Thi thử, áp lực thật
> Sỹ tử khốn đốn vì thi thử đại học
> Thi thử tốt nghiệp, đại học trực tuyến
Vừa trải qua kỳ kiểm tra học kỳ 2, học sinh (HS) lớp 12 tại TP.HCM sẽ tiếp tục tham dự kỳ thi thử tốt nghiệp THPT vào các ngày 11, 12 và 13-5 tới. Đây là kỳ thi thử gây tranh cãi, bởi trước đó, Sở GD-ĐT cho biết, sẽ xem xét bỏ nhưng sau đó lại tổ chức thi.
Học sinh trường THPT Trưng Vương TP.HCM ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi TN THPT. Ảnh: Đ.N.T. |
Quá nhiều kỳ thi
“Nếu tính luôn kỳ thi thử tốt nghiệp sắp tới, tổng cộng chúng em phải trải qua năm kỳ thi trong năm (hai kỳ thi giữa kỳ, hai kỳ thi cuối kỳ và một kỳ thi thử). Đó là chưa kể rất nhiều kỳ kiểm tra đầu năm, kiểm tra 15 phút, một tiết. Từ đầu tháng ba đến nay, lớp em tập trung toàn bộ thời gian để ôn tập thi tốt nghiệp và đại học. Vừa thi học kỳ 2 xong, tưởng được thong thả nghỉ ngơi thì lại chuẩn bị thi thử. Mặc dù thi thử không tính điểm, nhưng môn nào bị điểm thấp là không xong với GV môn đó đâu” - Thư - HS lớp 12 trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TPHCM) than thở.
Quá mệt mỏi trước những kỳ thi cuối cấp, Tiến - HS trường THPT tư thục Đăng Khoa (TPHCM) cho biết: “Đầu năm nghe mấy thầy nói không thi thử, chúng em cũng mừng, bây giờ lại tiếp tục thi. Thi hoài, lỡ đến ngày thi thật, chúng em đuối quá đâm bệnh thì sao đây”.
Trong khi đó, ông Đình Dân - một phụ huynh có con học lớp 12 trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) cho biết: “Nhìn thời khóa biểu tụi nó mà tôi thấy chóng cả mặt. Giá như tổ chức lồng ghép luôn kỳ thi học kỳ 2 y hệt như thi thử tốt nghiệp thì có phải gọn hơn không. Vừa đánh giá được chất lượng sáu môn thi, tụi nhỏ vừa được thực tập kiểu thi mà không mất thêm thời gian, không gây sức ép tâm lý khi thời điểm kỳ thi thật sắp đến gần”.
Giảm áp lực ngược
"Không nên lạm dụng hình thức thi thử dẫn đến quá tải, căng thẳng không cần thiết cho học sinh" - ông Trần Văn Nghĩa Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT |
Cuối tháng 2 - 2011, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, sẽ cân nhắc trước kiến nghị của Phòng Giáo dục THPT về việc không tổ chức thi thử tốt nghiệp. Nguyên nhân là do kỳ thi thử chỉ cách kỳ thi thật mấy tuần, sẽ gây mệt mỏi, căng thẳng cho HS và nhiều lãng phí với các khâu ra đề, sao in, phân phát, coi thi, chấm thi.
Ông Lâm An - Trưởng phòng Giáo dục THPT thời điểm đó - lý giải: “Sở dĩ những năm trước tổ chức thi thử vì HS bỡ ngỡ khi làm bài thi trắc nghiệm nên cần có một kỳ thi tập dượt. Tuy nhiên, đến năm nay, HS đã quá quen với hình thức thi trắc nghiệm và được thao tác trong suốt trong 3banăm học THPT nên không cần thiết tổ chức một kỳ thi thử, vừa có lợi về sức khỏe, tránh gây mệt mỏi, căng thẳng cho HS, vừa đỡ tốn kém cho ngành”.
Tuy nhiên, sau đó, ngày 30 - 3 Sở GD-ĐT thông báo chính thức về việc tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp sẽ diễn ra vào giữa tháng năm, tức hai tuần trước kỳ thi thật. Điều này khiến nhiều trường, phụ huynh bất ngờ và gây nhiều tranh cãi, do gia tăng áp lực không đáng có, nhất là vào thời điểm HS chuẩn bị phải đối mặt với nhiều kỳ thi quan trọng trong đời mình.
Một GV trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) cho biết: “Thi thử không cần thiết đối với HS ở TPHCM vì từ lớp 10, các em đã được làm quen với thi trắc nghiệm. Các trường cũng đã có máy chấm thi trắc nghiệm và luôn tổ chức những kỳ thi học kỳ theo quy cách của kỳ thi tốt nghiệp, nên nếu nói để HS làm quen là không đúng”.
Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng: “Nên cân nhắc giữa cái được và chưa được trong việc tổ chức thi thử để có một quyết định tốt hơn. Vì tư tưởng của HS khi thi thử không lấy điểm, các em không nỗ lực làm bài nên kết quả không thật lắm. Những năm trước, do các trường chưa quen với hình thức thi trắc nghiệm nên tổ chức thi thử là cần thiết, nhưng đến thời điểm này, khi GV và HS quá quen với việc này, thì thi thử chỉ tạo nên áp lực cho HS”.
Theo Phi Loan
Thanh Niên