Đặng Mỹ Hạnh: Sải cánh vào miền hoang dã

Tranh của Nguyễn Văn Hổ.
Tranh của Nguyễn Văn Hổ.
TP - Trong góc quán nhỏ giữa lòng Hà Nội, có một Mỹ Hạnh rất khác với những hình dung trước khi tôi gặp chị. Nhìn chị, người ta nghĩ đến những người đàn bà đẹp trong giới showbiz hoặc cánh doanh nhân thành đạt, hơn là một nữ nhiếp ảnh gia xẻ núi băng rừng, nằm cùng cá sấu, ngủ cùng muỗi vắt để “săn” được những khoảnh khắc đẹp của thế giới tự nhiên.

Vẽ thiên nhiên bằng ánh sáng

Triễn lãm ảnh “Sải cánh hoang dã” diễn ra đầu tháng 8 vừa qua của 2 tác giả Việt kiều Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng thủ đô. Với 100 bức ảnh được treo trong không gian rộn ràng tiếng chim hót, người xem có cảm giác như bước vào thế giới tự nhiên thực sự, với những con thú hoang sống động đến từng chi tiết.

Ngày cuối cùng của triển lãm, người ta thấy nữ nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh đến phòng trưng bày sớm hơn. Chị lặng lẽ ngắm nhìn những người đang xem tác phẩm của mình. Đó là ánh mắt hồn nhiên, thích thú của một đứa trẻ. Sự trầm ngâm của một vị khách trung niên. Cả ánh mắt chăm chú của một cô gái đang đọc từng dòng giới thiệu dưới mỗi tác phẩm… Những hình ảnh đó khiến nữ tác giả vô cùng xúc động. Nửa số ảnh treo trên tường kia là những câu chuyện, những chuyến đi, những cảm nghiệm trong suốt cuộc hành trình 15 năm qua của chị. Và chúng đã tìm được những trái tim đồng cảm...

Dù xa quê đã lâu nhưng Đặng Mỹ Hạnh vẫn giữ được nét dịu dàng, đằm thắm của người con gái quê gốc Đà Nẵng. Khá kín đáo khi nói về bản thân nhưng chị lại cởi mở cả cõi lòng về công việc mà ít người phụ nữ nào dám dấn thân. Dù tôi có cố tình lôi kéo chị vào những câu chuyện riêng thì như một bản năng, chỉ sau vài câu, chị lại say sưa nói về công việc nhiếp ảnh và những trải nghiệm sau mỗi chuyến đi.

Mỹ Hạnh được xem là nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt duy nhất cho đến thời điểm này, đi theo con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp về thể loại wildlife (cuộc sống hoang dã) trên toàn thế giới.

Đặng Mỹ Hạnh: Sải cánh vào miền hoang dã ảnh 1

NAG Đặng Mỹ Hạnh vẫn miệt mài với những chuyến “đi săn” không mệt mỏi.

Để có được những tác phẩm ấy, Đặng Mỹ Hạnh phải tuân theo những luật dành riêng cho giới nhiếp ảnh wildlife: Đối tượng trong ảnh phải là động vật sống tự do trong thiên nhiên hoang dã, ảnh được chụp dưới ánh sáng tự nhiên, không dùng cảnh hoặc những yếu tố trang trí giả, không chứa những yếu tố “nhân tạo”, không dùng photoshop, phải thật 100%.  Đây cũng là những luật căn bản của các cuộc thi nhiếp ảnh thú hoang dã lừng danh trên thế giới.

Chị cho biết, chụp ảnh đời sống hoang dã rất quan trọng ở kiến thức chuyên sâu về môi sinh, hành vi biểu hiện của chim thú. Chúng rất nhạy cảm với những tiếng động hoặc mùi lạ. Mỗi thời khắc, các pha hành động của chúng chỉ xảy ra trong tích tắc. Người cầm máy chỉ có vài giây bấm máy để ghi nhận các hành động hiếm hoi.

Đặng Mỹ Hạnh từng đoạt Giải Nhất “Milvus” Nature Photography Contest 2014, Huy chương Bạc giải International Loupe Awards, Chung kết BBC Wildlife Photographer of the Year 2014, Huân chương FIAP của Hội nhiếp ảnh quốc tế cùng nhiều Huy chương Vàng PSA...).

“Có lần, tôi mất hơn 1 tháng trời để săn ảnh loài hạc Đồi Cát (Sandhill Crane) vào mùa sinh nở. Tôi phải tận dụng các kiến thức về thói quen làm tổ, đẻ trứng, ấp trứng và chăm con của loài này. Chẳng hạn như hạc Đồi Cát thích làm tổ lẩn khuất trong đầm lầy. Các tay máy phải làm sao để không đánh động chúng giữa đầm lầy mông quạnh. Chưa kể, đây lại là môi trường sống của nhiều loài cá sấu hoang dã”- Mỹ Hạnh nhớ lại.

Để bắt được thần thái của loài chim nhỏ ở rất xa qua ánh mắt, hay cách chúng xòe cánh, chụm đầu vào nhau, nhiếp ảnh gia phải mất nhiều giờ đồng hồ chờ đợi.  Để có được những cú shot ngang tầm mắt, có lúc chị phải lăn xả với đủ thao tác nằm bò, chổng mông, chúi mũi, quần áo, mặt mũi lấm lem bùn lầy.

Tuy nhiên, không phải chuyến “đi săn” nào cũng thành công. Có những lần, chị đã chủ động “buông súng”. Đó là chuyến đi qua miền Trung Mỹ, một buổi sáng thong thả trên chiếc xuồng trôi lững lờ trên sông, thấy những con trăn lớn cuộn mình ngủ ngon lành trên cành cây hay “đám mây hồng” tuyệt đẹp được tạo nên bởi hàng trăm con hạc đỏ trên bầu trời. Những lúc đó, nữ nhiếp ảnh gia như nín thở, vì sợ phá vỡ khoảnh khắc tuyệt đẹp của tự nhiên.

Đi nhiều, gặp nhiều nhưng Đặng Mỹ Hạnh đặc biệt ấn tượng với nhữnng con thú con. Với chị, vẻ đẹp của sinh linh lúc đầu đời ẩn chứa sự hồn nhiên, ngây thơ như đứa trẻ. Chị muốn nắm bắt khoảnh khắc ấy, những khoảnh khắc đầy nhân bản, khát khao sự sống và yêu thương. “Cảnh săn mồi đẫm máu có thể mang đến cho người xem những xúc cảm mãnh liệt, sống động nhưng với tôi, vẻ đẹp không nằm ở sự hủy diệt mà phải biểu hiện từ sự sống, sự phát triển. Tôi không muốn mang đến những tác phẩm bạo lực, bởi khi bị thẩm thấu những hình ảnh ấy sẽ khiến người ta trở nên vô cảm”- Nhiếp ảnh gia bày tỏ quan điểm.

Không ít lần bật khóc khi chứng kiến những cảnh săn mồi đẫm máu nhưng Mỹ Hạnh chỉ biết đứng từ xa cầu nguyện cho những con vật xấu số bởi nguyên tắc của các nhiếp ảnh gia động vật hoang dã là phải tuyệt đối tôn trọng thế giới tự nhiên, không được quyền can thiệp bất cứ hành động nào.

Từ rừng già Trung Mỹ đến hoang mạc châu Phi

Chị chỉ tay vào những tấm ảnh và bảo, vẻ đẹp của mình đã được đặt hết lên đó chứ không còn ở con người mình nữa. 

Có khi, để chụp được một bức ảnh như ý, Mỹ Hạnh phải mất đến hàng tháng trời. Ngày nào cũng khoác đồ nghề lên lưng ra đi từ lúc chưa bình minh và rời khỏi nơi tác nghiệp khi trời đã tối sập. Càng dấn thân lại càng đam mê, càng tìm tòi sáng tạo lại càng bị cuốn hút, nữ nhiếp ảnh gia đã vượt qua nỗi sợ hãi khi một mình trong căn lều nghe tiếng sư tử, hà mã gầm lên trong đêm tối hay bất ngờ bị bủa vây bởi những cơn mưa dữ dội ở rừng nhiệt đới Nam Mỹ.

Những hành trình từ rừng già nhiệt đới Trung Mỹ đến hoang mạc châu Phi, những mảng rừng xanh ngút mắt hay những vùng giá rét, nơi mà hàn thử biểu dưới nhiều chục độ âm… Và chị, như một lãng tử lang bạt với ống kính quá khổ, cảm nghiệm về một thế giới thiên nhiên hoang dã đầy sắc thái - một thế giới mà ở đó, mỗi sinh linh tự thân đã là bản thể của cái đẹp. Thấu hiểu và không phải để chinh phục, mà chỉ để hòa mình với nó, cảm thụ vẻ đẹp của tạo hóa với mối giao cảm sâu xa giữa loài thú và con người.

