Những Thủ khoa thất nghiệp gây xôn xao dư luận

Những Thủ khoa thất nghiệp gây xôn xao dư luận
TPO - Cố gắng học tập thật giỏi để mong thoát khỏi sự đeo bám của cái nghèo, thế nhưng dù cầm trên tay tấm bằng đại học loại giỏi, nhiều thủ khoa vẫn đang phải vật lộn với công cuộc tìm việc.

Mấy ngày gần đây, câu chuyện về em Bùi Thị Hà (quê Hà Giang) - Thủ khoa Sư phạm Văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 không tìm được việc làm, hơn 1 năm nay ở nhà phụ mẹ nuôi lợn, trồng rau, bán hoa quả ngoài chợ... đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Cụ thể, sau khi tốt nghiệp, dự kỳ thi tuyển giảng viên nhưng không đỗ, Hà cầm tấm bằng trở về quê hương. Hà chủ động gửi thư cho lãnh đạo tỉnh đề xuất nguyện vọng muốn được làm việc ở Hà Giang để cống hiến cho tỉnh nhà. Em nhận được lời hứa rằng trường hợp này sẽ được tạo điều kiện ưu tiên đặc biệt.

Những Thủ khoa thất nghiệp gây xôn xao dư luận ảnh 1 Nữ thủ khoa Bùi Thị Hà tại Lễ tôn vinh thủ khoa năm 2016 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: NVCC.
"Lãnh đạo sở và tỉnh cũng rất quan tâm, hứa khi có đợt tuyển dụng sẽ thông báo để em thi. Nhưng đã qua một năm, em vẫn làm các việc lặt vặt để kiếm thêm và chờ đợi. Em không biết chờ tới bao giờ", nữ thủ khoa chia sẻ.

Khi được hỏi tại sao không linh động tự tạo cho mình những lựa chọn khác, Hà cho biết em học sư phạm, mơ ước trở thành nhà giáo, chứ không phải chỉ muốn tìm một công việc 8 tiếng đơn thuần.

Không chỉ có trường hợp của Hà, trước đó cũng có không ít các thủ khoa ra trường với tấm bằng xuất sắc nhưng phải chật vật đi xin việc thậm chí phải chấp nhận làm những công việc không đúng chuyên ngành.

Năm 2015, dư luận cũng xôn xao về trường hợp em Chu Thị Yến (SN 1993, ở Bắc Giang) - Thủ khoa cả "đầu vào" và "đầu ra" Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Giao thông Vận tải. Yến là gương mặt tiêu biểu của trường, tốt nghiệp loại xuất sắc, được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Yến được thầy cô và nhiều sinh viên cảm mến vì có thành tích học tập ấn tượng. 

Tuy nhiên, sau khi ra trường với tấm bằng xuất sắc nhưng suốt 3 tháng, Yến gửi hồ sơ đi gần chục nơi mà không có kết quả. Gia đình khó khăn, thậm chí Yến đã phải tính đến việc bỏ công sức 4 năm học đại học để về quê làm lao động phổ thông.

Còn nhớ, trường hợp của Lê Văn Ngọ - thủ khoa đầu ra trường Đại học Giao thông Vận tải năm 2013 - ra trường với số điểm trung bình 8,77 nhưng không tìm nổi việc làm. Trước khi dư luận lên tiếng và được Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý nhận vào làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận Tải, Ngọ đã phải tự nuôi sống bản thân bằng một công việc tay chân với mức lương chỉ 1,5 – 2 triệu/tháng.

Video câu chuyện của một cô bé thủ khoa làm thợ mộc (nguồn: VTV)

Nữ thủ khoa Đồng Thị Ngân (SN 1991 quê Hải Dương) cũng không phải ngoại lệ. Năm 2009 Ngân đỗ ĐH Thương Mại, chuyên ngành Tài chính ngân hàng. Suốt quãng đường học tập cô luôn nỗ lực hết mình đạt thành tích học tập cao. Cụ thể, điểm học tập toàn khóa: 3,76/4. Điểm rèn luyện toàn khóa: Xuất sắc. Giấy khen Sinh viên có thành tích học tập xuất sắc toàn khóa 2009 – 2013. Nhận học bổng dài hạn STF-KFC năm học 2011 – 2012. Công trình Nghiên cứu Khoa học năm học 2010 – 2011 đạt loại khá. Với thành tích nổi bật nên trên Ngân góp mặt trong danh sách 123 thủ khoa đại học xuất sắc nhất được thành ủy Hà Nội tổ chức lễ vinh danh.

Với tấm bằng đỏ trên tay Ngân háo hức nộp đơn xin việc, nhưng mọi chuyện lại khác hoàn toàn so với cô nghĩ. 

Sau khi ra trường không thể xin được việc đúng chuyên môn, Ngân đành làm tạm những công việc lao động phổ thông để trang trải cho cuộc sống.

Trước những trường hợp của những thủ khoa trên có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Một bộ phận chỉ trích nền giáo dục chỉ chú trọng vào lý thuyết mà thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Ngoài ra, khâu định hướng nghề nghiệp của nhà trường yếu kém khiến sinh viên lựa chọn những ngành học không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, phần đông các ý kiến cho rằng, nguyên nhân thủ khoa thất nghiệp chủ yếu là do quá tự tin vào mác “thủ khoa” và tấm bằng mà từ chối những cơ hội tốt. Một phần do kỹ năng xin việc kém, không hiểu rõ nhà tuyển dụng cần gì.

“Các bạn đừng mãi bám vào mác thủ khoa hay “kén cá chọn canh”. Theo mình, hiện nay có rất nhiều bạn có bằng đại học nhưng ngại làm trái ngành, trong khi ngay từ đầu đã chọn học một ngành không hề dễ kiếm việc”, một Facebooker bình luận.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2017 có thêm 200.000 cử nhân thất nghiệp. Một thống kê khác cho thấy có hàng chục nghìn cử nhân sư phạm đang 'thất nghiệp'.

MỚI - NÓNG