Thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Lấp lánh nụ cười ngoài trường thi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thí sinh đã hoàn thành 3 bài thi trong kì thi tốt nghiệp THPT. Đồng hành cùng thí sinh qua mỗi bài thi là những người cha, người mẹ với những thấp thỏm, lo âu và hạnh phúc.

Đưa con đến điểm thi Trường THCS Thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội, chị Nguyễn Phương Dung không trở về nhà gần đó luôn mà nấn ná đợi cho đến khi tiếng trống bắt đầu giờ làm bài thi khoảng 30 phút sau chị mới rời đi. Chị cho biết nhà ngay trong khu đô thị phía sau điểm thi nhưng chị vẫn xin nghỉ làm 2 ngày để đưa con đi thi. Không lo lắng, căng thẳng nhưng sau mỗi buổi thi, nhìn thấy con vui vẻ là chị yên tâm.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Lấp lánh nụ cười ngoài trường thi ảnh 1

Chị Trần Ngọc Bích, Ba Đình, Hà Nội không nằm trong số hàng triệu phụ huynh có con tham gia kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhưng con trai chị trước đó cũng đã vật vã 1 tháng 6 môn để nhận bằng tú tài quốc tế. “Các bạn của con học THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam còn nhàn hơn con học trường quốc tế. Mỗi môn phải thi mấy bài, học mướt mải, chưa kể bài luận các kiểu. Nhưng tôi nghĩ ở tuổi các con cũng có thể chịu được áp lực rồi”, chị Ngọc Bích nói. Tuy vậy, chị thấy thành quả con đạt được là nhận được học bổng du học ở một trường ĐH nổi tiếng của Úc cũng xứng đáng.

Trong số các thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Nguyễn Khắc Anh Tuấn, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội không may gặp tai nạn gãy ngón bàn tay phải cách ngày thi 2 tuần. Em trải qua ca phẫu thuật và phải bó bột tay phải. Theo chỉ định, ít nhất giữa tháng 7 em mới được tháo bột. Để có thể tham dự kì thi, Tuấn đã quyết định cắt một phần bột bên ngoài để các ngón tay lộ ra rồi nỗ lực tập cầm bút, tập viết chỉ trước khi kì thi diễn ra 7 ngày. Ban đầu các ngón tay rất đau và khó chịu do vết gãy đang lành. Nhưng dần dần, với quyết tâm, em cũng có thể viết lại được. Bố mẹ cũng động viên em rất nhiều.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Lấp lánh nụ cười ngoài trường thi ảnh 2

Nam sinh cho biết thêm, năm nay, em có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Em mong muốn sau này được trở thành kỹ sư về máy bay. Trước ngày thi em có chút hồi hộp, căng thẳng nhưng sẽ cố gắng hết mình.

“Đặc sản” của Việt Nam

TS. Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM, chuyên gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Toán quốc gia đi thi Olympic Toán học quốc tế chia sẻ kì thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ áp lực với những em có học lực yếu, có nguy cơ không đỗ tốt nghiệp và những em có nguyện vọng lấy kết quả kì thi này xét tuyển vào các trường đại học top trên. Áp lực này là do bản thân các em đặt ra. Ông Dũng nhận định, học sinh của Trường Phổ thông Năng khiếu phần lớn đã trúng tuyển ĐH như mong muốn nên chỉ cần tốt nghiệp là yên tâm. Ông Dũng đánh giá áp lực thi cử do mục tiêu của mỗi kì thi đặt ra. Trên thế giới, các kì thi cũng có áp lực nhất là kì thi tú tài của Pháp, kì thi của các nước châu Á.

“Nhưng dường như sự quan tâm của xã hội, của phụ huynh đối với các kì thi là “đặc sản” của Việt Nam. Ngày tôi học ở bên Nga những kì thi này là chuyện của học sinh với trường. Thi tất nhiên có áp lực nhưng phụ huynh có khi không biết con đi thi. Sự quan tâm của phụ huynh Việt khá cao”, ông Dũng nói. Đồng thời chia sẻ trước đây, kì thi tốt nghiệp do địa phương nên nhẹ nhàng nhưng sau này dùng kết quả để tuyển sinh nên đã tạo ra áp lực cho phụ huynh và thí sinh.

Nhưng ông Dũng cho rằng không đánh đồng áp lực của kì thi với việc bố mẹ sẵn sàng đưa con đi thi. Bởi đó là sự quan tâm, là niềm vui của những người làm cha làm mẹ. “Con bước ra khỏi trường thi, làm bài được, thấy nụ cười trên môi con, bố mẹ nào cũng thấy hạnh phúc hoặc nếu con không làm được bài, con buồn thì bố mẹ chia sẻ động viên”, ông Dũng nói.

Bản thân ông Dũng đưa con đi thi rất cẩn thận và thấy đó là niềm vui. Thật ấm áp sau khi khi ra khỏi phòng thi nhìn thấy bố mẹ đứng đợi, bản thân mỗi người con cũng thấy yên tâm hơn. “Áp lực có lẽ là ở sự kì vọng và sự vào cuộc hơi thái. Kì thi đang được tổ chức cồng kềnh, nghiêm trọng hóa nên cũng tạo áp lực”, ông Dũng nói thêm.

MỚI - NÓNG