Những tổ sán kín đặc trong não bộ, những tổ sán lá gan âm thầm phá hủy gan của người bệnh… chỉ được nhìn thấy khi được chụp chiếu bằng kỹ thuật hiện đại. Các bệnh nhân thì bàng hoàng khi biết tình trạng của mình. Họ chưa bao giờ nghĩ, chỉ vì thói quen ăn uống mà tính mạng của họ bị những “kẻ thù ký sinh trùng” đe dọa.
Điều trị động kinh 20 năm vì không phát hiện sán làm tổ trong não
Hiện đang nằm điều trị tại Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng TƯ, ông Nguyễn Văn Uyên, SN 1965 (Tân Dân, Yên Dũng, Bắc Giang) mệt mỏi cho biết: “Tôi bị đau đầu cũng phải 6 - 7 năm nay rồi nhưng mới phát hiện ra sán não khoảng 3 năm nay. Tôi đi khám các nơi thì chẩn đoán là bị động kinh, rồi điều trị động kinh mấy năm liền không khỏi. Đến năm 2013 đi chụp cộng hưởng từ mới phát hiện ra sán não”. Mấy năm qua, ông Nguyên lúc nào cũng sống trong mệt mỏi, đau đớn, da tái xanh, đi lại lử đử như người say rượu. Rồi lại thêm những cơn co giật hành hạ khiến ông sùi bọt mép, mắt trợn ngược, ngã vật ra đất. Sau 3 năm điều trị, hiện ông Nguyên đã bớt những cơn co giật, bớt đau đầu. Cứ cách 1 tháng, ông lại phải đến viện điều trị 15 ngày.
Khác với ông Nguyên, anh Hà Văn Dân, SN 1979 (Tân Sơn, Phú Thọ) không hề có bất cứ biểu hiện nào. Anh vẫn khỏe mạnh, đi làm xây dựng công trình. Một hôm anh Dân bị lên cơn co giật suốt một đêm, sau đó anh lì bì, bất tỉnh 3 ngày liền. Bác sĩ kết luận rằng: “Có sán đang hoạt động trong não”. Đọc kết quả xong, vợ anh cứ ngất lên ngất xuống vì quá sợ. Sau khi điều trị 25 ngày, anh về nhà nhưng lại tiếp tục lên cơn co giật. Hóa ra, trong quá trình ở nhà, anh không giữ gìn mà nghĩ là mình đã khỏi, không kiêng bia rượu nên anh bị tái phát. Anh Nguyên vẫn còn chưa hết ám ảnh nhớ lại: “Tôi có cảm giác cứ có thuốc vào thì mới yên. Trước khi về bác sĩ có dặn kiêng rượu bia, chất kích thích, đồ ăn sống, tái… nhưng có lẽ tôi không tuân thủ nên bị nhiễm lại. Giờ tôi sợ lắm rồi”.
Cả gia đình ông Đậu Đức Hựu, SN 1948 (Hoàng Mai, Nghệ An) chưa hết bàng hoàng khi kế lại trường hợp của ông. Ông Hựu bị lên cơn co giật cách đây đã 20 năm, năm đó ông khoảng gần 50 tuổi. Đi khám chỗ nào người ra cũng kết luận là ông bị động kinh. Ông điều trị động kinh đã 20 năm nay không khỏi, hết thuốc động kinh lại tiêm thuốc chống co giật. Cứ thỉnh thoảng, cơn co giật lại khiến ông và gia đình khổ sở, sợ hãi. Gần đây, ông Hựu nôn ra máu đông rồi bất tỉnh nhân sự. Bệnh viện cho rằng ông bị tai biến. Sau khi được chụp cộng hưởng từ tại bệnh viện tuyến tỉnh, các bác sĩ kết luận ông bị sán làm tổ trong não. Lúc này đã là tháng 4. 2016, những tổ sán ken kín trong não, chèn ép gây giãn não thất, ông Hựu phải phẫu thuật, hút dịch trong não rồi mới có thể điều trị tẩy sán được.
