“Vĩnh Phúc đã xử lý kịp thời sai phạm trong bổ nhiệm”
Trả lời câu hỏi về việc thu hồi các quyết định bổ nhiệm không đúng ở Tỉnh Vĩnh Phúc mà Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa thông báo kết luận, ông Nguyễn Tư Long, Vụ phó Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, đây cũng là chủ trương, định hướng cắt giảm thủ tục hành chính. Nghĩa là, đã có cơ quan xử lý rồi thì các cơ quan khác cũng giảm thiểu, không chồng lắp.
“Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã kiểm tra, kết luận và Vĩnh Phúc đã kip thời ban hành văn bản, rút quy định không đủ điều kiện. Tôi được biết, Sở Nội vụ Vĩnh Phúc đã có văn bản 647, ngày 17/3/2021, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đánh giá, đây là quyết định kịp thời trong xử lý sai phạm”, ông Long cho hay.
Theo ông Long, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra kết luận, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản rút lại các quyết định bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. "Trong số các trường hợp bị rút quyết định bổ nhiệm có bà Trần Huyền Trang, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư", ông Tư Long nói.
Vì sao mới bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức hành chính?
Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Tư Long, Vụ phó Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, liên quan đến việc cắt giảm văn bằng, chứng chỉ, ngày 11/6 vừa qua, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 02, không yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với công chức hành chính, văn thư.
Cuộc họp báo ngày 18/6 của Bộ Nội vụ |
Qua phản hồi của dư luận, ông Long cho biết, chủ trương này đã nhận được sự hưởng hứng, tán đồng của xã hội và đại bộ phận công chức. "Chúng ta đang thực hiện chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp, cũng đồng thời phải cắt giảm những quy định rườm rà đối với công chức, viên chức", tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh, giảm áp lực văn băng, chứng chỉ không cần thiết chứ không phải không cần học.
Theo ông, giảm thiểu các loại văn bằng chứng chỉ phải căn cứ theo vị trí việc làm. Chẳng hạn, có vị trí không cần đến Tiếng Anh B1, B2, nhưng nếu lại bắt phải có, dẫn đến tình trạng mua văn bằng, chứng chỉ giả. Như vậy, việc cắt giảm các loại chứng chỉ sẽ giảm hệ quả đối với cán bộ công chức, viên chức.
Còn về lợi ích kinh tế, ông Long cho biết, dù chưa có tính toán cụ thể, nhưng sơ bộ có thể tính, mỗi văn bằng chứng chỉ khi đi học mất từ 2 – 3 triệu đồng. Với 300 nghìn công chức hành chính, dự kiến có khoảng 200 nghìn người sẽ phải hoàn thiện văn bằng, chứng chỉ, số tiền này không hề nhỏ, đó là chưa kể thời gian, chi phí xã hội và nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình đi học.
Về lý do vì sao chỉ giới hạn cắt giảm chứng chỉ với công chức hành chính, ông Long cho biết, theo phân cấp, công chức hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ, còn viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ chuyên ngành.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ có báo cáo, và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chỉ đạo các Bộ khẩn trương rà soát thông tư, quy định về tiêu chuẩn văn bằng chứng chỉ, đặc biệt là ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cũng tích hợp lại cho gọn nhất.
“Có học nữa hay không và đang tiếp tục học thì như thế nào? Theo tôi, việc nâng cao chất lượng đội ngũ, quan trọng nhất là đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và nhu cầu tự thân của người học, hoàn toàn không cấm đi học. Tuy nhiên, quan trọng nhất là khi có vị trí việc làm và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện được đăng ký dự thi nâng ngạch thì chứng chỉ ngoại ngữ và tin học không phải là điều bắt buộc để đăng ký.
Nếu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi học để nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao trình độ tay nghề là rất tốt. Hiện nay, các công chức ở bộ, ngành Trung ương mà không sử dụng được máy vi tính thì không làm được việc, đương nhiên các đồng chí phải hoàn thiện, đó là nhu cầu tự thân”, ông Long cho hay.
“Học là suốt đời, rất tốt, nhưng điều quan trọng là không đưa ra các loại chứng chỉ rườm rà, tốn kém”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nói thêm.