Bất ổn với hàng bình ổn - Bài 2:

Thiếu minh bạch bình ổn giá

Muốn được bình ổn phải “xin-cho”. ảnh: như ý
Muốn được bình ổn phải “xin-cho”. ảnh: như ý
TP - Việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia bình ổn không thông qua đấu thầu; doanh nghiệp được trợ cấp vốn với lãi suất 0% khiến chương trình bình ổn giá thiếu tính cạnh tranh và sự minh bạch.

Muốn bình ổn phải “xin-cho”

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, năm 2013, trên địa bàn có 13 doanh nghiệp được vay trong tổng số 318 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố với lãi suất 0%. Danh sách doanh nghiệp được vay vốn không thiếu các tên tuổi lớn trên thị trường như: Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty CP Nhất Nam với hệ thống siêu thị Fivimart, Công ty CP thương mại Cầu Giấy (Citimart)...

Ông Nguyễn Văn Đồng, nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, người phụ trách chương trình bình ổn giá từ năm 2007 đến tháng 10/2013 cho biết, việc lựa chọn doanh nghiệp dựa trên tiêu chí đánh giá của liên ngành, không phải doanh nghiệp nào tham gia cũng được.

Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc lựa chọn doanh nghiệp không qua đấu thầu tạo ra cơ chế cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. “TPHCM tổ chức đấu thầu về giá, nhưng Hà Nội lại lựa chọn doanh nghiệp để tham gia bán hàng bình ổn giá. Việc làm này tạo ra cơ chế “xin - cho”. 

Nếu không tổ chức đấu thầu làm sao biết được giá của doanh nghiệp nào thấp, doanh nghiệp nào cao để tham gia? Có khi anh tham gia chương trình bình ổn có giá cao hơn những anh không tham gia. Từ đó sẽ tạo ra nghịch lý trên thị trường”, ông Phú nói.  

Ông Phú cho biết thêm, doanh nghiệp không tham gia bình ổn có thể kiện doanh nghiệp tham gia bình ổn vì vi phạm luật cạnh tranh không lành mạnh. Ông Phú nói: “Cùng một mặt hàng như nhau sao lại có đơn vị bán giá thấp hơn. Vậy những doanh nghiệp cùng kinh doanh mặt hàng mà không tham gia bình ổn thì hàng bán cho ai?”.

Trong một kỳ họp HĐND TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Xuân Diên - Phó Chánh văn phòng HĐND  thẳng thắn đề nghị, phải xem lại việc cấp vốn cho doanh nghiệp bình ổn giá trong năm 2014 vì kém hiệu quả, không công bằng đối với các doanh nghiệp và hình thành cơ chế “xin - cho”. 

Dễ chiếm dụng vốn

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế phân tích, chương trình bình ổn hiện nay không hiệu quả, Hà Nội đang đi theo cơ chế “bầu sữa bao cấp”. Ông Phong cho hay, với việc hỗ trợ vốn hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào sự trung thực của doanh nghiệp. Điều này rất dễ dẫn tới doanh nghiệp lợi dụng nguồn vốn và sử dụng vào mục đích khác thay vì bình ổn. 

“Hiện, TPHCM không ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp với lãi suất 0% như trước mà thực hiện kết nối giữa các doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp (ngắn hạn 6%, trung và dài hạn 10%). Hà Nội nên học theo cách làm của TPHCM”, ông Phong nói.

Ông Nguyễn Văn Đồng, nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng cho rằng, chương trình bình ổn giá không hiệu quả bởi ngân sách không đủ vốn để điều hành giá thị trường. “Nhìn chung, các mặt hàng bình ổn vẫn do giá ngoài thị trường chi phối. Chương trình bình ổn chỉ có tác dụng kiềm chế lạm phát”, ông Đồng nói.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải, chương trình bình ổn giá làm theo quy trình ngược là thay vì hỗ trợ khâu sản xuất, lại hỗ trợ vốn cho khâu lưu thông. Về phía các cơ quan quản lý chưa có đánh giá chính thức tác động của chương trình bình ổn giá đến chỉ số giá tiêu dùng để định lượng hiệu quả. Trong khi các vi phạm của doanh nghiệp đang làm mất dần ý nghĩa của bình ổn giá. 

Ông Hiếu cũng cho rằng, việc xác định các mặt hàng tham gia bình ổn chưa hợp lý như: Gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, dầu ăn, rau củ quả, thủy hải sản. Những mặt hàng rau củ quả không thường xuyên sốt giá, đồ thủy sản đông lạnh không tiêu thụ nhiều. Do vậy vốn nằm chết, rất lãng phí. Đó là kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng vốn, khó kiểm soát.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc xác định các mặt hàng tham gia bình ổn chưa hợp lý.

MỚI - NÓNG