Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, quý 2/2018, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,62 triệu đồng, giảm 166 nghìn đồng so với quý 1/2018, nhưng tăng 223 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Lý do thu nhập của người lao động quý 2 giảm so với quy 1, theo ông Vinh, do quý 1 người lao động được thêm thưởng Tết. Còn so với cùng ký, thu nhập người lao động vẫn tăng do tác động từ việc tăng lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Biểu đồ thu nhập của người lao động tính theo bằng cấp.
Theo bản tin, lao động có thu nhập cao nhất là nhóm có bằng cấp đại học trở lên (7,8 triệu đồng/tháng), tiếp đến là trình độ sơ cấp (6,5 triệu đồng/tháng).
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, do lao động trình độ sơ cấp làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp nhiều, thường đứng dây chuyền nên tăng ca, làm thêm giờ nhiều. Từ đó thu nhập cũng cao hơn các nhóm lao động trình độ trung cấp, cao đẳng.
Về lao động thất nghiệp, theo Bản tin, hết quý 2/2018, cả nước có hơn 1 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp (bằng 2,1% lực lượng lao động), giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm 34,93% tổng số người thất nghiệp.
Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 126 nghìn người, chiếm 2,4% số lao động thất nghiệp (giảm 0,4% so với quý liền trước); nhóm trình độ cao đẳng thất nghiệp khoảng 70,8 nghìn người; nhóm trình độ sơ cấp thất nghiệp khoảng 23,6 nghìn người.
Đáng chú ý, trong quý 2, đã có hơn 202 nghìn người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng tới 70% (tăng hơn 83.000 người) so với quý 1, và tăng 7,4% (hơn 13.800 người) so với cùng kỳ năm 2017.