Thủ khoa nuôi lợn và câu hỏi Sư phạm đang đi về đâu?

Nữ thủ khoa Bùi Thị Hà tại Lễ tôn vinh thủ khoa năm 2016 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: NVCC.
Nữ thủ khoa Bùi Thị Hà tại Lễ tôn vinh thủ khoa năm 2016 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: NVCC.
TPO - Thủ khoa ĐH sư phạm, lại trở về miền núi nhưng vẫn không tìm được việc làm, phải rẽ ngang sang làm chăn nuôi kiếm sống. Câu chuyện thủ khoa thất nghiệp, không làm đúng ngành, từ chối thảm đỏ năm nào cũng có. Nhưng có lẽ câu chuyện của nữ thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm 2016 khiến dư luận một lần nữa nổi sóng về vấn đề đào tạo trong các trường hiện nay và sư phạm thất nghiệp.

Năm 2016, cũng những ngày tháng này, B.T.H là một trong một trăm thủ khoa tốt nghiệp ĐH xuất sắc được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương tại Văn miếu Quốc tử giám. Nhưng sau một năm tốt nghiệp, H chưa xin được việc và em ở nhà nuôi lợn phụ mẹ và đi dạy thêm.

Câu chuyện của em đang làm nóng các diễn đàn của mạng xã hội và công luận. Vì nó rơi vào đúng thời điểm điển hình. Mùa tuyển sinh vừa qua, điểm chuẩn vào các trường CĐ sư phạm và một số trường ĐH sư phạm rớt giá thảm hại.

Sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm thất nghiệp ngày một tăng

Hai thực trạng trên đã khiến dư luận xã hội bức xúc. Tại các hội thảo, hội nghị gần đây liên quan đến ngành, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm.

Chia sẻ về câu chuyện của thủ khoa ĐH sư phạm Hà Nội 2 thất nghiệp, TS. Đàm Quang Minh, hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây cho rằng câu chuyện của thủ khoa này có phần cay đắng nhưng cần xem sự cay đắng này bắt đầu từ đâu và có lối thoát hay không?

Việc đạt thủ khoa đã chứng tỏ nỗ lực học tập của một người nào đó. Nhưng cuộc sống thực sẽ không ai trả lương cho việc học thi lấy điểm cao mà trả lương cho những người hoàn thành tốt công việc và mang giá trị cho cuộc sống. Thi điểm cao không có nhiều giá trị. Thế nên đạt thủ khoa không có gì đảm bảo cho việc em chắc chắn có việc làm tốt vì đó là hai việc khác nhau.

TS. Đàm Quang Minh khẳng định việc là thủ khoa chỉ minh chứng ai đó có thể hoàn thành các bài học và trả điểm cao nhất nhưng không chứng minh được năng lực về sự sáng tạo, về khả năng hợp tác trong công việc và nhiều kỹ năng khác. Trong khi đó thế kỷ này là thế kỷ của những kỹ năng sáng tạo.

“Việc em viết thư xin việc với Bí thư tỉnh uỷ một lần nữa lại thể hiện điều đó. Nơi em xin việc không phải là bí thư tỉnh uỷ mà phải là nơi nào họ cần em. Nếu bí thư tỉnh uỷ không trả lời liệu em có nghĩ là phải gửi thư cho Thủ tướng hay Chủ tịch nước không? Đó không phải là câu trả lời đúng đắn cho việc đi tìm việc làm nói riêng và xây dựng một sự nghiệp nói chung” – TS. Đàm Quang Minh khẳng định.

Theo TS. Đàm Quang Minh có thể bạn thủ khoa đó đã chọn sai ngành khi đi học sư phạm, về quê nhà khi đang trong thực tế là hàng trăm giáo viên tỉnh nhà vừa bị buộc phải dừng hợp đồng vì thừa giáo viên. Nhưng tại sao cựu thủ khoa đó không chủ động tìm cho mình việc khác hoặc đơn giản là việc giáo viên ở nơi khác?

Thậm chí, TS Đàm Quang Minh cho rằng kể cả có nuôi lợn thì H cũng có nhiều cách để phát triển. Em có thể áp dụng để tìm những giải pháp nuôi lợn tốt hơn những người xung quanh và đạt lợi nhuận cao hơn. Em có thể không chỉ nuôi lợn thông thường mà còn nuôi lợn đặc sản. Giá trị đàn lợn của em sẽ tăng thêm nhiều lần. Vì ở ĐH, em đã được học tư duy nghiên cứu khoa học.

“Cuộc sống của mình là của chính mình, nếu tự mình không lo được thì cũng đừng mong ai có thể giúp đỡ” – TS. Đảm Quang Minh thẳng thắn chia sẻ.

Nhưng đó là bi kịch!

Đứng ở góc độ một nhà giáo, một người từng làm hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS. Đinh Quang Báo cho rằng câu chuyện của B.T. H là một bi kịch. “Thủ khoa mà cũng không được thì chắc chắn những người tốt nghiệp điểm thấp hơn cũng không có ai được nhận” – GS. Đinh Quang Báo chua xót nói. Vì tức là không có nhu cầu cần giáo viên nên thủ khoa cũng không dùng.

“Trước mắt, em thủ khoa ấy có thể làm nhiều việc để kiếm sống. Nhưng cuối cùng vẫn là không làm đúng nghề. Mục tiêu của đào tạo sư phạm không phải là để đi nuôi lợn. Đừng đặt mục tiêu đào tạo sư phạm ra rồi để cho sinh viên phải đi nuôi lợn hay làm cái khác” – GS.Đinh Quang Báo cho hay.

Theo GS. Đinh Quang Báo, những sự việc như này khiến các trường đào tạo ra rất đau lòng. Không phải vì sinh viên của họ kém chất lượng mà là không có đầu ra.

Chính vì thế, GS. Đinh Quang Báo khẳng định cần thiết phải quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Vấn đề quy hoạch không khó mà có quyết tâm làm hay không. Mục tiêu cuối cùng là vì sinh viên hay vì các trường.

Ngoài ra, hiện nay,  sinh viên các trường ĐH sư phạm học ngành sư phạm đều được nhà nước cấp bù học phí. Tức người học được miễn học phí hoàn toàn. Nếu đào tạo ra không sử dụng thì đó là một sự lãng phí tiền thuế của dân. Nếu vẫn cấp bù học phí, ngoài quy hoạch, cần phải siết nữa chỉ tiêu sư phạm, đào tạo theo đúng nhu cầu của các địa phương và có hướng chuyển đổi ngành cho giảng viên các trường sư phạm!

MỚI - NÓNG