Nhạc sĩ Phó Đức Phương:

Không thể có hai tổ chức cùng thu tác quyền âm nhạc

Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhạc sĩ Phú Quang chấm dứt hợp đồng ủy thác với Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. Ảnh: N.M.Hà
Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhạc sĩ Phú Quang chấm dứt hợp đồng ủy thác với Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. Ảnh: N.M.Hà
TP - Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, nói rằng, nếu có hai tổ chức cùng thu tác quyền âm nhạc, mọi thứ dễ rối tung.

Ngay trước khi đêm nhạc Phú quang diễn ra, nhạc sĩ Phú Quang tuyên bố không ủy thác cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam thu tiền tác quyền nữa. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm, nói rằng, nếu có hai tổ chức cùng thu tác quyền âm nhạc, mọi thứ dễ rối tung.

Đã xác định thu tác quyền theo tỷ lệ doanh thu của chương trình biểu diễn, tại sao Trung tâm không đợi sau khi tính thuế để thu chính xác theo doanh thu thật của chương trình?

Đó cũng là một phương án mà chúng tôi nghĩ đến, nhưng không làm ngay được. Nó phức tạp, mỗi lần kết hợp không phải dễ. Dường như việc công khai toàn bộ thu nhập không phải nhà tổ chức biểu diễn nào cũng thích đâu. 

Công khai như thế lại liên quan đến việc đóng thuế của họ. Mà nó mệt cho cả hai. Thì thôi cứ thu theo số ghế, anh bán cho dù cháy vé, chúng tôi cũng chỉ thu giả định 65% thôi. Còn trường hợp anh bán dưới tỷ lệ đó thì anh phải ráng chịu chứ. Chúng ta đã thống nhất một cái ước định như vậy. Thế là tương đối trong hoàn cảnh hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, không nên hành chính hóa thủ tục xin phép tác giả bằng cách bắt buộc hồ sơ xin phép biểu diễn phải kèm biên lai đã đóng tiền tác quyền. Ông nghĩ sao về việc này?

Đó là một kẽ hở trong quy chế cấp phép. Đơn giản thôi, thực hiện nghĩa vụ luật pháp là điều kiện đầu tiên, sau đó mới đến điều kiện đủ: trang phục, âm thanh, ánh sáng… 

Tôi được Bộ VH-TT&DL thông báo rằng, năm nay sẽ trình lên Chính phủ nghị định sửa đổi, trong đó có sửa cái điều mà chúng tôi kiến nghị rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải hướng dẫn cho người dân tuân thủ luật pháp. Không thể nói đây là chuyện của các anh dân sự, để cho chúng tôi “đâm chém” nhau… 

Khi chưa thỏa thuận được, lại cứ dùng là thế nào được! Và sở dĩ tôi “sảng khoái” đến tận nơi biểu diễn yêu cầu các anh phải thực hiện việc xin phép, trả tiền đi, tức là tôi đến để ngăn chặn một hành vi xâm phạm luật pháp, để bảo vệ luật pháp.

Anh xin phép biểu diễn, anh cần chứng minh anh đã có quyền sử dụng các tác phẩm này trong chương trình này. Cũng như anh định xin phép xây nhà thì phải trình giấy phép sử dụng đất của anh. Làm được việc ấy thì chặn được hầu hết các rối ren, tiêu cực như hiện nay trong khu vực biểu diễn ở phía Bắc. 

Ông nghĩ sao nếu tới đây cũng có những tổ chức tương tự chia sẻ gánh nặng tác quyền với Trung tâm của ông?

Có thì Nhà nước phải hướng dẫn. Bởi là thành viên quốc tế, chúng tôi biết là không thể có hai tổ chức cùng một nhiệm vụ. Phải dàn xếp với nhau, bởi chồng lên nhau trước hết gây rối ren cho những người sử dụng tác phẩm, và cho cả những người thực hiện việc này. 

Một số quốc gia đã qua hàng trăm năm rồi thì phân vùng ra, như Mỹ có 3 tổ chức. Nước mình đến khi đó phải cân nhắc thận trọng, chứ không nó rối tung lên. Và việc này, chắc chắn Cục Bản quyền sẽ tư vấn cho Nhà nước và Bộ Nội vụ.

“Nếu các nhạc sĩ như Phú Quang tuyên bố ly khai Trung tâm, nhưng sau đó lại nối lại thì Trung tâm vẫn đồng ý?” Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vâng. Mình làm dâu nghìn họ chứ không phải trăm họ, thì mình phải cố gắng. 

MỚI - NÓNG