Một số thói quen ăn uống cực có hại cho cơ thể sẽ được vạch trần ngay dưới đây. Và điều cần làm là hãy cố gắng chấm dứt chúng một cách dứt khoát và sớm nhất có thể, vì sức khỏe của bạn!
Hút thuốc lá sau khi ăn
Hầu hết những người nghiện thuốc đều có thói quen châm một điếu thuốc sau khi bữa ăn kết thúc. Hút thuốc có thể làm giảm cảm giác no bụng là câu bao biện quen thuộc cho hành động có hại này.
Tuy nhiên, các thí nghiệm đã chứng minh rằng hút thuốc lá ngay sau bữa ăn có thể bằng việc bạn hút 10 điếu liên tiếp.
Mặc dù có thể giúp bạn thư giãn nhưng thói quen này là nguyên nhân gây ra hội chứng IBS ruột kích thích và viêm loét đại tràng (loét dạ dày).
Khi ăn cơm xong, hoạt động của ruột và dạ dày được tăng cường, tuần hoàn máu ở đường tiêu hóa tăng nhanh. Nếu hút một điếu thuốc lá vào lúc này, lượng độc tố hấp thu vào cơ thể sẽ lớn hơn so với việc hút 10 điếu ở thời điểm khác.
Thói quen này còn làm cho huyết quản trong niêm mạc dạ dày co hẹp lại, dẫn đến hiện tượng mất cân đối giữa độ axit và độ kiềm, khiến công năng dạ dày bị rối loạn.
Ăn trái cây ngay sau bữa ăn
Đây là thói quen phổ biến của hầu hết mọi người. Trái cây là món tráng miệng tuyệt vời, thay thế những đồ ngọt không lành mạnh như sôcôla hoặc kẹo,..
Tuy nhiên, trong trái cây còn chứa một lượng lớn đường đơn như: Fructose, glucose, các đường đơn này sẽ được ruột non hấp thu trực tiếp, không cần phải tham gia tiêu hóa ở dạ dày.
Còn thức ăn sau khi vào dạ dày cần phải mất từ 2-4 giờ mới có thể đẩy chúng xuống ruột non để tiến hành hấp thu.
Vì thế, trái cây sẽ phải lưu lại trong dạ dày lâu hơn để “chờ” thức ăn tiêu hóa hết, làm tăng gánh nặng cho dạ dày, dễ dẫn đến chứng đầy bụng, khó tiêu.
Đây là lý do tại sao các bác sĩ khuyên bạn nên ăn trái cây ít nhất một giờ trước hoặc sau bữa ăn để đảm bảo khả năng làm việc cho hệ tiêu hóa.
Uống trà sau khi ăn
Chúng ta thường có thói quen uống trà ngay sau khi rời khỏi bàn ăn vì cho rằng điều này vừa giúp làm sạch miệng, vừa có lợi cho hệ tiêu hoá. Tuy nhiên, thói quen này cực kì có hại.
Trong trà có chứa lượng lớn tannin và các hợp chất có tính kiềm. 2 chất này sau khi đi vào dạ dày sẽ có khả năng gây ức chế quá trình phân giải các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, từ đó dễ dẫn tới đầy bụng, khó tiêu.
Tanin khi kết hợp với protein có trong đồ ăn như thịt, trứng, sữa, thực phẩm họ đậu… sẽ tạo thành các chất cặn khó tiêu, các chất kết tủa và tạo sỏi.
Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên uống một tách trà ít nhất một giờ sau bữa ăn. Còn nếu cảm thấy muốn uống chút gì đó, 1 cốc nước lọc sẽ là lựa chọn thông minh dành cho bạn.
Nới lỏng thắt lưng
Nhiều người hay nới lỏng thắt lưng để cảm thấy dễ chịu và giúp bụng không bị chèn ép.
Bằng cách này, bạn đã tự cho phép mình ăn nhiều hơn, đến một mức độ mà bạn thường cảm thấy không thoải mái.
Lâu dần, bạn rất dễ tăng cân và béo phì vì không kiểm soát được lượng thức ăn mà mình đã tiêu thụ.
Tắm
Hành động này sẽ khuyến khích lượng máu trong cơ thể dồn đến tứ chi, đồng nghĩa với việc giảm lượng máu chảy về phía dạ dày của bạn.
Do đó hệ tiêu hóa sẽ làm việc trì trệ, chậm lại và kém hiệu quả hơn.
Đi bộ
Phái nữ thường làm điều này sau khi ăn no do quan niệm sai lầm rằng đi bộ thời điểm này có thể giúp tiêu thụ calo thừa và đốt cháy lượng mỡ trong cơ thể.
Tuy nhiên, đây là ý tưởng tồi vì nó dẫn tới hậu quả trào ngược axit và gây ra chứng khó tiêu cho bạn. Nên đi bộ ít nhất 30 phút sau khi ăn, điều này hoàn toàn có lợi cho cơ thể bạn.
Đi ngủ
Những bữa ăn chứa quá nhiều protein thường khiến chúng ta buồn ngủ hơn, nhưng hãy cố gắng để kiểm soát tình trạng này.
Khi đi ngủ, toàn bộ các quá trình diễn ra trong cơ thể đều bị chậm lại, bao gồm cả tiêu hóa.
Đi ngủ ngay sau khi ăn sẽ dẫn bạn đến trước nguy cơ khó tiêu, chướng bụng cùng một loạt các vấn đề sức khỏe bao gồm dạ dày và nhiễm trùng đường ruột.