Thơ của 'tổng biên tập' trong tù

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Nguyễn Trí viết “Bãi vàng, đá quí, trầm hương” từ trải nghiệm bản thân, bất ngờ gặt giải thưởng lớn, tiếng tăm bay khắp nước. Đỗ Hữu Thiêm cũng có một tiểu sử gây sửng sốt chẳng kém Nguyễn Trí nhưng người lính năm xưa không nương tựa văn xuôi, ông tìm đến thi ca để giải tỏa nỗi niềm và chấp nhận thân phận của “cây quế giữa rừng” mà sự thơm tho chỉ loanh quanh một vùng nho nhỏ.

Đọc thơ Đỗ Hữu Thiêm, nghe ông kể về đời mình bỗng dưng tôi nhớ đến những câu mào đầu của “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, nữ văn sĩ Colleen McCulough nhắc đến “truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời”: “Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau vĩ đại”. 

Thơ của 'tổng biên tập' trong tù ảnh 1

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Tiếng thơ của Đỗ Hữu Thiêm giống như tiếng họa mi trong trẻo vút lên từ một cuộc đời bầm dập vất vả, âu lo, đau đớn nhưng tuyệt nhiên không một tiếng than. Có một thời tinh thần “lãng mạn cách mạng” được “quán triệt” trong sáng tác, khiến những “đứa con tinh thần” được sinh ra bởi những ông bố, bà mẹ khác nhau đều giống nhau về hơi thở. 

Không ít những “đứa con” chết yểu ngay từ khi chào đời, chỉ phần không nhiều trong số đó trụ được với thời gian nhờ tài năng của người nhào nặn. Đỗ Hữu Thiêm chưa phải một tài năng trên lĩnh vực sáng tác thi ca nhưng ông hơn người ở trái tim trong sáng, giàu cảm xúc. 

Thơ của 'tổng biên tập' trong tù ảnh 2

Khó ngờ, người tù kiên cường năm nào lại hành nghề đãi cát tìm vàng khắp nhiều vùng đất nước.

Chất “lãng mạn cách mạng” hào hứng trong thơ Đỗ Hữu Thiêm bắt đầu từ khi ông mới bập bẹ sáng tác trong lao tù của địch và róc rách chảy qua thời bình như một nguồn mạch không vơi cạn. Giữa thời buổi người ta chỉ nghĩ nhiều đến giá cả leo thang, đồng tiền mất giá, khủng hoảng kinh tế… vẫn viết những vần thơ như ông, thật ngạc nhiên đến xúc động.

Đỗ Hữu Thiêm đang sống trong một ngôi làng nhỏ của huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Làng quê nơi đây kém vẻ trù phú nhưng trong lành, bình yên. Ngôi nhà của Đỗ Hữu Thiêm đang sống tuy có điểm tô bằng mấy đóa dâm bụt vàng rực ngoài sân cũng không che giấu được vẻ thanh đạm của đời sống chủ nhân. Ông tiếp khách vồn vã và đọc thơ cho khách nghe say sưa bằng giọng nói đậm chất địa phương lẫn lộn “l”, “n”, mỗi một bài thơ là một phần đời nhà thơ hé mở.

Kỳ công làm báo trong nhà lao đế quốc

Nếu ông không nói, thật khó hình dung người đàn ông thôn quê ngồi trước mặt tôi lại là một người tù kiên trung trong nhà tù đế quốc. 23 tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông nhập ngũ lên đường. Một năm sau bị địch bắt tại mặt trận Bắc Bồng Sơn- Bình Định ngày 17 tháng 2 năm 1966. 

Điều khiến ông đau không phải là những năm tháng bị tống vào “địa ngục trần gian” mà chính là những đồng đội của ông trong cuộc chiến với tiểu đoàn quân Mỹ đã hy sinh cả, chỉ còn ông bị thương, nằm trong khe đá, quân địch đã bắn lấp khe đá, kéo ông ra rồi tống vào ngục. 

Chúng đưa ông trải qua hàng loạt lao tù từ nhà tù Quy Nhơn, nhà tù Biên Hòa, xà lim Lê Văn Duyệt… và kết thúc tại “địa ngục” Phú Quốc. Vì tinh thần, khí phách vững vàng nên Đỗ Hữu Thiêm được anh em trong tù tín nhiệm bầu vào ban chấp hành liên chi đoàn. Tại nhà tù Phú Quốc, ông đã cùng một số anh em chỉ đạo vụ tuyệt thực kéo dài 16 ngày và bị bắt đi biệt giam. 