Khi ấy, cả gia đình ông bàng hoàng kinh sợ nhớ lại quãng thời gian ông làm chủ trang trại nuôi cua. Món ăn ưa thích của ông Hựu là món tiết canh cua và tiết canh lợn. Với thịt cua, máu cua cộng thêm lạc rang, rau thơm hấp dẫn, món ăn này là khoái khẩu của ông Hựu và nhiều người khác. Nhưng đó cũng chính là nguyên nhân khiến ông Hựu âm thầm bị sán làm tổ trong não 20 năm nay mà không biết. Anh Đậu Đức Tưởng, con trai ông Hựu khẳng định: “Khi bác sĩ phân tích nguyên nhân, chúng tôi mới tá hỏa nghĩ ra món mà bố tôi thích ăn nhất là tiết canh cua và cả tiết canh lợn. Mà theo tôi tìm hiểu được biết thì trong con cua có nhiều sán vô cùng. Nếu ăn phải, chắc chắn là mắc rồi. Giờ cả gia đình tôi đề cao cảnh giác, nói không với tiết canh và đồ sống”.
Theo các bác sĩ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ, bệnh nhân mắc sán não sẽ bị đau đầu, tê tay, co giật nên một số bác sĩ ở các địa phương, thậm chí ở trung ương họ không nghĩ đến ký sinh trùng. Ths.BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Điều trị, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân đã khám ở ở nhiều nơi rồi. Bệnh nhân bị sán não co giật nhiều, động kinh, đi khám các nơi được chẩn đoán và điều trị triệu chứng động kinh nhưng không thể khỏi được do chưa tìm ra căn nguyên của bệnh. Có rất nhiều bệnh nhân đã từng uống các loại thuốc điều trị động kinh (thuốc hướng thần). Có người uống nhiều đến mức lơ mơ, đi lại giật giờ như người bị tâm thần”.
“Một năm chúng tôi tiếp nhận mấy trăm ca sán não. Đây là căn bệnh hết sức bình thường mà người dân có thể mắc phải. Nó vô cùng nguy hiểm, nhưng người dân lại coi thường, không chú ý giữ gìn”.
Bệnh ký sinh trùng là căn bệnh âm thầm, chỉ được phát hiện khi vô tình đi khám, chiếu chụp. Bản thân bệnh nhân, gia đình và đến cả các bác sĩ cũng không nghĩ đến bệnh ký sinh trùng. Nhiều câu chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Bà Trần Thị P, SN 1950 (Diễn Châu, Nghệ An) là một trường hợp tiêu biểu, “trở về từ cõi chết” như vậy. Bà P thường xuyên mệt mỏi, ăn uống kém, nôn ngay sau khi ăn, kèm các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đi ngoài, suy nhược cơ thể. Lúc nhập viện, bệnh nhân đã ở tình trạng suy kiệt, da xanh, xuất huyết, điều trị hội chứng trào ngược nhiều tháng trời tại bệnh viện lớn ở Hà Nội nhưng không có biến chuyển. Trước khi quyết định trả bệnh nhân về, các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân đi kiểm tra bệnh ký sinh trùng lần cuối. Kết quả lần kiểm tra này, bệnh nhân bị nhiễm giun lươn ký sinh trong ruột. Chỉ sau 1 ngày điều trị bệnh ký sinh trùng, bệnh nhân đã không còn nôn nữa. Ngày hôm sau, bà P ăn cháo được, rồi ăn cơm và xuất viện “ngoạn mục” sau 10 ngày. Trước khi về, gia đình rất xúc động, bà P rơi nước mắt nói với các bác sĩ: “Các bác sĩ đã tái sinh tôi. Tôi biết ơn vô cùng”.
Trường hợp anh Lê Sơn (Thanh Hóa) chẩn đoán nhầm sán lá gan thành u gan khiến bệnh nhân bị cắt 1/4 lá gan. Sau khi chuyển lên khám tại bệnh viện chuyên về ung bướu, được các bác sĩ chẩn đoán bị u gan bên trái, có vấn đề về tuỵ mật nên anh Sơn quyết định phẫu thuật cắt 1/4 lá gan bị tổn thương vào ngày 8.6. Tuy nhiên sau 5 ngày trải qua ca phẫu thuật quan trọng, anh Sơn được thông báo ‘khối u’ trong gan anh không phải u ác mà là khối tổn thương do sán lá gan làm tổ. Sau đó, anh Sơn được chuyển sang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để điều trị. Ở đây, anh được theo dõi phục hồi gan, sử dụng thuốc diệt sán lá gan lớn. Qua điều trị, các diễn biến lâm sàng của Anh Sơn tiến triển tốt. Về trường hợp này, Ths.BS Trần Huy Thọ cho biết: “Với những bệnh nhân nhiễm sán lá gan thường bị đau hạ sườn phải, đau thượng vị dạ dày vì gan trái gần với dạ dày, nên dễ bị chẩn đoán nhầm thành đau dạ dày. Sán lá gan cũng gây ra những tổn thương gan như những ổ áp xe trong gan, phá hủy tế bào gan nên có thể bị chẩn đoán nhầm thành u gan. Có trường hợp bệnh nhân bị ổ áp xe gan quá lớn bị vỡ, phải mổ. Nếu không cấp cứu kịp có thể bị nhiễm trùng và tử vong”.
