Thủ khoa sư phạm thất nghiệp, lỗi tại ai?

Nhiều cử nhân sư phạm đang làm trái nghề hoặc thất nghiệp, trong đó có cả thủ khoa, sự lãng phí này ai phải chịu trách nhiệm? Trong ảnh: Một góc trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: Văn Hạnh.
Nhiều cử nhân sư phạm đang làm trái nghề hoặc thất nghiệp, trong đó có cả thủ khoa, sự lãng phí này ai phải chịu trách nhiệm? Trong ảnh: Một góc trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: Văn Hạnh.
TP - Tốt nghiệp ĐH sư phạm Hà Nội 2 với tấm bằng xuất sắc, được tuyên dương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhưng đã một năm trôi qua thủ khoa B.T.H vẫn chưa xin được việc. Câu chuyện thừa thiếu giáo viên, kỹ năng của sinh viên một lần nữa lại được dư luận xới lên. Vậy lỗi tại đâu?

Thủ khoa sư phạm thất nghiệp, lỗi tại ai? ảnh 1

Nhiều cử nhân sư phạm đang làm trái nghề hoặc thất nghiệp, trong đó có cả thủ khoa, sự lãng phí này ai phải chịu trách nhiệm? Trong ảnh: Một góc trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: Văn Hạnh.

Thủ khoa mới chỉ là bước đầu

Theo TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây, tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa mới chỉ là bước đầu,  chỉ chứng tỏ người đó nỗ lực học tập trong suốt quá trình đào tạo. “Nhưng cuộc sống thực sẽ không ai trả lương cho việc học thi lấy điểm cao mà trả lương cho những người hoàn thành tốt công việc và mang giá trị cho cuộc sống. Thi điểm cao không có nhiều giá trị. Thế nên việc đạt thủ khoa không có gì đảm bảo cho việc người đó chắc chắn có việc làm tốt vì đó là hai việc khác nhau” - TS Đàm Quang Minh chia sẻ.

Hơn thế, cuộc sống luôn thay đổi và biến động. Một ai đó có thể là học sinh giỏi ở tiểu học nhưng không chắc sẽ là học sinh giỏi cấp trung học, học sinh giỏi cấp trung học thì không chắc đã học giỏi ở ĐH, và học giỏi ở ĐH cũng không có gì chắc chắn sẽ thành công trong công việc tương lai.

“Có thể em thủ khoa kia đã chọn sai ngành khi đi học sư phạm, về quê giữa lúc hàng trăm giáo viên tỉnh nhà vừa bị buộc phải dừng hợp đồng vì thừa giáo viên. Vậy sao em không chủ động tìm cho mình việc khác hoặc đơn giản là việc giáo viên ở nơi khác?” - TS Minh băn khoăn.

Mặt khác, TS Đàm Quang Minh cũng cho biết nếu ai làm việc nhiều về tuyển dụng sẽ thấy những câu chuyện cười ra nước mắt. Những bạn gần 30 tuổi đi xin việc mà bố mẹ vẫn phải dẫn đi, có phụ huynh còn xin vào ngồi cùng để nói đỡ cho con. Việc này không phải là cá biệt. “Chừng nào các phụ huynh chưa buông tha cho con, các bạn trẻ chưa tự tìm cách trưởng thành thì còn nhiều bi kịch” - TS Minh nói.

Còn một chuyên gia giáo dục thì cho rằng, xét về khía cạnh không dám chấp nhận rủi ro khi có người mời đi làm, có thể xem lại cách đào tạo. Nhận thức đúng và kỹ năng mềm cần được trang bị cho mỗi người. Tại sao có người là nông dân không được học ĐH mà người ta lại có thể làm giàu từ chăn nuôi, dám chấp nhận rủi ro, thách thức. Cũng có thể do hoàn cảnh gia đình và mong muốn của bản thân nên khó xử lý được mâu thuẫn giữa việc làm và kỳ vọng cá nhân.

Thiếu quy hoạch sẽ còn thất nghiệp

Từ câu chuyện của thủ khoa B.T.H, dư luận lại quan tâm tới việc đào tạo ngành sư phạm hiện nay. Mùa tuyển sinh 2017, lần đầu tiên, điểm chuẩn của khối sư phạm (gồm ĐH và CĐ) nhiều trường xuống thấp chạm đáy. Chuyện thừa giáo viên đang diễn ra tại tất cả các địa phương. Bộ GD&ĐT cũng công nhận đang có hiện tượng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở từng cấp học. Để giải quyết tình trạng thừa giáo viên, Bộ đã chỉ đạo ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng chương trình bồi dưỡng để chuyển giáo viên từ các cấp học khác xuống dạy mầm non.  Chỉ tiêu của các trường sư phạm được Bộ yêu cầu giảm hàng năm. Tuy nhiên, những chính sách này chỉ giải quyết được phần ngọn.

Trong khi đó, vị chuyên gia trên cho biết, năm 2013 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lúc đó là GS Phạm Vũ Luận đã từng ban hành Chỉ thị số 895 về việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội giai đoạn 2013-2015. Một trong những nội dung được Chỉ thị nhấn mạnh, đó là giao cho các Sở GD&ĐT đánh giá hiện trạng đội ngũ giáo viên, nhân viên phục vụ và cán bộ quản lý theo trình độ, chuyên môn được đào tạo, vị trí và độ tuổi làm việc. Công việc này cần hoàn thành trước quý II năm 2013. Thế nhưng sau 4 năm đã trôi qua, vẫn chưa có một số liệu nào cho biết đội ngũ giáo viên đang thừa thiếu thế nào? 

Đứng ở góc độ một nhà giáo, từng làm hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS Đinh Quang Báo cho rằng câu chuyện của thủ khoa B.T. H là một “bi kịch”. “Trước mắt, em thủ khoa ấy có thể làm nhiều việc để kiếm sống. Nhưng cuối cùng vẫn là không làm đúng nghề. Mục tiêu của đào tạo sư phạm không phải là để đi nuôi lợn. Đừng đặt mục tiêu đào tạo sư phạm ra rồi để cho sinh viên phải đi nuôi lợn hay làm cái khác” - GS Đinh Quang Báo cho hay. Theo GS Đinh Quang Báo, những sự việc như thế này khiến các trường đào tạo sư phạm rất đau lòng. Không phải vì sinh viên của họ kém chất lượng mà là không có đầu ra.

Hiện nay, sinh viên học sư phạm vẫn được nhà nước cấp bù học phí. Tức là không phải đóng học phí trong suốt quá trình học. Nhưng đào tạo ra không có việc làm do nhu cầu tuyển dụng ở tất cả các địa phương đều đã bão hòa. Vậy sự lãng phí này, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Trước mắt, em thủ khoa ấy có thể làm nhiều việc để kiếm sống. Nhưng cuối cùng vẫn là không làm đúng nghề. Mục tiêu của đào tạo sư phạm không phải là để đi nuôi lợn. Đừng đặt mục tiêu đào tạo sư phạm ra rồi để cho sinh viên phải đi nuôi lợn hay làm cái khác” .   

GS Đinh Quang Báo

MỚI - NÓNG