ảnh: T.V.
Với những chương trình bán vé hoặc có nhà tài trợ, tác quyền sẽ được tính cao hơn. Ảnh: T.V.
TP - Thu nhập hàng năm vài trăm triệu tiền từ tác quyền âm nhạc không còn là chuyện hiếm ở làng nhạc Việt. Nhiều nhạc sĩ đã có đời sống ổn định và yên tâm hơn cống hiến cho việc sáng tác.

Món tiền bất ngờ

Với sự nỗ lực từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) trong việc ráo riết thu tác quyền cho tác giả, rất nhiều nhạc sĩ của làng nhạc Việt đã nhận được những khoản tiền tác quyền lớn từ tác phẩm của mình.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà bất ngờ khi nhận được tiền tác quyền từ bài thơ sáng tác đã lâu “Một thời đã xa”, sau đó được nhạc sĩ Trường Huy phổ nhạc và làm mưa làm gió ở các chương trình của Làn sóng xanh những năm 2000. Chị đã lãng quên tác phẩm của mình cho đến một ngày được văn phòng phía Nam của Trung tâm VCPMC truy lùng qua nhiều đầu mối và tìm được số điện thoại của chị, gọi điện mời chị đến gấp và trao cho số tiền gần 12 triệu đồng cho tác phẩm này.

Theo luật sư Hà, số tiền tác quyền này được tính từ năm 2009 đến tháng 8/2015 và vì là tác giả của thơ nên chị được hưởng 30% số tiền mà trung tâm thu được từ các nguồn, 70% còn lại thuộc về nhạc sỹ phổ nhạc bài thơ này. Trước đó, từ năm 1997 đến năm 2008, hơn 11 năm, là khoảng thời gian “vàng” của bài hát “Một thời đã xa”, không thể lĩnh được tác quyền vì nhiều lý do, trong đó có lý do là “thời đó, người khác làm lãnh đạo của Trung tâm giờ họ đã nghỉ nên không thể tính được”, lời một nhân viên ở trung tâm này giải thích.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tác giả nổi tiếng với “Nhật ký của mẹ” và nhiều ca khúc nhạc trẻ như: Con đường mưa, Chiếc khăn gió ấm... tiết lộ nhờ những khoản tiền “khủng” từ tác quyền mà giúp anh có cuộc sống ổn định và chuyên tâm hơn cho sáng tác. Bản thân anh Chung cũng như nhiều nhạc sĩ trẻ khác khi sáng tác đều tập trung vào việc bán bài hát độc quyền chứ không nghĩ đến chuyện được tiền tác quyền sau đó.

Thời điểm 2004, khi trung tâm về tác quyền mới thành lập, anh Chung đến ký nhận tác quyền, số tiền khoảng vài triệu đồng/năm nên anh cũng không bận tâm đến khoản thu nhập này. Những năm trở lại đây, khi lần đầu tiên đến ký số tiền tác quyền cả trăm triệu/quý, tổng cộng hơn 300 triệu/năm, anh mới thấy bất ngờ vì khoản tiền “khủng” từ trên trời rơi xuống.

Với khoản thu nhập ổn định từ tiền tác quyền, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hào hứng chia sẻ, con đường sáng tác của anh giờ theo đuổi định hướng lâu dài hơn để cho ra đời những ca khúc sống thọ hơn. Những nhạc sĩ có khoản thu nhập tương tự như anh Chung còn có Nguyễn Hoài An, Nguyễn Khánh Đơn... Họ cũng nhận tiền tác quyền vượt qua con số 200 triệu/năm.

Mở rộng thu tác quyền

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc VCPMC phía Nam cho hay: Kể từ khi thành lập cho đến nay, Trung tâm đã tiến hành triển khai nhiều hội nghị nhằm tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật và triển khai thu tiền sử dụng tác phẩm trên 25 lĩnh vực có sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh trực tiếp hoặc gián tiếp trên địa bàn cả nước và quốc tế có hợp tác song phương.

Trên cơ sở biểu mức nhuận bút sử dụng tác phẩm được Trung tâm qui định rõ về phạm vi quyền và thời hạn sử dụng cụ thể, vì vậy, số lượng các đơn vị sử dụng âm nhạc từ nhiều lĩnh vực ngày càng tăng nên thu nhập của đa số các tác giả cũng tăng lên hàng năm và tương đối ổn định.

Số lượng các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là thành viên của Trung tâm có thu nhập về tác quyền tốt nhất có thể kể ra như: Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, cố nhạc sỹ Thanh Sơn, cố nhạc sỹ Từ Huy, cố nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, cố nhạc sỹ Châu Kỳ, cố nhạc sỹ Minh Kỳ, nhạc sĩ Vinh Sử..., các nhạc sỹ trẻ: Hoài An, Nguyễn Văn Chung, Khánh Đơn…Trong đó tổng số tiền tác quyền được trao cho gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong năm 2014 là 700 triệu đồng.

Tổng thu nhập từ tác quyền riêng ở văn phòng phía Nam của Trung tâm VCPMC trong năm 2014 là chạm mức 40 tỷ đồng. Năm 2015, Trung tâm mở rộng các địa bàn thu tác quyền, từ siêu thị, các dịch vụ karaoke, các hội nghị, đài phát thanh, truyền hình, nhạc chuông, nhạc chờ...

Tuy nhiên, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho hay: Bên cạnh những đơn vị thực hiện rất nghiêm túc, còn nhiều đơn vị cố tình né tránh không thực hiện, đặc biệt đối với lĩnh vực sao chép băng đĩa nhạc karaoke, biểu diễn ca nhạc… Nhiều đơn vị đã cố trốn tránh việc chi trả tác quyền, điều này đã gây thiệt hại rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả đã được pháp luật bảo hộ.

Tổng kết 10 năm qua, VCPMC phía Nam đã ký hợp đồng với 1.963 tác giả trên tổng số 3.066 thành viên của cả nước, thu được trên 180 tỷ đồng tiền tác quyền.

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, bảng thu nhập khủng từ tiền tác quyền không phải nằm ở những nhạc sĩ thị trường với những bản hit kiểu mì ăn liền mà nó đến từ những ca khúc lâu năm sống bền bỉ với thời gian.

MỚI - NÓNG