“Nếu bệnh nhân được làm các xét nghiệm loại trừ bị sán lá gan thì có thể đã không phải làm một cuộc đại phẫu là cắt một phần lá gan. Qua bệnh nhân này, tôi hy vọng, trước khi đi đến quyết định phẫu thuật cắt bỏ, hãy loại trừ khả năng u trong gan, làm các xét nghiệm để xác định tổn thương gan có phải là do sán lá gan lớn hay không rồi hãy mổ” - BS Thọ chia sẻ.
BS Thọ cùng với các đồng nghiệp ở đây luôn hết sức trăn trở về tình trạng nhiễm các căn bệnh ký sinh trùng hiện nay ở người dân. Theo các bác sĩ, hầu hết, bệnh do ký sinh trùng đều gây ra do thói quen ăn uống của người dân vì bệnh này mắc qua đường tiêu hóa. Nhiều nơi, do phong tục tập quán nên người dân thường sử dụng những món ăn có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán cao như tiết canh, nem chạo, các loại rau thủy sinh như rau cần, rau ngổ… và gỏi cá. Tất nhiên, không phải ai ăn những món này cũng bị bệnh ký sinh trùng mà những người nào ăn phải thực phẩm không tốt, nhiễm ấu trùng sán mới bị.
Đối với các bệnh do ký sinh trùng, bác sĩ Thọ khuyến cáo người dân thấy có biểu hiện bất thường trên cơ thể như nổi u cục nhỏ dưới da, đi ngoài ra đốt sán trắng hay đau đầu thì cần phải đi khám ngay. Nhớ lại nhiều trường hợp đáng tiếc, BS Thọ thở dài tâm sự: “Hiện nay, ý thức về sức khỏe của người dân vẫn còn hạn chế, chỉ khi cảm thấy cơ thể mình ốm yếu rồi mới đến bệnh viện thì đã quá muộn. Có nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi sau khi đã có thời gian dài điều trị ở nhà. Do điều trị động kinh bằng thuốc hướng thần nên họ đã bị giảm trí nhớ, liệt, nhìn mờ, co giật… Nếu trước đó phát hiện ra sớm, điều trị sớm thì sẽ đỡ hơn rất nhiều”.
Các chuyên gia cho biết, mỗi bệnh nhân có đáp ứng thuốc khác nhau do tiền sử họ dùng thuốc khác nhau, nếu người nào không bị kháng thuốc thì điều trị tốt hơn. Có nhiều bệnh nhân khỏi hẳn động kinh sau khi điều trị, nhưng có những bệnh nhân thì vẫn bị co giật, do sán não đã để lại di chứng trong não. Chính vì thế, việc phòng chống tại cộng đồng là cực kỳ quan trọng. Bệnh sán não nói riêng và bệnh ký sinh trùng nói chung gây ra những hệ lụy rất lớn đối với cuộc sống. Chẳng may, bệnh nhân lên cơn co giật lúc đang tham gia giao thông hoặc lao động thì cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng. Khi bệnh đã được phát hiện, phải điều trị sớm, điều trị đúng phác đồ và quan trọng hơn nữa là thay đổi tập quán sống. Tuyệt đối không nên ăn đồ sống, uống nước lã, ăn chín uống sôi là an toàn nhất. Tuy nhiên, bệnh ký sinh trùng cũng hồi phục nhanh nếu phát hiện sớm.
Năm 2015, Khoa Điều trị, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tiếp nhận hơn 5.000 ca đến khám và điều trị. Năm 2016, con số đã tăng lên thành 7.000 ca. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, Viện đã tiếp nhận 5.444 ca nhiễm bệnh do ký sinh trùng. Nhiều nhất là bệnh nhân mắc sán não, sán lá gan, giun đũa chó…