Thông tin qua đường dây nóng: Lâm tặc khoét núi phá rừng

Nhiều lóng gỗ lớn lâm tặc để lại dọc đường núi.
Nhiều lóng gỗ lớn lâm tặc để lại dọc đường núi.
TP - Lâm tặc khoét núi, dùng cáp tời kéo hàng trăm thân gỗ lớn ra khỏi cánh rừng giáp ranh giữa hai huyện Chư Păh và Đắk Đoa, Gia Lai, để lại trên các ngọn núi chi chít các cung đường ngang dọc, sình lầy, trong khi lực lượng chức năng vẫn báo cáo đó chỉ là “những con đường mòn”, và “rừng không mất”.

Mở đường bằng máy múc

Nhận được tin phá rừng từ bạn đọc, PV Tiền Phong cùng đồng nghiệp đến hiện trường xác minh, tận mắt thấy vị trí rừng bị phá cách UBND xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh khoảng 2,5km. Đây là xã có địa danh du lịch nổi tiếng với núi lửa Chư Đăng Ya, vừa được tỉnh cho phép mở lễ hội hoa dã quỳ trong tháng 12/2017.

Nhóm phóng viên từ làng Ya, xã Chư Đăng Ya, đi qua một con suối nhỏ, rồi trầy trật hơn 1 giờ đồng hồ trên xe máy độ chế vượt dốc thêm khoảng 7km nữa mới tiếp cận được hiện trường. Một thổ địa dẫn đường cho biết: những ngọn núi này trước kia cao hun hút. Gần đây lâm tặc đã đưa máy múc vào san núi, mở đường nhằm thuận tiện cho việc vận chuyển gỗ. Người này dẫn chúng tôi vào 5 bãi gỗ được cất giấu dọc tuyến đường, đợi thời điểm thích hợp sẽ đưa đi tiêu thụ. Phóng viên ghi nhận có hàng chục lóng gỗ với đường kính 2 người ôm, dài khoảng 5m tại một điểm cất giấu.

Thông tin qua đường dây nóng: Lâm tặc khoét núi phá rừng ảnh 1 Một gốc cây cổ thụ bị cắt hạ có chu vi khoảng 3 người ôm.

Lên cao, khung cảnh tan hoang hiện ra với những đường xương cá chằng chịt đâm thẳng vào rừng xanh, sâu hun hút. Lần theo một đường xương cá với dấu vết máy cày còn mới để lại, chúng tôi chứng kiến hơn 20 cây gỗ lớn, đường kính 2 người ôm đã bị cắt hạ. Phần lóng gỗ thân giữa lâm tặc kéo đi, còn lại cành nhánh.

Chuyển hướng khác, sau 10 phút đi bộ, chúng tôi đến một dốc núi gây “choáng” với bất kỳ ai muốn băng qua. Theo người dẫn đường, với dốc núi này lâm tặc sẽ dùng máy tời cáp; một đầu cáp cột vào đầu xe cày, đầu kia cố định vào thân gỗ cây lớn rồi tời dần lên. Một máy tời lớn có thể kéo khoảng 10 tấn. Tại đường xương cá này, chúng tôi ghi nhận hàng trăm thân gỗ lớn đường kính 1 người ôm trở lên bị cắt hạ. Nhánh thứ ba chúng tôi chứng kiến một thân gỗ “khủng” mà tuổi thọ có thể lên tới hàng trăm năm với chu vi cỡ 5 người ôm, khối lượng khoảng 2 tấn nằm giữa đường, lâm tặc chưa kịp vận chuyển đi.

Tiếp tục đi vào những nhánh khác, cánh rừng hàng trăm héc ta bây giờ chỉ còn lại một “bãi chiến trường” với đồi núi bị cày xới tả tơi.

Báo cáo không mất rừng

Sau khi chụp ảnh, quay video clip hiện trường, chúng tôi đến Hạt kiểm lâm Chư Păh trình báo vụ việc phá rừng nghiêm trọng này. Tại đây, Hạt trưởng Kiểm lâm Chư Păh Nay Vân cho biết: Hai tháng trước khi lễ hội hoa dã quỳ diễn ra, Hạt đã cắt cử anh em chốt chặn liên tục. Có thể sau lễ hội lâm tặc đã lẻn vào phá rừng. Ông Nay Vân nhận định vị trí phá rừng mà báo chí cung cấp thuộc trách nhiệm quản lý của Ban Quản lý dự án rừng 661. Địa phận này tiếp giáp giữa hai huyện Chư Păh và Đắk Đoa của tỉnh Gia Lai.

Về con đường lâm tặc dùng máy múc khoét núi để thuận tiện cho việc vận chuyển gỗ lậu, ông Nay Vân giải thích: “Chúng tôi vẫn cắt cử anh em đi tuần tra, kiểm soát. Nhưng về họ báo cáo không mất rừng, con đường mà báo chí nêu thì anh em nói là “đường mòn”. Tôi cũng chưa nhận được báo cáo cụ thể nào về việc mất rừng nêu trên”. Trả lời về việc có hay không sự tiếp tay của một số cán bộ bảo vệ rừng cho lâm tặc tẩu tán gỗ vào ban đêm, ông Nay Vân nói: “Anh em phải thừa nhận nếu nghe một chiều thì không được. Còn giờ khẳng định trong ngành có người này người kia thì chưa thuyết phục. Cần phải có cơ quan điều tra làm rõ”.       

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.