Ngày 20/11, thượng tá Thành Kiên Trung, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46) - Công an Hà Nội cho biết, CQĐT đã ra lệnh bắt khẩn cấp Vương Thúy Nga (SN 1975, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thị Bích Hạnh (SN 1983, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, đối tượng này đang nuôi con nhỏ nên được tại ngoại).
Qua công tác trinh sát và đơn tố giác tội phạm của người dân, Đội Chống hàng giả - PC46 Công an Hà Nội đã bóc gỡ thành công ổ nhóm chuyên giả danh cán bộ Bộ Y tế, giả danh Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và ông Vũ Bá Quyết - Giám đốc BV Việt Đức để nhận tiền chạy việc của những người có nhu cầu. Đồng thời, làm rõ hai đối tượng chính trong vụ án này là Lê Thị Bích Hạnh và Vương Thúy Nga.
Tại cơ quan công an, bước đầu Lê Thị Bích Hạnh khai: Cuối năm 2013, thông qua các mối quan hệ xã hội, Hạnh làm quen với ông Đoàn Văn Tá, nhân viên BV Việt Đức và Hạnh cũng tự giới thiệu bản thân đang làm tại BV Phụ sản Trung ương, có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo Bộ Y tế, có khả năng chạy việc vào các BV Trung ương và Hà Nội.
Tang vật của vụ án.
Mặt khác, Hạnh thuê Vương Thúy Nga đóng giả nhân viên Phòng Kế hoạch tổng hợp của BV Phụ sản Trung ương để đi “chém gió” với ông Tá và một số người có nhu cầu xin việc. Hạnh giao cho Nga hướng dẫn những người xin việc điền thông tin cá nhân vào Phiếu trả lời câu hỏi dự thi công chức do Hạnh tự chế và thu của mỗi người 500 nghìn đồng, mỗi lần đi gặp khách hàng Nga được Hạnh trả công 200 nghìn đồng. Thấy “ngon ăn”, Nga đã tìm cách làm ăn trực tiếp với ông Tá. Cao thủ hơn, Nga còn chi 5 triệu đồng để thuê một người hành nghề “xe ôm” và một phụ nữ để đóng giả làm Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và Thư ký của ông Tiến, rồi cho khách hàng nói chuyện điện thoại với vị Thứ trưởng giả mạo.
Tin tưởng vào mối quan hệ của Nga, ông Tá đã đưa cho Nga 39 bộ hồ sơ cùng với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Trước đó, ông Tá cũng đã đưa cho Hạnh 21 hồ sơ xin việc làm, kèm theo hơn 3,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngay bản thân ông Tá sau khi nghe hai nữ quái “chém gió” đã về nộp đơn xin nghỉ việc tại BV Việt Đức để “chạy” vào chân trợ lý cho Vụ trưởng thuộc Bộ Y tế.
Trước sự thúc giục từ phía ông Tá, Nga đã thuê người làm giả 35 thẻ nhân viên y tế (trợ lý cục phó, điều dưỡng viên, bác sỹ, nhân viên kế toán…) của các BV dựa trên thông tin hồ sơ xin việc rồi đưa cho khách hàng. Còn về phía Hạnh, sau khi bị ông Tá phát hiện không có khả năng xin việc, Hạnh đã trả lại cho ông Tá hơn 1,6 tỷ đồng.
Quá trình điều tra xác định, trung bình mỗi trường hợp xin việc phải nộp cho các đối tượng khoảng 300 triệu đồng. Khi thu tiền đặt cọc, các đối tượng cấp cho nạn nhân một phiếu thu “tự chế” có đóng dấu của các BV để làm tin; sau đó tự khắc dấu của Bộ y tế để đóng hồ sơ xin việc và in các thẻ nhân viên y tế tại các bệnh viện để đưa cho nạn nhân nhằm thu nốt tiền.
Bước đầu, công an xác định các đối tượng trong đường dây này đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 6 tỷ đồng của các bị hại. Khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ 2 con dấu giả của ngành y tế, 2 áo blue trắng, 9 điện thoại di động, cùng một số tài liệu giấy tờ liên quan đến việc nhận tiền, nhận hồ sơ xin việc tại các BV và cơ quan nhà nước.
Mỗi trường hợp xin việc phải nộp cho các đối tượng khoảng 300 triệu đồng. Khi thu tiền đặt cọc, các đối tượng cấp cho nạn nhân một phiếu thu “tự chế” có đóng dấu của các BV để làm tin; sau đó tự khắc dấu của Bộ y tế để đóng hồ sơ xin việc và in các thẻ nhân viên y tế đưa cho nạn nhân nhằm thu nốt tiền.