Cục bản quyền sẽ phán quyết đạo văn hay không?
Bản thông báo đăng trên trang web của Hội đề ngày 10/12/2015 ký tên Chánh văn phòng Hội ghi: “Thu hồi Giải thưởng Xuất sắc loại B (hạng mục “Các công trình nghiên cứu lý luận nhiếp ảnh) với tác phẩm Lịch sử Nhiếp ảnh thế giới của ông Trần Mạnh Thường mà Hội NSNAVN đã trao thưởng năm 2011”, với hai lý do: “Sách đã vi phạm Luật Xuất bản; Tác giả đã có thư nhận sai sót và xin lỗi bạn đọc”.
Cụ thể việc vi phạm Luật Xuất bản: “Không đề tên tác giả chính thức vào sách, không ghi tên “biên soạn”, không ghi nguồn tư liệu khi biên dịch từ sách bản gốc”. Và: “Việc mắc sai lầm, thiếu cẩn trọng của tác giả Trần Mạnh Thường cũng dẫn đến những tố cáo, dư luận, bài báo gây ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của Hội NSNAVN và sự tôn vinh của tác phẩm được trao giải”.
Điều mà nhiều hội viên chờ đợi, đó là Hội của họ có chỉ ra rằng Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới đã đạo văn, hay vẫn chỉ mắc sai sót không ghi “biên soạn” và nguồn tư liệu tham khảo. Thì nay, thông báo ghi: “Văn phòng Hội NSNAVN đã chuyển hồ sơ, đề nghị Cục Bản quyền tác giả và các cơ quan chức năng có thẩm quyền thụ lý giải quyết, sớm có kết luận về cuốn sách. Khi có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền, Ban Chấp hành Hội NSNA Việt Nam sẽ chỉ đạo Văn phòng Hội, các Ban chức năng, căn cứ Điều lệ, Quy chế, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng như các Quy định Hội NSNA Việt Nam đã ban hành phối hợp Chi hội NSNA Hà Nội 2 và tác giả Trần Mạnh Thường để giải quyết dứt điểm tồn tại”.
Như vậy, việc kết luận vụ Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới đã được nhường cho Cục Bản quyền. Phía Cục thì sao?
Hôm 13/11/2015, Cục Bản quyền chủ động gửi công văn đến Hội NSNAVN, yêu cầu cung cấp hồ sơ vụ việc Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới. Lý do: Cục Bản quyền biết vụ việc thông qua bài báo Tiền Phong tựa là “Vụ Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới: Biên soạn hay đạo văn”.
“Thông báo của Hội cho thấy sự lúng túng, luẩn quẩn trong cách giải quyết. Suốt 4 năm trời ròng rã chỉ quẩn quanh truy cứu mấy từ “sáng tạo” hay “biên soạn”, “đạo văn” mà vẫn không ra môn ra khoai”.
Hội viên
Nguyễn Ngọc Phan
Ngày 27/11, Hội NSNAVN gửi Cục một số tài liệu gồm: Bản photo cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới ghi tên tác giả Trần Mạnh Thường, bản photo cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh của Beaumont Newhall (tiếng Đức, 1989), đơn đề nghị của NSNA Chu Chí Thành gửi Hội hồi tháng 4/2015 yêu cầu làm rõ vụ việc sách ông Thường đạo văn hay không, và đơn thư của ông Trần Mạnh Thường gửi Hội hồi cuối tháng 10/2015, thừa nhận sai sót không ghi “biên soạn” và tư liệu tham khảo trong sách “của mình”. Và bản kết luận cũng như tư vấn của Công ty Luật Bảo Ngọc gửi Hội NSNAVN về vụ việc Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới.
Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền, vì Hội NSNAVN cho biết ông Thường đang đi nước ngoài, tháng 6 năm sau mới về, nên Cục phải chờ ông Thường về nước thì mới xem xét vụ việc được! Tuy nhiên, nhân viên dưới quyền ông Hùng nói, Cục Bản quyền chỉ là một kênh tham khảo, không phải toàn bộ căn cứ để Hội NSNAVN dựa vào và kết luận vụ việc.
Hội không đủ thẩm quyền
Trong tháng 11 vừa qua, giữa lãnh đạo Hội NSNAVN Vũ Khánh, Chánh văn phòng Hội Nguyễn Bá Định và NSNA Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội có thư ngỏ qua lại về một số công chuyện, ví dụ giải thưởng của Hội năm nay mà ông Thành là một ủy viên Hội đồng xét giải. Ban Văn Nghệ báo Tiền Phong hân hạnh là một địa chỉ trong danh sách nhận thư, được chứng kiến cuộc tranh luận qua lại của các nghệ sĩ.
