Chó thả rông tràn lan
Theo ghi nhận của PV, tại nhiều khu vực ở TPHCM, tình trạng chó không rọ mõm, không dây buộc được thả rông đang diễn ra rất phổ biến ở các khu chung cư, khu dân cư và trên nhiều tuyến đường.
Tại chung cư Mỹ Phúc (quận 8), vào mỗi buổi sáng và chiều tối, nhiều cư dân dắt chó xuống khu vực sân chung cư đi dạo. Tuy nhiên, đa số không được rọ mõm, một số thậm chí không có dây đeo. “Chó nhỏ, chó cảnh như cún con thì không có gì để nói. Nhưng một số người dắt theo những con chó rất to lớn và hung dữ nhưng lại không được rọ mõm khiến chúng tôi luôn cảm thấy bất an” - chị N.K.P (28 tuổi, cư dân chung cư Mỹ Phúc) cho hay.
Chó thả rông không rọ mõm trên đường Hoàng Sa (quận 1) Ảnh: Huy Thịnh |
Tương tự, khu vực chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân) với hàng chục nghìn cư dân cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tại đây, nhiều chó được thả rông, không dây đeo, không rọ mõm, đi lại tự do ở khu vực các lô và khuôn viên sinh hoạt chung, kể cả khu vui chơi dành cho thiếu nhi. “Khu vực này có rất đông trẻ em. Thấy nhiều con chó lạ, đi lại lảng vảng khắp nơi nhưng tôi không biết đó là thú nuôi của ai để phản ánh”- chị T.T.H (30 tuổi, cư dân chung cư Ehome 3) cho biết.
Ngoài ra, theo ghi nhận của PV, nhiều người sinh sống ở những khu đông dân cư và thậm chí trên một số tuyến đường đông đúc khu vực trung tâm TPHCM vẫn có thói quen thả chó đi lại tự do như: đường Hoàng Sa (quận 1), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3)… Nhiều người còn đưa chó đến các khu công cộng, hàng quán... gây lo lắng, bất an cho những người xung quanh.
Trong khi đó, việc xử lý chó và chủ chó thả rông, không rọ mõm tại TPHCM hầu như bỏ ngỏ. Hiện nay, chỉ có phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) quyết liệt trong xử lý tình trạng chó thả rông tại địa bàn.
Theo đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh, từ ngày 5/11/2022, Đội bắt chó thả rông của UBND phường bắt đầu hoạt động. Đến nay, Đội đã thực hiện 10 đợt ra quân, xử lý 53 trường hợp chó thả rông và xử phạt chủ chó hơn 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho biết, Đội bắt chó thả rông ra quân mỗi tuần 1-2 lần. Việc duy trì lực lượng này sẽ tiếp tục đến khi ý thức của người dân được cải thiện. Theo ông Tuấn, chó thả rông sau khi bị bắt sẽ được đưa về UBND phường tạm giữ. Trong vòng 48 giờ, chủ nuôi chó phải liên hệ với UBND phường để nộp tiền vi phạm hành chính và nhận lại thú nuôi. Quá thời gian trên, UBND phường sẽ bàn giao chó cho Trường Trung cấp Nông nghiệp TPHCM để phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy.
Lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết, trong thời gian triển khai việc bắt chó thả rông, địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở để người dân nắm bắt kế hoạch.
Đội bắt chó thả rông phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) trong một lần ra quân Ảnh tư liệu: PV |
Một thành viên trong Đội bắt chó thả rông cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều người dân bày tỏ sự ủng hộ, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp phản ứng lại với lực lượng chức năng.
Vụ đánh người vì thú cưng: bị hại không muốn hòa giải
Ngày 21/2, thông tin đến PV Tiền Phong, anh Nguyễn Hoàng Dũng (34 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) cho biết, đã đi giám định thương tích được khoảng 2 tuần và đang đợi kết quả. “Chúng tôi không hòa giải và quyết nhờ cơ quan pháp luật giải quyết” - anh Dũng nói. Anh cho biết sau khi xảy ra vụ việc, người hành hung đã tìm gặp anh và gia đình để xin lỗi nhưng đến nay anh Dũng vẫn kiên quyết không gặp.
Trong khi đó, thông tin đến PV, anh Đào Thế Vinh (28 tuổi, cư ngụ cùng chung cư Q7 Saigon Riverside với anh Nguyễn Hoàng Dũng) cho biết, lúc thấy anh Dũng dùng chân đẩy đuổi thú cưng của mình, bản thân anh đã có hành động bộc phát. Anh Vinh tỏ ra rất ân hận và đã ý thức được việc làm sai trái của mình.
Tại quận 1 (TPHCM), trước đây, ngoài “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ”, ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, còn tiên phong trong việc xử lý các trường hợp người dân thả rông chó không rọ mõm ở khu vực dân cư, nơi công cộng. Trong quá trình bắt chó thả rông, ông Hải cùng đoàn công tác thường xuyên bị người nuôi chó phản ứng gay gắt. Sau khi ông Hải xin nghỉ công tác, việc xử lý chó thả rông ở quận trung tâm TPHCM đến nay vẫn bỏ ngỏ.
“Ngay trong đêm xảy ra sự việc, tôi đã đến cơ quan Công an quận 7 để làm việc và xin lỗi anh Dũng vì có hành động thiếu kiềm chế. Sau đó, tôi tìm cách liên hệ với anh Dũng cùng gia đình để xin lỗi nhưng chưa gặp được anh ấy. Tôi nhận sai hoàn toàn về hành động mình. Tôi rất mong được anh Dũng tha thứ” - anh Vinh nói.
Trước đó vào tối 2/2, anh Dũng dẫn con trai đi vào sảnh chờ thang máy ở chung cư Q7 Saigon Riverside. Lúc này, con chó của anh Vinh không rọ mõm, liên tục tiến gần tới chỗ con trai anh Dũng khiến bé hốt hoảng. Lo sợ con trai bị chó cắn, anh Dũng dùng chân hất con chó ra thì bị anh Vinh dùng tay đánh mạnh vào mặt. Kết quả chẩn đoán của bệnh viện xác định, anh Dũng bị sưng bầm vùng gò má trái, trầy xước gò má trái, rách mí mắt trái phải khâu 5 mũi, vỡ mảnh răng cửa hàm dưới (bên trái)…
Xử lý nghiêm khắc
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TPHCM), cho biết, hiện nay, pháp luật quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi không xích, giữ hoặc không rọ mõm chó ở nơi công cộng là từ 1-2 triệu đồng/trường hợp. Nếu để chó cắn người, người, chủ nuôi phải bồi thường thiệt hại cho người bị cắn theo quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.
“Nếu chó tấn công, cắn người gây hậu quả nghiêm trọng và có đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, người nuôi chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thương tích; tội vô ý làm chết người hoặc tội vi phạm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn nơi đông người theo quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành”- luật sư Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, phong trào nuôi thú cưng, gồm chó, đặc biệt là các loài chó dữ đang trở thành mốt trong một bộ phận không nhỏ người dân vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, vấn đề quản lý việc nuôi chó còn quá lỏng lẻo, ý thức của nhiều chủ nuôi còn thấp.
Luật sư Hùng cho rằng, tình trạng chó cắn người diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, phản ánh việc các quy định pháp luật về hình thức chế tài, xử phạt đối với người nuôi thú cưng nói chung, người nuôi chó nói riêng còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, không đủ sức hình thành chuẩn mực ý thức cho người nuôi.
“Pháp luật cần phải có các biện pháp chế tài thật mạnh, nghiêm khắc hơn và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc thật quyết liệt nhằm chung tay, kiên quyết xử lý để có thể giải quyết tình trạng chó thả rông cắn người gây hoang mang dư luận như hiện nay”- ông Hùng nói.