Thu hút FDI: Hết lợi thế dân số vàng, Việt Nam có gì?

Việt Nam sắp hết thời kỳ có lợi thế dân số vàng. Trong ảnh, công nhân làm việc tại Công ty Canon Việt Nam Ảnh: Như Ý
Việt Nam sắp hết thời kỳ có lợi thế dân số vàng. Trong ảnh, công nhân làm việc tại Công ty Canon Việt Nam Ảnh: Như Ý
TP - Hơn chục năm trở lại đây, một trong những lợi thế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam là nguồn lao động dồi dào, chi phí rẻ, môi trường ổn định. Tuy nhiên, thời kỳ cơ cấu dân số vàng sắp kết thúc, Việt Nam cần nỗ lực cải cách thể chế, xây dựng hạ tầng, tận dụng vị trí địa lý nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh dân số ngày càng già đi.

Sắp kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách thu hút FDI, luỹ kế đến hết tháng 11/2020, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 382 tỷ USD. Vốn thực hiện đạt 229,1 tỷ USD, bằng 59,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tính luỹ kế đến nay, cả nước có 32.915 dự án còn hiệu lực. Hoạt động của doanh nghiệp FDI đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm liên tục.

Khảo sát của nhiều tổ chức về kinh tế cho thấy, một trong những lợi thế trong thu hút FDI của Việt Nam thời gian qua đến từ nguồn lao động giá rẻ. Tuy nhiên, lợi thế này sắp kết thúc. Sau khi nghiên cứu sâu kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tổng cục Thống kê đưa ra dự báo năm 2039, Việt Nam chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng xuất hiện và tồn tại từ năm 2007.

“Từ năm 2039, dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng số dân và chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Giai đoạn 2026-2039, Việt Nam vẫn trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đã tăng.Năm 2026, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Dự báo, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm và đến thời kỳ cơ cấu dân số rất già, tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 20% đến dưới 29,9%”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam có số lượng lao động tương đối nhiều nhưng giai đoạn thu hút đầu tư để sử dụng lao động chi phí thấp đã qua. Để đối phó với tình trạng dân số già, từ bây giờ, Việt Nam cần chú trọng đào tạo lao động chất lượng cao.

“Trong giai đoạn ngắn hạn, rất khó có thể có nguồn lao động chất lượng cao. Trước mắt, cơ quan quản lý, nhà trường và doanh nghiệp có thể áp dụng hình thức đào tạo theo gói. Tức là, trong một dự án đầu tư cụ thể với một quy mô tương ứng, nhà đầu tư phải xác định cần bao nhiêu lao động và số lao động cần những kỹ năng gì. Cơ quan quản lý, trường đào tạo kết hợp với nhau để thiết kế chương trình đào tạo kỹ năng lao động cho từng dự án, từng loại nhà đầu tư. Điều này mới có thể giải quyết được yêu cầu của nhà đầu tư”, ông Cung đề xuất.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong bối cảnh sắp chuyển giai đoạn dân số già, để phát triển nguồn nhân lực tương lai, Bộ LĐTB&XH và địa phương cần đào tạo lao động ngành nghề chất lượng cao như kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo. Rà soát chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp FDI. Xây dựng cơ sở dữ liệu danh sách lao động kỹ thuật Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở nước ngoài để cung cấp cho doanh nghiệp tuyển chọn.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Về lợi thế thu hút FDI của Việt Nam, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, dù sắp đối mặt với bất lợi thế là dân số bắt đầu già nhưng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay vẫn có thế mạnh từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài. Các yếu tố bên trong, các điểm lợi thế, thuận lợi sẵn có của môi trường đầu tư Việt Nam như: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, điểm mạnh của nhân lực Việt Nam là tính linh hoạt. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thay đổi nhanh chóng, sự linh hoạt sẽ là điểm mạnh tiềm năng cho nhân lực Việt Nam.

“Thời gian gần đây, chính sách của Việt Nam đã có nhiều thay đổi.Trước đây, doanh nghiệp phản ánh nhiều về việc chính sách đưa ra phù hợp nhưng thực thi  khó.Tuy nhiên, gần đây, tôi thấy có những điểm khởi sắc, hết sức đáng mừng về sự cụ thể hóa quyết tâm thu hút vốn FDI chất lượng cao của Chính phủ”, ông Toàn đánh giá. 

“Từ năm 2039, dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng số dân và chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Giai đoạn 2026-2039, Việt Nam vẫn trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đã tăng.Năm 2026, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Dự báo, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm và đến thời kỳ cơ cấu dân số rất già, tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 20% đến dưới 29,9%”.   Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

MỚI - NÓNG