Trong một thư ngỏ, ông Thành nhắc: “Chúng ta đang xử lý vụ việc đạo văn, mà trong tay Hội không có một vài chương dịch để so sánh, kết luận, công ty Luật Bảo Ngọc cũng không đọc chương mục nào làm dẫn chứng để tham mưu và thẩm định, thì hãy hỏi sắp tới, Hội đồng kỷ luật căn cứ vào đâu mà đánh giá vụ việc này? Kết luận cuộc họp 26/10/2015 (Chủ tịch Hội chủ trì), là sẽ thành lập nhóm dịch gồm các ông Trần Đương, Nguyễn Văn Thành và Chu Tân Thanh để giúp BCH xác minh. Ông Thường không chấp nhận ông Chu Tân Thanh, ông Vũ Khánh đồng ý tìm người khác. Nhưng vì sao đến nay nhóm dịch thuật cũng chưa được lập và việc dịch tài liệu cũng chưa động tĩnh gì?”.
Chánh văn phòng Hội trả lời ông Thành: “Công ty Luật chỉ là đơn vị tư vấn, còn nhóm dịch thuật mà ông đề cập, nếu có dịch chắc cũng chỉ để tham khảo, bởi với thực trạng đang diễn ra, Hội sẽ phải tính đến phương án “chi phí dịch thuật” và nếu dịch miễn phí, thì không ai có thể bảo đảm rằng, ông (với kiến thức tiếng Đức) hoặc ai đó sẽ không đặt tiếp câu hỏi: Dịch có đúng không? Nhóm dịch thuật này có cơ sở pháp lý nào để kết luận đúng sai? Vì thế, cần chờ kết luận chính thức từ cơ quan đủ thẩm quyền”!
NSNA, nhà báo, giảng viên nhiếp ảnh Lại Hiển.
Cục Bản quyền chính là cơ quan “đủ thẩm quyền” đó- theo các quan chức đương nhiệm Hội NSNA. Ông Định viết: “Trong khi chờ đợi, mỗi cá nhân cũng như Hội NSNAVN chưa đủ cơ sở và thẩm quyền kết luận “đạo” hay không “đạo”!
“Quá thất vọng”
Hội viên Nguyễn Ngọc Phan, người đầu tiên phản ánh vụ việc Đạo ảnh bị khai trừ, đạo sách ảnh không sao trên báo Tiền Phong hồi tháng 8/2015, chủ động phát biểu về thông báo mới của Hội NSNAVN:
“Tôi rất thất vọng. Bởi hôm 20/11 chi hội Hà Nội 2 của tôi do chi hội trưởng Lại Diễn Đàm chủ trì họp kiểm điểm hội viên Trần Mạnh Thường, có Phó Ban kiểm tra Trần Trọng Độ thay mặt Hội thuyết trình vụ việc, Trưởng Ban tổ chức Thi đua hội viên Hoàng Diệu và Chánh văn phòng hội Bá Định cùng dự và tham gia biểu quyết nhất trí đề xuất hai mức kỷ luật: Khai trừ khỏi Hội hoặc cảnh cáo. Và dù hình thức nào cũng phải thu hồi giải thưởng và miễn nhiệm Ủy viên Ban lý luận phê bình. Sự việc sáng rõ như ban ngày, sao còn có thể bẻ ngoe, bẻ gọng được. Nếu chỉ để đi đến kết luận thu hồi giải thưởng 8 triệu đồng và đưa hồ sơ lên Cục Bản quyền thì có thể làm từ 13/1/2012 khi Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới bị tố đạo văn. Đâu phải ngâm cứu và để trì hoãn tới tận hôm nay. Và Hội đâu cần chi 8,8 triệu đồng thuê Công ty Luật Bảo Ngọc, rồi cũng không phân xử được”.
Hỏi NSNA Lại Hiển rằng được biết trong chi hội Hà Nội 2 của ông và ông Thường, cũng có hội viên cho rằng “Tuổi 80 mà sai sót thì lỗi sẽ nhẹ hơn 60”, ông Hiển đáp: “Tuổi nào cũng phải có nhân cách, càng già càng phải làm gương cho người trẻ. Ông Thường 40 năm làm nghề không thể nói sơ suất, và đây không phải lần đầu. Nhiều người đã biết việc thuổng có hệ thống này từ lâu, chẳng qua bây giờ mới có người công khai nói ra”. Nghệ sĩ lão thành Phạm Tuệ, 85 tuổi cũng nói, bênh che chỉ càng làm Hội mất uy tín “Như tôi đây cũng từng là nạn nhân của ông Thường từ 4 chục năm trước”.
________
Kỳ sau: Luật sư nói gì?