Thi THPT quốc gia 2020: Độ khó đề thi giảm?

Nhiều giáo viên cho rằng, nên giảm độ khó và đề thi chính thức phải bám sát đề minh họa năm nay. Ảnh: Như Ý
Nhiều giáo viên cho rằng, nên giảm độ khó và đề thi chính thức phải bám sát đề minh họa năm nay. Ảnh: Như Ý
TP - Nhiều giáo viên dạy lớp 12 cho rằng, đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm nay nên bám sát đề minh họa, đồng thời giảm độ khó so với năm trước, như tập trung câu hỏi, nâng cao độ khó các bài học ở học kỳ I.

Giảm độ khó so với năm trước

Thầy Đào Mạnh Thắng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), nói rằng, trước đây, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn về giảm tải trên cơ sở vẫn đảm bảo chương trình để thầy trò dạy học, ôn tập, nhưng hiện nay học sinh chưa được đến trường, việc học bị gián đoạn, do đó, đề thi năm nay nên giảm độ khó so với năm trước.

“Ví dụ, học sinh hiện đã học hết học kỳ I nên tập trung các câu hỏi có mức độ phân hoá cao vào phần này, riêng kiến thức học kỳ II chỉ nên ra ở mức cơ bản, vận dụng thấp”, thầy Thắng nói. Thầy cũng cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia đến thời điểm này đã khá ổn định, học sinh quen dạng đề nên không cần giảm tải kiến thức lớp 11.

Cô Phạm Ngọc Thúy, giáo viên dạy Toán Trường THPT Đông Anh (Hà Nội), cho rằng, phương pháp học qua truyền hình và học trực tuyến hiện nay còn nhiều hạn chế. Trong thời gian trực theo dõi học sinh học qua truyền hình, giáo viên cũng theo dõi, ra bài tập, nhận bài ghi chép, bài tập học sinh để đánh giá nhưng nhiều em kêu “không hiểu bài”, vì thế bài tập cô giao chỉ dừng lại ở mức cơ bản nhất, xoáy thêm một số câu hỏi hơi sâu là học sinh không làm được.

Mỗi ngày giáo viên nhận gần 1.700 tin nhắn nhưng vẫn không kiểm soát được liệu các em có quay cóp bài tập hay không. Còn phương thức lớp học trực tuyến, các em vào điểm danh xong có bỏ máy đi hay không cô cũng không thể biết. Cô Thúy kiến nghị, nếu không có thời gian học bù hết chương trình thì Bộ GD&ĐT nên tính toán ra đề thi THPT quốc gia năm nay giảm độ khó, đặc biệt ra đề thi kiến thức học kỳ II phải cân nhắc để học sinh không thiệt thòi.

Bám sát đề minh họa, không đánh đố

Cô Lê Thị Tuyết Nga, giáo viên Ngoại ngữ, Trường THPT Phong Châu (Phú Thọ), cho rằng, về chương trình, trong phân phối, mỗi phần có 8 tiết, có thể giảm tải 2 tiết cuối cùng vì có thể hướng dẫn học sinh tự học. Sau 3 bài học sẽ có 2 tiết ôn tập, giáo viên cũng có thể hướng dẫn học sinh tự ôn để cắt giảm thời gian.

Về đề thi THPT quốc gia, năm nay, Bộ nên đưa đề minh họa rõ ràng, cụ thể và thật nhanh để giáo viên bám vào đó dạy học sinh. Môn Ngoại ngữ những năm trước điểm khá thấp, năm nay tình hình học tập đứt quãng như vậy sẽ khó có nhiều học sinh đạt điểm cao. Chưa kể, học sinh tỉnh miền núi năng lực, phương tiện học có phần hạn chế nên nếu được giảm tải, Bộ GD&ĐT nên rà soát, đưa ra các đầu mục kiến thức rõ ràng hơn so với trước đó. “Từ đầu năm học, vì không có đề minh họa, Bộ đã đưa ra hơn chục đề mục để dạy học nhưng mới chỉ chung chung, bao quát hết SGK”, cô Nga nói.

Cô Nga cũng cho rằng, trong đề thi năm ngoái có phần kiểm tra từ vựng rất khó, học sinh có năng lực trung bình không làm được, do đó, năm nay, thầy cô ra đề nên bám SGK nhiều hơn nữa, chỉ kiểm tra từ vựng đã được học trong SGK nhằm tạo thuận lợi cho học sinh.

Cũng ở môn ngoại ngữ, cô Nguyễn Thúy Hằng, giáo viên Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) nêu ý kiến, đề thi THPT quốc gia chỉ nên ra tập trung phần kiến thức học kỳ I, không chạm học kỳ II và bỏ 10% kiến thức lớp 11. Bởi thực tế, môn tiếng Anh hiện nay, có trường học hệ 7 năm, có trường học hệ thí điểm 10 năm; Hà Nội, TPHCM học sinh đa số học chương trình hệ 10 năm… Như vậy, chất lượng đã không đồng đều giữa học sinh nơi này và nơi khác. Chưa kể, thời gian nghỉ học kéo dài, học sinh không chăm chỉ tự học, ôn tập sẽ quên nhiều từ vựng.

Cô Đào Thị Thanh, giáo viên Ngữ văn ở tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, trước tình hình học sinh nghỉ học bất khả kháng như hiện nay, nếu Bộ không hướng dẫn giảm tải giáo viên sẽ rất bối rối trong dạy học, vì chưa biết có đủ thời gian học chương trình học kỳ II và ôn tập hay không. Do đó, cô Thanh kiến nghị, học sinh học đến đâu, đề thi ra đến đó, nhằm tránh hoang mang, lo lắng cho các em.

Về Ngữ văn, Bộ có thể giảm tải một phần tác phẩm của phần sau học kỳ II, không nên ra đề theo hướng đánh đố, xoáy câu hỏi khó vào phần nội dung, kiến thức học trên truyền hình, online. Đề thi THPT quốc gia năm, 2018 khó, liên hệ hơi rộng và có phần khiên cưỡng. Sau đó, giáo viên góp ý, đề thi năm 2019 phù hợp hơn với học sinh.

Tuy nhiên, năm nay, học sinh không có nhiều thời gian ôn tập nên đề thi chính thức nên bám sát đề minh hoạ. “Bởi như năm trước, ở môn Ngữ văn, đề minh họa ra một đằng, đề thi chính thức dù giảm độ khó nhưng lại theo hướng khác”, cô Thanh nói.

Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh lịch thi THPT lần 2 đến ngày 8-11/8, chậm 1,5 tháng so với năm trước. Bộ sẽ công bố đề minh họa, giảm tải một phần nội dung, kiến thức nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện chương trình. 

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...