Tên thật Trần Quang Vinh, những ngày đầu viết lách ông lấy bút danh Trình Vân, tức Trần Vinh. Hay nhắc đến dại và khôn, song Võ Thanh An không khôn cũng chẳng dại, bởi mọi chuyện trong đời, theo ông “tuyền phó thác cho trời”. Từ chuyện đại sự như lấy vợ hay chuyện chọn bạn mà chơi… ông cứ nhờ trời.
Trước khi về báo Văn nghệ, cầm trịch ban Thơ, Võ Thanh An lang thang qua một số nghề không liên quan văn nghệ. Khởi nghiệp, thi sĩ làm nghề phiên dịch tiếng Nga. Ông tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, khóa đầu tiên. Đó là thế hệ đã góp công xây ngôi trường đào tạo cử nhân ngoại ngữ: “vừa học, vừa bê gạch, đào móng xây trường”, ông nhớ lại. Năm 1970, Võ Thanh An thành người của ngành điện lực, rồi sau đó ông lọt vào mắt xanh của ông Thứ trưởng Bộ Điện và Than, nên được về Bộ Điện và Than, làm ở Ban Thi đua - Khen thưởng. Cũng không ai ngờ, từ nhân viên của Bộ Điện và Than, Võ Thanh An lại có cơ duyên đến với văn chương: “Một hôm, có công văn của Hội Nhà văn Việt Nam gửi đến Bộ Điện và Than mời những ai có trình độ văn học dự khóa viết văn. Lãnh đạo bảo: Nếu anh thích cứ sang hỏi Hội Nhà văn xem người ta có nhận không thì đi học. Tôi sang hỏi và được nhận vào học”. Từ đây, Võ Thanh An bước chân vào văn chương chuyên nghiệp.
Sự tích bút danh
Trong lớp, ông chơi thân với Phạm Tiến Duật. Khi đó tác giả “Tiểu đội xe không kính” đã có vợ ở Sơn Tây, còn đơn vị của nhà thơ lại ở Quảng Bình, Ra Hà Nội học, Phạm Tiến Duật thành bơ vơ nên ở cùng Võ Thanh An. Mỗi người một chiếc xe đạp, rong ruổi đó đây nhưng tối lại về nhà Võ Thanh An ngủ. Họ viết chung tập truyện thơ thiếu nhi. Người này viết, người kia sửa và ngược lại, tranh luận vui vẻ. Tuy nhiên, khác với tình bạn Đoàn Chuẩn - Từ Linh vì thương quí nhau mà đề tên chung trong sáng tác, Võ Thanh An - Phạm Tiến Duật tuy thân thiết ngoài đời nhưng rõ ràng trong sáng tạo nghệ thuật.
Một lần lớp đi thực tập ở Ba Vì, Phạm Tiến Duật rủ Võ Thanh An về thăm nhà. Họ cùng bắt ô tô về Sơn Tây. Vợ Phạm Tiến Duật tên Vân, trùng bút danh Võ Thanh An khi ấy, Trình Vân. Chẳng biết có phải vì sự trùng hợp mà Phạm Tiến Duật đề nghị bạn thân của mình đổi bút danh. Võ Thanh An đồng ý dễ dàng: “Phạm Tiến Duật là người nổi tiếng ghê gớm thời đó, còn tôi là gã vừa làm vừa chơi có quan trọng gì cái tên, có tên, không có tên cũng được. Phạm Tiến Duật nghĩ một lúc, bảo mày đưa chứng minh thư đây, rồi “phán”: Võ là Võ Liệt, Thanh là Thanh Chương, An là Nghệ An, đặt tên Võ Thanh An”. Bút danh thâu tóm nguồn cội ấy đã được Trần Quang Vinh chấp nhận. Từ đó, bút danh Trình Vân mất khỏi văn đàn thay vào đó là cái tên mới mẻ, khí phách: Võ Thanh An. Bài thơ đầu tiên được ký bút danh Võ Thanh An chính là bài “Đêm ở Ba Vì”, được đăng ở Tạp chí Hội Nhà văn”. Sau này, trong bài viết tổng kết những nhà văn, nhà thơ nhờ đổi bút danh mà nổi, Phạm Tiến Duật có nhắc đến trường hợp Võ Thanh An.
Nhà thơ Võ Thanh An (trái) và nhà thơ Hoàng Trần Cương.
