Thích ứng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giống như mọi virus, SARS-CoV-2 chỉ có một mục tiêu duy nhất đó là sinh tồn. Do đó, mánh khóe của virus chính là trở nên dễ lây lan hơn nhưng ít nguy hiểm hơn bởi điều đó cho phép chúng lan rộng và tồn tại lâu hơn.

Từ một ca mắc đơn lẻ, chủng mới của SARS-CoV-2 đã ra đời và nhanh chóng vạch ra một con đường “chết chóc” trên toàn thế giới.

Dù Việt Nam đối phó với đại dịch tốt hơn nhiều nước khác nhờ cách tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ, tuy nhiên với tình hình lây nhiễm gia tăng và kế hoạch tiêm văc-xin cho toàn dân còn phải chờ lâu nên cách tốt nhất phải xác định, đó là kích hoạt chế độ “phòng thủ thời chiến” và chung sống vượt qua đại dịch.

Làn sóng COVID -19 thứ nhất xuất hiện trào lưu “Tôi ở nhà”. Hai tuần giãn cách khiến mọi người nghĩ ra nhiều cách để kết nối, từ lập ra các group: “Nghiện nhà”, “Ở nhà vui thấy bà”, cho tới việc tự sản xuất các clip trên Youtube hay làm việc trực tuyến thông qua zoom, qua email. Nhưng tất cả cũng chỉ là tạm thời... Làn sóng COVID -19 thứ hai, thứ ba và thư tư ập đến, lúc này con người đã đủ khôn ngoan để thấu hiểu: COVID không phải chuyện đùa, phải thích nghi, học cách sống chung. Với cộng đồng doanh nghiệp, “thời chiến” thậm chí đã tạo ra những công cụ mới để thích nghi.

TS Abel Alonso, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT, người vừa chủ trì nhóm nghiên cứu về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cho hay: Chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp Việt, nhóm doanh nghiệp này đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và cần tập trung vào các nỗ lực hồi phục.

“Hoạt động từ xa là thách thức đối với các doanh nghiệp công nghiệp. Nhân viên tuyến đầu không có quyền truy cập vào các công cụ giống như nhân viên bàn giấy, tạo ra một sự ngăn cách giữa khối văn phòng và cửa hàng. Các ngành công nghiệp hiện đang khám phá cách họ có thể áp dụng các bài học kinh nghiệm từ không gian tri thức, được gia tốc bằng cách vượt qua sự gián đoạn do COVID-19.”, ông nói.

Ngoài ra, ông cùng với các cộng sự cũng chỉ ra rằng, cần quan tâm tới sức khỏe tinh thần của chủ doanh nghiệp, nhân viên và thế hệ người lao động tương lai. Nhiều người đang gặp khó khăn về mặt tinh thần và tâm lý do mất thu nhập hoặc không thể tìm được việc làm.

Mặc dù Việt Nam đạt tăng trưởng dương năm 2020, nhưng số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho thấy, có đến 101.700 DN rời thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019 (46.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 37.700 DN chờ làm thủ tục giải thể, 17.500 DN hoàn tất thủ tục giải thể). Riêng 4 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 12.900 DN rút khỏi thị trường. Có thể nói, khó khăn chồng chất khó khăn, DN đang phải gồng mình vượt qua.

Cùng với nỗ lực của DN, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay… góp phần gỡ khó cho DN. Nhưng sòng phẳng, dù Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp đến đâu cũng chỉ có thể dừng ở mức nào đó bởi còn phải cẩn trọng, tránh “xuất huyết” tài chính do COVID-19 gây ra.

“Kích hoạt đưa các đơn vị quân đội vào trạng thái như thời chiến, dốc sức phòng chống đại dịch..”, từng chỉ là chỉ đạo của Bộ Quốc phòng tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới đầu năm 2021. Âu cũng đến lúc, người dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh này, cần xác định một tâm thế phòng thủ vững vàng, ứng biến linh hoạt với đại dịch, xoay xở và tự cứu mình trước khi chờ được cứu.

MỚI - NÓNG