Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội đông nhất nước: Nỗ lực bảo mật đề thi, chống gian lận

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hà Nội là địa phương có gần 109.000 thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, chiếm 1/10 và cũng là địa phương có lượng học sinh dự thi đông nhất cả nước. Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, số lượng thí sinh dự thi đông, nhiều thí sinh tự do kéo theo công tác tổ chức cồng kềnh, đòi hỏi chuẩn bị kỹ càng vì nếu sơ sểnh sẽ để lại hậu quả rất lớn.

Khó phát hiện thí sinh gian lận

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, riêng thí sinh tự do có hơn 4.600 em, bằng số lượng thí sinh của một tỉnh khác. Đến nay, Hà Nội đã chuẩn bị 196 điểm thi với gần 16.000 cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đi lại, các em trong một quận/ huyện/thị xã được bố trí thành một cụm thi.

Theo quy chế, cán bộ coi thi không được coi thi học sinh của trường mình. Mỗi phòng thi có 2 cán bộ coi thi ở 2 trường phổ thông khác nhau, trong đó một người đến từ trường học lân cận và một người là giáo viên trường THCS tại quận, huyện đặt điểm thi.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội đông nhất nước: Nỗ lực bảo mật đề thi, chống gian lận ảnh 1

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra khu vực chứa đề thi, bài thi tại Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Hà Nội đã huy động sở, ngành cùng phối hợp, có phương án chống úng ngập cho 85 điểm thi trong các quận nội thành, phân luồng giao thông cho học sinh đến điểm thi an toàn.

Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Hà Nội, cảnh báo trường hợp học sinh, người dùng mạng xã hội lan truyền thông tin sai sự thật về kỳ thi sẽ bị xử lý. Trước đó, trong kỳ thi lớp 10, một số trường hợp tung tin lộ đề thi môn Ngữ văn, tuy nhiên sau khi xác minh, Công an khẳng định thông tin sai sự thật. Sắp tới, một số trường hợp vi phạm tuỳ mức độ sẽ bị xử lý theo quy định.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, việc thí sinh, người ngoài cùng phối hợp sử dụng thiết bị hiện đại để gian lận thi là vấn đề đáng lo. Hiện nay, Bộ GD&ĐT mới chỉ quy định những vật dụng bị cấm, những vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi nhưng chưa quy định cụ thể danh mục máy tính cầm tay, trong khi hiện nay có loại chứa công thức, rất khó khăn cho giám thị kiểm soát. “Quy định để ba lô, đồ đạc, tư trang của thí sinh cách phòng thi 25 mét hiện vẫn bất cập vì với sự phát triển của công nghệ, các thiết bị có thể kích hoạt từ xa và truyền phát xa hơn cũng là vấn đề băn khoăn của các Hội đồng thi”, ông Cương nói.

Ông Trần Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết 4 điểm thi trên địa bàn hiện cơ bản đáp ứng điều kiện tổ chức thi. Mỗi điểm thi đều có máy nổ dự phòng. Nhân viên y tế cũng được điều động ứng trực tại các trạm để xử lý tình huống bất thường. Quận cũng chuẩn bị tại một số trường học để phụ huynh có nơi gửi xe, nghỉ ngơi trong thời gian chờ con, đảm bảo cổng điểm thi thông thoáng.

Mỗi môn thi có ngăn tủ đựng đề thi riêng

Kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm Trường THPT Trần Phú và THCS Chu Văn An, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia, chia sẻ, số thí sinh Hà Nội lớn nhất toàn quốc, công tác tổ chức đòi hỏi càng phải kỹ càng từng khâu, từng bước. Nhất là phải bảo vệ đề thi, bài thi từ khâu in sao, quá trình vận chuyển đến điểm thi, tủ đựng đến khâu chấm thi.

“Ngay cả khâu chấm thi cũng phải có quy trình rõ ràng. Hà Nội có số lượng bài thi lớn, thực hiện rõ quy trình từ rọc phách, chấm khoa học, đảm bảo tiến độ, nghiêm túc. Một cặp chấm chẳng may làm thất lạc bài thi của thí sinh, không có gì có thể bù đắp được, hậu quả sẽ khôn lường”, ông Thưởng nói.

Thứ trưởng quán triệt cán bộ, giáo viên tham gia công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tuyệt đối không được chủ quan. Những chi tiết nhỏ, nhưng chỉ cần một chút lơ là, sơ suất khi xảy ra sẽ phải trả giá đắt.

Lấy dẫn chứng trong kỳ thi năm ngoái, tại một điểm thi, thí sinh sử dụng điện thoại rất to chụp đề thi tuồn ra ngoài nhưng giám thị không phát hiện được, ông Thưởng yêu cầu công tác tổ chức thi năm nay phải rút kinh nghiệm.

“Tuy khó, nhưng sau khi được công an tập huấn, thầy cô cũng có kiến thức, kỹ năng để phát hiện trường hợp gian lận thi. Những em cố tình gian lận sẽ có biểu hiện, hành vi khác thường”, ông nói.

Ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT lưu ý Hà Nội yêu cầu tất cả các điểm thi chuẩn bị tủ đựng đề thi, bài thi mỗi môn có một ngăn riêng biệt. Các ô này sẽ được ghi thông tin về môn thi, ngày thi rõ ràng để trong ngày thi nào mở niêm phong lấy đề thi đúng môn đó, tránh trường hợp nhầm lẫn. Việc vận chuyển bài thi trong quá trình chấm thi cũng được lưu ý khi thời tiết có mưa to, có thể ảnh hưởng đến bài thi.

MỚI - NÓNG