Đỗ Hữu Thiêm chính là một trong những tù nhân đầu tiên bị quân địch đưa vào “chuồng cọp”, khi hình thức tra tấn này mới được tạo ra tại đây. Địch không ngờ sự trừng trị của bọn chúng chẳng thể bào mòn ý chí chiến đấu của các chiến sĩ ta. Liều thuốc để Đỗ Hữu Thiêm xoa dịu đau đớn chính là thơ. 

Hai lần bị tống vào “chuồng cọp”, mỗi lần kéo dài trong một tuần lễ đã giúp ông thai nghén “Đêm mưa chuồng cọp”: “Mưa cứ ào ào như người ném đá dăm/Mùa mưa đảo muốn chừng thối đất/ Gió vẫn quất vào như đẽo thịt/Gió mùa mưa có dễ tắt bao giờ (…) 

Ngồi không được thẳng làm sao đứng/Ngửa mặt đau rồi cúi mỏi lưng/Thép gai vít đầu thép gai căng tứ phía/Nằm thì cát chảy lấp lỗ tai”. Sau khi tố cáo nhục hình của địch, bài thơ nhanh chóng kết thúc khỏe khoắn: “Không! Đời vẫn còn quả tim thức nóng/Đập thâu đêm dẫn máu đến tế bào”. “Đêm mưa chuồng cọp” được phổ biến, giảng dạy trong nhà tù Phú Quốc, trở thành “món ăn tinh thần” của anh em tại đây.

Gia tài của Đỗ Hữu Thiêm hiện nay có khoảng 200 bài thơ, trong số đó chiếm một phần không nhỏ là thơ sáng tác trong chiến tranh. Thơ ông giàu chất “thép” nhưng không lấn lướt phần bay bổng của một tâm hồn yêu cái đẹp, giàu xúc cảm. 

Một đêm trăng gác núi cũng hóa thành thơ: “Trăng mọc phương đông nhìn núi xa vời vợi/Trăng giữa đỉnh đầu thấy núi rộng bao la/Trăng khuất trời tây là núi giăng thế trận/Thức với đêm dài nghe núi khẽ nẩy hoa”. 

Mặc dù chỉ là những ghi chép vội vã trên đường hành quân, trong chốn lao tù nhưng Đỗ Hữu Thiêm vẫn kịp để lại những bài thơ đọng, như khi ông viết về nhà mồ: “Những pho tượng vẹo xiêu méo mó quỵ đổ/Úa nhàu chiều sương lam/Những hố đạn hố bom nham nhở/Hoàng hôn đỏ uất non ngàn/ Hỏi đâu về bản cũ/Lửa thiêu mấy ngả đường mòn/Liêu diêu tàn tranh bóng quạ/Nhà mồ vắng lạnh hồn/Quặn đau trời tây hú/Gọi đêm về cho mầm non”.

Đỗ Hữu Thiêm nói vui: “Tôi cũng từng làm tổng biên tập đấy”. Ở nhà tù Phú Quốc ông từng được anh em tín nhiệm giao cho “chức” chủ nhiệm hai tập san lưu hành nội bộ. Việc làm báo trong tù vô cùng kỳ công. Ông Thiêm nhớ lại: “Chúng tôi dùng bìa cát tông bóc mỏng ra như bìa bao thuốc lá, rồi ngâm trong nước vo gạo cho trắng, dùng nước cơm để lì lại cho nhẵn. Giấy viết là thế. Còn mực viết được chúng tôi lấy từ mực của những con cá mực, ngày nào chúng cũng bắt ăn những con mực rất nhỏ, chỉ bằng ngón chân cái hoặc bé hơn, chúng tôi moi lấy mực và dồn lại sử dụng”. 

Đến nay ông vẫn còn lưu những sáng tác của anh em trong tù: “Có người thành nhà văn như Nguyễn Văn Tường, viết Dấu đất. Có những cộng tác viên sau thành cái tên nổi tiếng như Võ Sỹ Thừa - NSND Võ Sỹ Thừa của sân khấu Tuồng-pv”. Sau 7 năm trong tù ngục, Đỗ Hữu Thiêm được trao trả ngày 17 tháng 2 năm 1973 theo Hiệp định Paris. Cuộc đời ông bước sang trang mới nhưng thời bình không phải đã hết những thử thách, chiến đấu cam go.

