Thị trường chứng khoán đang như cơ thể yếu

Ông Vũ Bằng: “Thị trường chứng khoán đang rất cần sự hỗ trợ từ ngân hàng”
Ông Vũ Bằng: “Thị trường chứng khoán đang rất cần sự hỗ trợ từ ngân hàng”
TP - Thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục suy giảm do tác động những bất ổn từ kinh tế thế giới, khó khăn của kinh tế trong nước. Tâm lý nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết và các công ty chứng khoán rơi vào bi quan. Liệu cơ quan quản lý có cách gì để cải thiện tình hình?

> Quốc hội yêu cầu khởi động mạnh tái cơ cấu kinh tế
> Vn-Index tụt dốc, thị trường thiếu lực đỡ

Hôm qua (16-11), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng chia sẻ với báo chí.

Ông Vũ Bằng: “Thị trường chứng khoán đang rất cần sự hỗ trợ từ ngân hàng”
Ông Vũ Bằng: “Thị trường chứng khoán đang rất cần sự hỗ trợ từ ngân hàng”.
 

Mong được ngân hàng hỗ trợ

Ông Bằng cho biết: Thời gian qua TTCK gặp khó khăn. TTCK các nước, khu vực đều có sự sụt giảm. Hầu hết chỉ số thị trường chính đều giảm (ngoại trừ Down Jone) như: châu Âu, châu Á, Hồng Kông, Nhật Bản đều giảm dao động 12-19% so với cuối năm 2010. Riêng các nước gặp khủng hoảng nợ sụt giảm 30-40%.

Ở trong nước, từ đầu năm tới nay, VN-Index giảm khoảng 16%. Kinh tế trong nước tác động khiến cho các doanh nghiệp niêm yết khó khăn, có đến 60% công ty lợi nhuận sụt giảm, giá cổ phiếu giảm còn 40-50% so với năm 2010, hiện có 71/105 công ty chứng khoán lỗ luỹ kế (tổng lỗ khoảng 2.000 tỷ), hoạt động huy động vốn gặp nhiều khó khăn, thành công chào bán cổ phiếu giảm mạnh.

Về chỉ số Index, năm 2008 thị trường cũng bị sức ép mạnh về tâm lý khốc liệt khi từ đỉnh 1.200 điểm giảm sâu xuống ngưỡng dưới 300 điểm; còn năm nay dù tính ra mức suy giảm của VN- Index mới vào khoảng 16% nhưng do thị trường đang như một cơ thể yếu nên sức chịu đựng lần này kém hơn. Nói chung, thị trường xuống bởi những tác động từ chính sách vĩ mô là chính.

Một trong những lý do khiến TTCK suy giảm đó là tác động từ thắt chặt tín dụng, hạn chế cung tiền?

Theo tôi, không nên ép phi sản xuất vào bất động sản vì bản thân thị trường bất động sản vẫn có những giá trị riêng. Hiện tình hình nhiều doanh nghiệp niêm yết trong đó có bất động sản rất bi quan, 70% dưới giá trị sổ sách, phát hành cổ phiếu từ đầu năm tới nay suy giảm, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn. Trong khi đó tái cấu trúc ngân hàng thì sẽ phải huy động vốn mà chứng khoán xuống thì càng không thể huy động được vốn. Nói chung, dưới góc độ thị trường, chúng tôi mong ngân hàng sẽ hỗ trợ.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng.
 

Phải giảm số công ty chứng khoán

Hiện dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam qua chứng khoán ra sao, thưa ông?

Dòng vốn gián tiếp vào TTCK năm 2010 khá, khoảng 1 tỷ USD ròng. Từ đầu năm đến nay có lúc vào khoảng 500 triệu USD, nhưng tháng 9, 10 có điều chỉnh, tính chung từ đầu năm đến nay vẫn dương. Nhìn chung, dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam tùy thuộc vào kinh tế vĩ mô vì đây vẫn là yếu tố được cân nhắc, do có tính rủi ro.

Trong quá trình làm việc vừa qua, các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến việc cho phép thành lập quỹ mở, hiện họ đã chuẩn bị lực lượng. Quỹ mở nếu được ban hành sẽ có thuận lợi là nhiều quỹ đóng (bị hạn chế bởi những người tham gia quỹ ban đầu-PV) đã đến hạn sẽ chuyển sang ngay, như vậy sẽ không tạo ra sức ép rút vốn với thị trường.

Với quá nhiều khó khăn đang phải đối mặt và trong năm 2012 sắp tới, Bộ Tài chính và UBCK sẽ có những giải pháp gì?

Khi thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, là cơ hội cho TTCK phát triển. Tái cấu trúc đầu tiên là giảm đầu tư công, do đó phải thúc đẩy đầu tư tư nhân. Đầu tư tư thì phải có vai trò của TTCK. Để tái cơ cấu DNNN thì phải thúc đẩy cổ phần hóa và mục tiêu này cũng phải dựa vào TTCK.

Để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, minh bạch của TTCK, UBCK sẽ cùng Bộ Tài chính triển khai các giải pháp như: dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK; đề án quản lý vốn gián tiếp; xây dựng hệ thống chỉ số mới; xây dựng đề án thành lập tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm...

Về khung pháp lý sẽ hoàn tất Nghị đinh xử phạt hành chính, Xây dựng hướng dẫn về thu lời bất chính để tăng mức xử phạt; Phối hợp với Bộ Công an xây dựng văn bản hướng dẫn xử lý hình sự các tội phạm trên TTCK. Các giải pháp này sẽ được trình, ban hành từ nay đến cuối năm và năm 2012.

Thế còn việc tái cơ cấu các công ty chứng khoán thì sao, thưa ông?

Việc tái cơ cấu các CTCK sẽ diễn ra sớm, có thể vào quý II-2012. Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với NHNN về phối hợp các giải pháp đối với TTCK như vấn đề tín dụng, hệ thống thanh toán, tái cấu trúc các CTCK khoán trực thuộc ngân hàng.

Việc tái cơ cấu sẽ không chỉ với những công ty yếu kém mà cả những công ty khoẻ cũng làm theo chuẩn và thông lệ quốc tế. Số lượng 105 CTCK đang hoạt động trên TTCK Việt Nam đúng là nhiều quá, chúng ta sẽ phải giảm xuống. Quan điểm của UBCK là sẽ xử lý căn cứ vào các tiêu chuẩn về tài chính, chứ không phải chỉ là CTCK lớn hay nhỏ.

Cảm ơn ông.

Tăng điểm nhờ chính sách mới của NHNN

Đóng cửa phiên giao dịch 16-11, VN-Index tăng hơn 3 điểm lên 390,89 điểm (+0,78%). Thị trường hồi phục nhẹ trở lại sau 7 phiên giảm liên tiếp. HNX-Index tăng phiên thứ 2 liên tiếp lên 63,86 điểm. Thanh khoản trên hai thị trường tăng nhẹ.

Theo phân tích của một số CTCK: Văn bản mới nhất của NHNN về việc loại một số khoản vay bất động sản ra khỏi tín dụng phi sản xuất bắt đầu phát huy tác dụng, mở ra một lối thoát nhỏ cho thị trường. Tuy nhiên, rủi ro thanh khoản và nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn hiện hữu cùng khó khăn chung khiến tình hình thị trường sẽ khó cải thiện ngay.

Khánh Huyền (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG