Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời tại Syria: Toan tính nước lớn

Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời tại Syria: Toan tính nước lớn
TP - Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời tại Syria chính thức có hiệu lực từ ngày 27/2, đánh dấu thời khắc quan trọng trong cuộc nội chiến kéo dài suốt 5 năm qua ở quốc gia Trung Đông này. Nỗ lực ngoại giao quy mô nhất từ trước tới nay của cộng đồng quốc tế, với Nga và Mỹ là trung tâm, được kỳ vọng mở ra cơ hội chấm dứt khủng hoảng Syria.

Trước mắt, thỏa thuận giúp cộng đồng quốc tế có điều kiện viện trợ lương thực cho người dân Syria; cho phép Liên Hợp Quốc (LHQ), nhóm quốc tế hỗ trợ Syria có thêm thời gian tiến hành đàm phán nhằm tìm ra giải pháp chính trị chấm dứt cuộc nội chiến; giúp các bên tập trung sức mạnh chống “Nhà nước Hồi giáo” (IS) và Mặt trận al-Nusra liên kết với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Hy vọng là vậy, nhưng giới phân tích cho rằng, ngừng bắn hai tuần chưa phải là phép thử đủ trọng lượng đối với nền hòa bình Syria, bởi toan tính và sự can dự của các nước lớn.

Với Mỹ, ít ngày trước khi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria có hiệu lực, truyền thông Mỹ tiết lộ “Phương án B” của Nhà Trắng trong trường hợp thỏa thuận thất bại, và giải pháp quân sự là trọng tâm. Trong bài phát biểu về thỏa thuận ngừng bắn, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo “không ảo tưởng về thỏa thuận này” bởi còn “nhiều cạm bẫy tiềm ẩn” và có lý do để “hoài nghi về thành công của nó”.

Đối với Nga, thỏa thuận ngừng bắn không có nghĩa Mátxcơva hạn chế hoạt động quân sự mà trái lại, giúp Nga và Syria có quyền gia tăng chiến dịch chống khủng bố theo phân loại của LHQ. Kể từ khi bắt đầu không kích ở Syria cuối tháng 9/2015, Nga khẳng định mục tiêu chỉ là IS và Mặt trận al-Nusra, vì thế, thỏa thuận không ảnh hưởng hay giới hạn mục đích của Nga ở Syria. Vài giờ trước khi thỏa thuận được thực thi, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẽ không chấm dứt chiến dịch không kích nhằm vào IS, Mặt trận Al-Nusra và “những nhóm khủng bố khác”. Phe đối lập Syria nghi ngại, thỏa thuận là “lỗ hổng” để Nga và Syria lấy làm vỏ bọc tấn công lực lượng này.

Mạng tin tình báo Debka của Israel thậm chí chỉ ra rằng, thỏa thuận ngừng bắn ở Syria được Nga và Mỹ xác lập từ… tháng 12/2015. Theo đó, “thỏa thuận bí mật” thực chất là sự phân vùng ảnh hưởng và trách nhiệm quân sự của mỗi bên, trong đó Mỹ “đảm trách” các khu vực phía Đông sông Euphrates, còn Nga “bao quát” vùng lãnh thổ bờ Tây. Diễn biến trên chiến trường Syria thời gian qua dường như củng cố lập luận này.

MỚI - NÓNG