Sửa đổi bổ sung quy chế đào tạo tiến sĩ:

Thu hồi bằng nếu phát hiện đạo văn

Một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ.
Một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ.
TP - Bộ GD&ĐT sắp sửa đưa ra dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế đào tạo tiến sĩ. Vậy dự thảo này có gì mới, chế tài có đủ mạnh để Việt Nam có được những tấm bằng tiến sĩ thực sự chất lượng? Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

Người hướng dẫn cũng phải có bài báo quốc tế

Thưa bà, trong quy chế sửa đổi bổ sung về đào tạo tiến sĩ lần này, điểm mới đáng chú ý nhất là gì?

Trước hết, trong dự thảo lần này, quan điểm của Bộ GD&ĐT là trình độ ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc đầu vào đối với nghiên cứu sinh (NCS). Đồng thời họ phải thể hiện được năng lực nghiên cứu khoa học thông qua các công trình đã được công bố, các hoạt động khoa học, chuyển giao công nghệ trước khi đăng ký dự tuyển NCS.

Thứ hai, quy định về tiêu chuẩn của người hướng dẫn là phải có bài báo quốc tế, chủ trì và tham gia nhiệm vụ khoa học các cấp, là cán bộ cơ hữu của một cơ sở đào tạo, phải có trách nhiệm về chất lượng luận án của nghiên cứu sinh, đặc biệt là  trong trường hợp có khiếu kiện về nội dung và chất lượng của luận án.

“Khi phát hiện đạo văn cần có chế tài, xử lý mạnh mẽ để răn đe. Các nước trên thế giới đều quy định thu hồi bằng tiến sĩ khi phát hiện đạo văn. Sửa đổi quy chế đào tạo tiến sĩ ở nước ta lần này cũng phải quy định rõ nội dung này nhằm đảm bảo kỷ cương và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ”.

T.S Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT

Thứ ba, quy định NCS phải công bố quốc tế về kết quả nghiên cứu luận án.

Thứ tư, yêu cầu cơ sở đào tạo áp dụng việc quản lý NCS trong quá trình học tập và nghiên cứu theo hình thức đào tạo chính quy tập trung.

Thứ tư, yêu cầu cơ sở đào tạo phải công khai các điều kiện đảm bảo thực hiện luận án; tuyển NCS có thể thực hiện bất kỳ khi nào trường có đề tài và có đủ các điều kiện cần thiết để hỗ trợ NCS thực hiện đề tài.

Cuối cùng rà soát, bổ sung một số điều chỉnh khác cho phù hợp với khung trình độ quốc gia của Việt Nam vừa ban hành và giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như một số quy định mà qua thời gian thực hiện quy chế hiện hành từ 2010 đến nay không còn hiệu quả.

Thu hồi bằng tiến sĩ khi phát hiện đạo văn?

Vậy theo bà làm thế nào để tránh được những đề tài luận án tiến sĩ chỉ “làm những việc lặt vặt” như luận văn thạc sĩ mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã từng quan ngại?

Khung trình độ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành qui định rất rõ những kiến thức, kỹ năng mà người được cấp bằng tiến sĩ phải có. Đào tạo tiến sĩ là đào tạo những người làm công tác nghiên cứu khoa học, phát triển tri thức mới vì thế tính mới của luận án luôn được đặt lên tiêu chí hàng đầu.

Sự mới và sáng tạo của luận án phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là sự đánh giá của giới chuyên môn trong cùng lĩnh vực và ở những lĩnh vực liên quan khác. 

Thu hồi bằng nếu phát hiện đạo văn ảnh 1

T.S Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT

Nếu luận văn thạc sĩ chỉ dừng ở mức độ là một báo cáo khoa học hoặc báo cáo chuyên đề về mặt lý luận hay kết quả mới trong nghiên cứu một vấn đề khoa học mang tính thời sự hoặc kết quả nghiên cứu giải quyết một vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoặc kết quả tổ chức, triển khai áp dụng một nghiên cứu lý thuyết, một mô hình mới... trong thực tế thì luận án tiến sĩ là minh chứng về khả năng nghiên cứu độc lập của nghiên cứu sinh. Nó chính là kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, trong đó chứa đựng những đóng góp mới về lý luận hoặc thực tiễn ở lĩnh vực chuyên môn, có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học và giải quyết trọn vẹn được vấn đề đặt ra. Nói cách khác, tính mới luận án tiến sĩ là đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận, giải pháp mới có ý nghĩa và kiểm chứng được những giả thuyết, vấn đề đó.

Tính mới trong khoa học không chỉ giới hạn trong mỗi quốc gia mà phải được đánh giá trên phạm vi quốc tế. Vì vậy NCS phải tham gia báo cáo kết quả nghiên cứu của mình ở các hội nghị quốc tế, công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Dự thảo quy chế có quy định người hướng dẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng luận án, đặc biệt là khi nghiên cứu sinh đạo văn. Làm sao họ có thể kiểm soát được vấn đề đạo văn của nghiên cứu sinh, thưa bà?

Thực tế, khi dự thảo quy chế này, chúng tôi có tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học với tư cách là người hướng dẫn thì đều nhận được sự ủng hộ đối với quy định trên. Đây là trách nhiệm của người hướng dẫn vì đạo đức khoa học cũng như uy tín trong giới chuyên môn.

Việc kiểm soát vấn đề này, trước hết bằng đạo đức khoa học, bằng tinh thần thái độ, phương pháp nghiên cứu mà thầy phải hướng dẫn NCS. Trước khi nghiên cứu một vấn đề, NCS còn phải nghiên cứu tổng quan vấn đề đó ở trong và ngoài nước, dưới sự yêu cầu, hướng dẫn của thầy. Giai đoạn này đòi hỏi NCS phải cập nhật được tình hình nghiên cứu, xác định những nội dung kế thừa, những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu. Nghiên cứu tổng quan này cũng được đánh giá về  phạm vi quan sát, độ bao phủ, làm chủ vấn đề nghiên cứu của NCS. Điều đó cũng góp phần tránh hiện tượng đạo văn khi nghiên cứu.

Bên cạnh đó, các giải pháp công nghệ và kỹ thuật cũng hỗ trợ nhiều và cho phép kiểm chứng các luận án trong việc sao chép các tài liệu. Dự thảo quy chế mới cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phần mềm chống đạo văn để hỗ trợ người hướng dẫn và hội đồng chấm luận án.

Xin cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG