‘Thiên đường Tây Nguyên’ ấn tượng bên hồ Xuân Hương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 5 nhà rông, nhà sàn với kiến trúc truyền thống tiêu biểu và hàng ngàn hiện vật đặc sắc của các tộc người thiểu số Tây Nguyên vừa được phục dựng, trưng bày trong không gian “Thiên đường Tây Nguyên” bên bờ hồ Xuân Hương (thành phố Đà Lạt).
‘Thiên đường Tây Nguyên’ ấn tượng bên hồ Xuân Hương ảnh 1

Nhà sàn Tây Nguyên được phục dựng bên hồ Xuân Hương

Ngày 10/11, UBND thành phố Đà Lạt cho biết đang phối hợp với Công ty TNHH Vietnam Silk House và nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm (phường 3, Đà Lạt) tạo dựng không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên” bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng.

Trong số 5 ngôi nhà truyền thống làm bằng gỗ và tranh tre nứa lá được phục dựng tại đây có 1 căn nhà dài của người Ê Đê, 1 ngôi nhà rông của dân tộc Xê Đăng, 1 nhà sinh hoạt hàng ngày người K’Ho, 1 nhà rông và 1 nhà sàn của dân tộc Ba Na.

‘Thiên đường Tây Nguyên’ ấn tượng bên hồ Xuân Hương ảnh 2

Mô hình nhà rông thu hút khách tham quan

Đây là nơi trưng bày hơn 3.000 hiện vật về đời sống văn hoá, tâm linh, săn bắt, nuôi trồng... của các tộc người bản địa Tây Nguyên từ nhiều thế kỷ qua mà ông Đặng Minh Tâm đã dày công sưu tầm hơn 40 năm. Hầu hết hiện vật đều nhuốm màu thời gian, cho du khách hoài niệm về Tây Nguyên xưa.

‘Thiên đường Tây Nguyên’ ấn tượng bên hồ Xuân Hương ảnh 3

Đàn đá

Hiện vật được chia thành nhiều nhóm bao gồm nhạc cụ, văn hóa tín ngưỡng, nghi thức và lễ hội, dụng cụ săn bắn, trang phục thổ cẩm truyền thống, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống...

Nhiều người ngỡ ngàng trước bộ sưu tập trang phục truyền thống thổ cẩm của 17 dân tộc bản địa Tây Nguyên với các hoa văn, hoạ tiết, màu sắc riêng của từng dân tộc. Nếu màu sắc chủ đạo trong trang phục của người Êđê là màu đen với hoa văn đỏ, xanh, vàng... thì người K’Ho chuộng màu xanh đậm phối với các chỉ viền màu sáng (trắng, vàng, đỏ...); còn người Mạ ưa thích màu trắng với hoa văn gồm các màu sặc sỡ.

‘Thiên đường Tây Nguyên’ ấn tượng bên hồ Xuân Hương ảnh 4

Dệt thổ cẩm

Nhiều nhất là các hiện vật về công cụ sản xuất và đời sống, tái hiện toàn diện đời sống của người dân Tây Nguyên trước đây, mang đến sự ngạc nhiên, thích thú cho khách tham quan.

‘Thiên đường Tây Nguyên’ ấn tượng bên hồ Xuân Hương ảnh 5

Đan lát là nghề truyền thống phổ biến ở Tây Nguyên

Nhiều khách tham quan trầm trồ về bộ dụng cụ săn bắn và thuần hóa thú. Cơ man nào là cung, ná (nỏ), lao, giáo, mác... đến các loại bẫy thú rừng. Trong đó, nỏ là công cụ săn bắn lợi hại bậc nhất, được tất cả các dân tộc cư trú tại Tây Nguyên sử dụng.

Nơi níu chân khách thưởng ngoạn lâu nhất là bộ dụng cụ săn bắt và thuần hóa voi rừng độc đáo. Đó là chiếc ghế độc nhất vô nhị được làm từ bộ xương voi, chỉ người săn được nhiều voi nhất mới được ngồi.

‘Thiên đường Tây Nguyên’ ấn tượng bên hồ Xuân Hương ảnh 6

Nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm và chiếc ghế vua voi độc nhất vô nhị

Đó còn là cùm chữ V được làm từ 2 cây gỗ có gai được buộc lại bằng dây mây. Khi săn được con voi, những người thợ săn sẽ tra cái cùm này vào cổ chúng. Voi càng chống trả thì cùm càng siết chặt, những chiếc gai đâm vào cổ làm voi đau đớn, nhanh được thuần hóa.

Hiện vật về nhạc cụ truyền thống cũng vô cùng phong phú với chiêng, cồng đá, đàn đá và nhiều loại đàn khác như Goong, K ní, Klông Put, Pưng pêt... các loại trống làm từ da của nhiều loài thú rừng như voi, trâu, nai, trăn…

‘Thiên đường Tây Nguyên’ ấn tượng bên hồ Xuân Hương ảnh 7

Bộ sưu tập trống ấn tượng

Nhiều du khách tâm sự cảm thấy “choáng” trước các bộ trang sức truyền thống như vòng đeo tay và đeo chân, các chuỗi hạt cườm đeo cổ, nhẫn, hoa tai, đặc biệt là vòng căng tai bằng ngà voi.

‘Thiên đường Tây Nguyên’ ấn tượng bên hồ Xuân Hương ảnh 8

Mô hình nhà mồ ở Tây Nguyên

Đến khu trưng bày các hiện vật văn hoá tín ngưỡng, nghi thức và lễ hội, chị Nguyễn Như Huyền (đến từ TPHCM) hồ hởi nói: “Thật sự hoa mắt với số lượng hiện vật ở đây, từ các bộ cồng chiêng, cây nêu đến gần cả trăm tượng nhà mồ... với những sắc thái huyền bí mang đậm dấu ấn của miền đất cao nguyên”.

‘Thiên đường Tây Nguyên’ ấn tượng bên hồ Xuân Hương ảnh 9

Du khách hào hứng chụp ảnh bên bộ sưu tập cây nêu

Không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên” mở cửa đón khách cho đến cuối tháng 1/2023.

MỚI - NÓNG