Chật vật kiếm kế sinh nhai

Nguyễn Trí kể cả trong giấc mơ cũng không nghĩ nổi mình sẽ trở thành một nhà văn có tiếng như hiện tại. Anh viết để trang trải những cảm xúc và trải nghiệm dồn ứ về một cuộc sống khốn khó. Trộm nghĩ nếu Đỗ Hữu Thiêm chuyển sang viết văn xuôi biết đâu ông cũng sẽ thành công như Nguyễn Trí bởi vốn sống của ông cũng dồi dào, cuộc đời ông cũng quăng quật chẳng kém ai: “Trước đây, thời trai trẻ tôi từng ôm mộng viết tiểu thuyết nhưng thế nào rồi chỉ toàn làm thơ”. Khỏi phải loay hoay tìm nguyên mẫu, nếu viết truyện ngắn hoặc tiểu thuyết thì nguyên mẫu của Đỗ Hữu Thiêm là… chính tác giả. 

Cuốn tiểu thuyết cuộc đời của Đỗ Hữu Thiêm có đắt khách hay không, khó dám chắc nhưng khán giả đọc nó sẽ thương cảm ít nhiều. Người bạn đời của nhà thơ tiết lộ: “Ngày trước vợ chồng chúng tôi khổ lắm. Lương giáo viên tiểu học của tôi phải gồng bốn cháu ăn học. Ông nhà cứ vài tháng lại đi viện. Do ở trong tù bị tra tấn vào ngực nên cứ thay đổi thời tiết người mệt mỏi, ông ấy lại khạc ra máu tươi”. Trải qua 8 năm ở chiến trường, 4 năm làm bộ đội ngoài Bắc, vào tù, ra tội... cuối cùng ông trở thành công nhân của Trại giống lúa trong một năm rồi đổ bệnh, nghỉ việc, hưởng chế độ mất sức. Từ đó ông chật vật kiếm kế sinh nhai. Khó ngờ, người tù kiên cường năm nào lại hành nghề đãi cát tìm vàng khắp nhiều vùng đất nước. Ông khoe hồn nhiên: “Bây giờ tôi vẫn đãi cát rất chuẩn”. 

Nhưng nụ cười bỗng tắt ngay trên môi ông, đọng lại đó là nỗi tủi nhục phận người: “Một công việc cực nhọc, không thể mường tượng được, còn khốc liệt hơn chiến tranh”. Có thời kỳ ông xoay sang làm miến: “Tôi xát khoai riềng làm miến, cố gắng mỗi ngày cũng được tạ rưỡi miến”. Rồi ông học thêm nghề của chị em, làm ô mai, từ ô mai sấu đến ô mai khế ông đều làm thành thạo. Con cái lớn dần, đủ cánh tự bay, ông cũng bước vào tuổi thất thập. Dù đời đãi ông bằng gia vị đắng cay nhưng ông không hằn học, mỗi ngày vẫn để tâm hồn bay bổng với thơ.

Đỗ Hữu Thiêm vừa cho ra mắt một tập thơ mới mang tên “Cây nến cháy”. Trong lời giới thiệu tập thơ, nhà thơ Đỗ Trung Lai có nhắc đến quan niệm của Trần Tử Ngang: “Văn chương là tấc lòng gửi vào thiên cổ, đâu phải chuyện tài hoa phấn sức một lúc một thời”. Cứ theo quan niệm của nhà thơ tài hoa thời Sơ Đường (Trung Quốc) thì Đỗ Hữu Thiêm hoàn toàn có thể tự hào với gia tài 200 bài thơ rút ruột của mình.

Sẽ viết truyện ngắn, chỉ sợ… sai chính tả

Thơ của 'tổng biên tập' trong tù ảnh 3 Vợ chồng nhà thơ
Đỗ Hữu Thiêm đã in 3 tập thơ: “Bóng chim trời”, “Tiếng họa mi và sự trong trắng của thơ”, “Cây nến cháy”. Một số bài thơ của ông đã được in trên báo. Tập thơ “Bóng chim trời” từng được một sinh viên chọn làm luận văn tốt nghiệp. Không giống những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khi in sách có thể tìm được tài trợ, Đỗ Hữu Thiêm ki cóp tiền bằng lao động chân tay vất vả để... in thơ, mục đích chính chỉ là: “Để làm kỷ niệm”. Ông cũng nuôi ý định viết truyện ngắn, hiện nay ông đã có sẵn nhiều cốt truyện trong đầu. Khác với thơ ca, truyện ngắn của ông lại bám theo những đề tài “hot” của cuộc sống đương đại như: Mỹ nhân và tên ăn trộm… Người lính già chỉ băn khoăn một điều: “Tôi sợ mình viết sai lỗi chính tả nhiều người ta lại nói lên nói xuống điếc tai”.
MỚI - NÓNG