“Thằng Bờm có cái quạt mo”
Giống như những thi sĩ đi trước như Tản Đà, Xuân Diệu… đều có bài thơ cho mình, Võ Thanh An cũng vậy. Song trong bài thơ về mình, Võ Thanh An không chủ trương nêu “xuất xứ” như Xuân Diệu: “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong/ Ông đồ nho lấy cô hàng nước mắm” mà thi sĩ xứ Nghệ chủ yếu nêu quan điểm văn chương. Ông ví thi ca như “quạt mo” còn ông như “thằng Bờm”, không đổi quạt mo lấy bất kể thứ gì: “Thằng Bờm có cái quạt mo/ Sống trong thiên hạ vô lo trọn đời/ Trọn đời không nợ nần ai/ Không quyền chức để gọi ngài xưng ông/ Không sang trọng, chẳng bần cùng/ Không mưu mánh, đừng mong ai phỉnh phờ”.
“Trong cuộc đời tôi không để bụng kẻ tốt, người xấu, điên lên thì làm thơ thế thôi. Tôi yêu cuộc đời này, không đả phá, không âm mưu gì”.
Nhà thơ Võ Thanh An
Võ Thanh An nhận mình là kẻ lười: “Tôi làm việc rất ít, một tuần đến báo Văn nghệ vài ngày, một ngày đến vài giờ, đi chơi với bạn bè là chính”. Thế nhưng kẻ lười ấy lại gặp may trong cuộc đời, ông gọi đó là duyên nghiệp: “Mọi việc trong cuộc đời đều do duyên nghiệp, không phải muốn là được, cố là được, tôi chẳng có việc gì trong đời phải nói dối hay tính toán từ trước”.
Nhiều người đều biết, Võ Thanh An dày công nghiên cứu về Phật pháp trong mấy chục năm qua, từ khi mẹ ông khuất núi. Ông chính thức ngưng làm thơ vào quãng 2005, khi nghỉ hưu ở báo Văn nghệ, song chưa bao giờ ngọn lửa thi ca tắt trong ông: “Thơ với tôi không phải là yêu, mà trên cả yêu, là cõi thờ, thơ thêm dấu huyền chính là thờ”.
Không khó để nhận ra, thơ Võ Thanh An không mới, không đi tìm cách tân trong hình thức thể hiện. Có người cho rằng, do ông thuộc thế hệ không còn trẻ. Nói vậy vừa đúng, vừa chưa đúng. Nhà thơ Xuân Diệu từng nói tới trẻ tuổi và trẻ lòng. Trẻ tuổi thực ra chỉ đơn thuần là vấn đề con số. Nhưng chắc chắn Võ Thanh An không mảy may bận tâm tới dư luận về thơ của mình, bởi ông làm thơ không nhằm cầu vinh hoa: “Chẳng bao giờ tôi định làm thơ cả. Tôi làm thơ như nói bình thường chứ không định tìm mỹ từ. Khi vui tôi làm thơ vui, khi buồn tôi làm thơ buồn, khi điên khùng, tôi làm thơ điên khùng”. Và ông sang sảng đọc cho tôi nghe một vài bài thơ ông tự xếp hạng điên khùng nhất. Ấy là bài “Gửi sao Thần Nông”, “Dạ thưa thầy”. Tôi hỏi ông: “Ông có ẩn ý gì trong những bài thơ này?”. Võ Thanh An bảo: “Trong cuộc đời tôi không để bụng kẻ tốt, người xấu, điên lên thì làm thơ thế thôi. Tôi yêu cuộc đời này, không đả phá, không âm mưu gì”. Trong trang thơ giới thiệu thơ Võ Thanh An, Nguyễn Trọng Tạo viết: “Ông là người khí khái, nhân tình. Thơ ông cũng là tính tình ông vậy”.
Những người sống cùng thời Võ Thanh An nói rằng, tính Võ Thanh An thẳng thắn, có khi cực đoan. Nhưng thơ Võ Thanh An không “lộ” như vậy. Mới đây, nhà thơ Đặng Huy Giang giới thiệu một bài thơ tình của Võ Thanh An. Trong lời bình, Đặng Huy Giang có trích câu thơ của ông: “Cô đơn từ trong lòng mẹ”. Nhà thơ xứ Nghệ hỏi tôi: “Cô có hiểu vì sao tôi viết thế không?”. Chưa kịp nghĩ, ông đã bật mí: “Mẹ tôi sinh mỗi mình tôi, trên tôi, dưới tôi không có ai nên tôi cô đơn từ trong lòng mẹ”. Ông cũng là người viết nhiều về nỗi buồn, nỗi cô đơn, nhất là khi thất tình.