Đặng Mỹ Hạnh: Sải cánh vào miền hoang dã ảnh 2

Để “săn” được cận cảnh khuôn mặt con cú tuyết này, Đặng Mỹ Hạnh đã phải canh rình trong thời tiết -30 độ C.

Bức ảnh đáng nhớ nhất với nữ tác giả là chim cú tuyết. Chị kể, lần đó, chị phải đứng hàng giờ trong cái lạnh -30 độ. Máy ảnh gần như đóng băng đến nỗi không thể lấy nét chính xác. Nhưng với sự đam mê, kiên nhẫn và một chút may mắn, chị đã chụp được bức ảnh mà các nhiếp ảnh gia động vật hoang dã đều ao ước.

Lần này, Đặng Mỹ Hạnh về nước lâu hơn, bởi chị còn nhiều dự định cho quê hương mình. Sắp tới, có thể chị và đồng nghiệp Andy Nguyễn sẽ mang triển lãm “Sải cánh hoang dã” vào TP HCM. Sau đó, hai người sẽ tổ chức những buổi trao đổi, chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm nhiếp ảnh wildlife cho các bạn trẻ đam mê dòng nghệ thuật này.

“Trăn trở của tôi là trong tương lai sẽ có những tác phẩm về thú hoang dã Việt Nam. Tôi muốn truyền cho các bạn trẻ Việt Nam tình yêu và đam mê để họ bước tiếp con đường tôi đang đi. Thời gian tới tôi cũng sẽ về nước nhiều hơn để chụp ảnh và mở triển lãm lớn hơn để công chúng chiêm ngưỡng thế giới tự nhiên Việt Nam, góp phần xây dựng ý thức bảo vệ động vật hoang dã” - nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt chia sẻ dự định. 

Có lúc quên mình là… đàn bà

Cởi bỏ bộ đồ rằn ri và vẻ hầm hố khi vác trên vai ống kính “khủng”, Mỹ Hạnh trở về đời thường với hình ảnh một người đàn bà đẹp, đằm thắm, dịu dàng. Tôi cứ băn khoăn mãi sao một nhan sắc thế này lại có thể chấp nhận bỏ qua tất cả những nhu cầu riêng của bản thân để chấp nhận xuyên rừng xẻ núi, lang thang như kẻ lữ hành, đương đầu với mọi hoàn cảnh khó khăn, thậm chí đối diện với cả cái chết.

Săn tìm những loài vật đang có nguy cơ tuyệt chủng nên những cuộc hành trình của Mỹ Hạnh cũng không hề dễ dàng. Đó là chuyến đi tìm dấu vết loài sếu đầu đỏ chuyên sống ở khu đầm lầy chỉ toàn cá sấu. Hay những con cú tuyết chỉ sống ở vùng cận Bắc Cực, thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Rồi những chuyến lang thang một mình giữa cánh đồng hoang để săn tìm loài gà đồng quý hiếm. Có những lần vì đuổi theo một cánh chim bay trên trời mà chị đã bị lạc đường mấy ngày trong rừng.

Đó còn là những lần phải đứng bất động như một thân cây trong nhiều giờ đồng hồ, không dám phát ra một tiếng động nhỏ. Cảm giác chênh vênh trên một cây cầu treo giữa rừng, dưới là dòng xiết của con sông Rio Sarapiqi vắt ngang cánh rừng già Nam Mỹ... Cả những lúc bật khóc khi phát hiện ra một con kỳ đà rừng dài hơn 1m đang nằm vắt vẻo ở cành cây ngay trên đầu và đang trừng trừng… nhìn mình tắm.  

Mỗi chuyến đi, chị đều phải cõng trên lưng túi đồ nghề hơn 30kg, chủ yếu là máy móc, đồ nghề. Đồ cá nhân chỉ có một bộ quần áo và một ít đồ cứu thương. Để có thể lực tốt, mỗi sáng, Mỹ Hạnh chăm chỉ tập tạ cho đôi tay thật khỏe, lúc ôm ống kính sẽ không bị run.

MỚI - NÓNG