“Kỷ niệm buồn anh đủ sắm cà sa”
Nhắc đến thơ Võ Thanh An, sẽ thật là thiếu sót nếu bỏ qua mảng thơ tình. Ngồi khoanh chân trên ghế, ông chỉ ra cửa: “Tôi thề trước mặt trời, 99 phần trăm thơ tình của tôi bắt nguồn từ hiện thực”. Nghĩa là ông ngụ ý, mình đào hoa. Võ Thanh An tự hào vì mình có mối tình đích thực trong đời song xin người viết đừng viết, tránh xúc phạm đến “người ta”. Ông không thể nhớ đã sáng tác bao nhiêu bài thơ tình. Mới rồi, Võ Thanh An đã tìm được một bài thơ của mình bị lãng quên: “Có một người nào đó nghe tin tôi ốm nặng trên mạng, đã gọi điện cho con trai tôi (nhà thơ Trần Vũ Long - PV) đọc một bài thơ người ấy thuộc đã lâu khi nghe tôi đọc ở một hội trường nào đấy, nhưng không nhớ bài thơ này sáng tác năm bao nhiêu, đầu đề là gì. Con trai tôi về nhà hỏi tôi, tôi cũng chỉ nhớ mang máng. Nó phải đi hỏi bạn bè tôi mới biết”. Đó là bài “Nhân danh”: “Thế là mình sắp xa lạ được nhau/ Lăn trên nỗi đau giả vờ thanh thản/ Nhân danh tình yêu nhân danh tình bạn/ Nhân danh đời thường và muôn vạn thứ nhân danh/ Thế là em sắp xa lạ được anh”. “Em” trong bài thơ này cũng là nguồn cảm hứng trong nhiều bài thơ tình quen thuộc khác của Võ Thanh An. Đây là bài thơ chàng viết tặng nàng, trước ngày nàng đi lấy chồng: “Có một ngày xuân em lỗi lời thề/ Để lá bồ đề rụng như chém gốc/ Có những ngày xuân sụt sùi trời khóc/ Cô đơn hoa, quả héo trong vườn/ Có một mùa xuân nhân danh dại và khôn/ Con chim lẻ đàn kêu sương khắc khoải/ Bay như gió không một lần ngoảnh lại/ Ta mất nhau/ Nhân danh: Dại và khôn” (Dại và Khôn).
Hỏi Võ Thanh An thích nhà thơ Việt nào. Ông không ngại ngần tiết lộ: “Câu thơ nổi tiếng nhất của Việt Nam và người làm thơ tôi coi như người giỏi nhất Việt Nam là Trần Mạnh Hảo, đã nói về Nghệ Tĩnh thế này: “Hoa cỏ dại nở thành chữ nghĩa/ Khoai lang gàn luống dọc lại bò ngang”. Đến khoai lang cũng gàn thì đừng nói chi con người xứ Nghệ”. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi kẻ được ví như “Bao Công” ở báo Văn nghệ thuở nào, trong tình yêu lại hóa ra “đam mê ngờ nghệch”, buồn đau đến độ có thể đi tu: “Em cứ đi. Đừng ngoảnh lại phía sau/ Mơ lễ hội tìm đường theo lễ hội/ Hãy lặng im. Dù một lời xin em đừng nói/ Kỷ niệm buồn anh đủ sắm cà sa”.
Ở đời nhiều chuyện lạ lắm
Võ Thanh An bảo đã 3 năm ông không đụng vào thìa cơm nhưng thời gian này ông bỗng dưng khỏe lại, thèm cơm (không biết có phải do ông chăm thiền, chăm luyện tập hơn trước đó hay do tìm được thuốc hợp mình?). Nói như nhà điêu khắc Lê Công Thành, nghe giọng người có thể đoán sức khỏe thì nghe giọng đọc thơ của Võ Thanh An vẫn… gàn lắm, nghĩa là sức khỏe hiện tại của ông đáng lạc quan. Nhưng cho dù sự thể thế nào, thi sĩ vẫn điềm nhiên tiếp nhận: “Đời tôi may mắn, nên tôi chết thanh thản. Mấy ngày trước, tưởng tôi sắp chết, nhiều anh em bạn bè văn chương… không hẹn mà gặp, đều đến thăm tôi”.
Thi sĩ hạnh phúc vì có nhiều bạn. Bạn bè mua cho ông từ ti-vi, tủ lạnh khi cuộc sống của ông còn khó khăn. Đến nay, ông vẫn đeo chiếc nhẫn trên ngón tay áp út, dù vợ ông đi xa đã lâu. Võ Thanh An bảo: “Chiếc nhẫn này vợ tôi đưa cho tôi bán đi để mua săm lốp, khi ấy chiếc xe máy cà tàng của tôi bị hỏng. Người bạn của tôi biết chuyện đã bảo tôi giữ lại nhẫn, còn anh đưa tiền cho tôi đi mua phụ tùng thay xe. Chiếc nhẫn đó tôi đeo từ ngày đó đến giờ. Khi tôi bị bệnh, sụt cân mà chiếc nhẫn vẫn khít vào tay, không thể nào tháo ra được, ngay cả khi tôi dùng xà-phòng. Ở đời nhiều chuyện lạ lắm, không thể giải thích được”.