Thi Hoàng: Làm thơ giống đang yêu

Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.
Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.
TP - Anh có những câu thơ ve vãn phái đẹp khiến người ta giật mình: “Em có còn tươi mát nữa không em?”; “Tôi xin, mỗi sớm mai như cằm cô gái đẹp” v.v..  

Thi Hoàng bảo rằng, có lẽ trong đời thực anh ít được phụ nữ để mắt nên đem hết khao khát vào thơ. Cũng không biết có phải vì yêu ít (hay ít được yêu) mà thi nhân đất Cảng lại ví von: “Thơ cũng giống như tình yêu vậy”?.

Thực ra Thi Hoàng muốn nói: Kẻ làm thơ cũng phải giống như kẻ đang yêu. Kẻ làm thơ (Thi Hoàng)  không tham gia trò rượt bắt người đọc mà chỉ quyến rũ người đọc bằng cái duyên  và văn hóa của mình. 

Tuyên ngôn này đã  có lần được anh nhắc đến: “Tôi quan niệm văn chương nói chung và thơ nói riêng phải quyến rũ người đọc chứ không nên đuổi bắt độc giả…Tôi ủng hộ việc cách tân thơ, cách tân không có nghĩa chỉ đơn giản là bẻ gãy câu thơ, phá bỏ cấu trúc, ngữ pháp, khoa trương ngôn từ… Làm như thế, thơ chỉ là một đống xác chữ chứ không tạo ra những câu thơ làm rưng rưng người đọc và cũng không thể tạo ra những câu thơ vui buồn khi cần người ta có thể mang ra ngẫm ngợi hoặc chia sẻ”.

Nhắc đến thi sĩ đất Cảng nhiều người nhớ đến hai câu thơ tài hoa trong bài “Ở giữa cây và nền trời”: “Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc”. 

Đến bây giờ hỏi Thi Hoàng về hai câu thơ khiến anh nổi tiếng, anh lại bảo: “Tôi viết bài thơ này vào năm 1968,  thời điểm khốc liệt trong  cuộc phong tỏa và ném bom của Mỹ ở Hải Phòng. Khi ấy bố tôi đã mất, tôi đã đi làm nhưng vẫn ngửa tay xin tiền mẹ. Ngẫm thấy mình không ra gì, tự nhiên nhìn lên vòm trời trong vườn, rồi lần mò đến hai câu thơ ấy. 

Mọi người  thích chúng còn tôi lại thích đoạn: “Sao chiều nay ta muốn tốt lên nhiều/Thiên nhiên ở với mình cao cả quá/Tiếng lá động ân cần như tiếng mẹ/Và vòm trời mong ngóng lại như cha”. Dễ hiểu vì sao Thi Hoàng khoái đoạn thơ này chứ không phải hai câu ấn tượng khiến thiên hạ mê, bởi nó diễn tả nỗi niềm của tác giả tại thời điểm đó. 

Thế mới thấy, con người luôn mải miết đi tìm sự đổi mới kia, con người khao khát “cộng sinh với những khoảng trống” kia, chưa bao giờ để mất gốc của thi ca: Ấy là sợi dây rung động.

Ở ta, thi sĩ quá thiệt thòi so với nhạc sỹ, ca sỹ. Có những cuộc thi để tìm ra ca sỹ được yêu thích nhất, nhạc sỹ có ca khúc được hâm mộ nhất nhưng thi ca và thi sĩ cứ im lìm mà sống, ngoài vài giải thưởng văn chương, mang tính chuyên môn, không đại chúng. Nếu có cuộc thi để tìm ra câu thơ hay, thi sĩ hay trong mắt độc giả, đoán thế nào Thi Hoàng cũng có mặt, vì anh chiều được cả hai loại đối tượng, đối tượng chuộng cách tân, đối tượng đề cao cảm xúc.

Thi Hoàng tên thật là Hoàng Văn Bộ. Bút danh của anh chắc cũng mang nghĩa giản đơn, khiêm tốn, kiểu như anh Hoàng làm thơ nhưng biết đâu cũng mang ẩn ý kiêu hãnh: Ông hoàng thi ca? Dù nghĩa nào cũng tốt cả, bởi đã làm nghệ thuật mà không mang khát vọng lớn lao, khẳng định mình lừng lững thì… đừng theo làm gì, “cái bình thường là cái chết của nghệ thuật”. Nhưng theo Thi Hoàng tự đánh giá thì anh không dư tự tin đến mức dám nhận mình là “ông hoàng”: “Tôi là người có khả năng chứ chưa phải có tài năng”. 

Anh từng bỡn cợt “chức danh” thi sĩ của mình: “Thì bằng những câu thơ vơ bèo vạt tép/Ta cũng thành nhà thơ đấy thôi”. Nhìn vào những gì Thi Hoàng đã làm được rõ ràng thấy kẻ tự nhận “vơ bèo vạt tép” này khá kỹ tính. Nổi tiếng sớm nhưng anh sinh nở không quá nhiều, có thể kể tên: Nhịp sóng; Ba phần tư trái đất; Nhịp sang; Gọi nhau qua vách núi; Đom đóm và sao; Bóng ai gió tạt; Cộng sinh với những khoảng trống... Hiện nay Thi Hoàng đang mải mê với trường ca được đặt hàng mang tên: Vệt sáng.

Viết thơ tốn hồn lắm

Đọc thơ Thi Hoàng có người cho rằng anh giỏi suy tưởng, nên cho ra những câu thơ bất ngờ, kiểu như: “Hoa sen không định thơm/Không định thơm thì mới thơm như thế/Rất tự nhiên là ta nhớ mẹ/Mẹ đã xa rồi/Để ta thành con cái của làn hương”. Thi sĩ có câu: “Nghe người điên hát lắm khi giật mình”. Không ít lần tôi giật mình khi đọc thơ Thi Hoàng, phải chăng đôi lúc anh sáng tác trong trạng thái… điên?

Anh chẳng phủ nhận mà còn nhiệt tình công nhận ý nghĩ đen tối của tôi: “Tôi quan niệm thế này, khi viết (viết ở đây được dùng như động từ của tất cả những người cầm bút, không phải riêng tôi) thì cố gắng không chỉ là nhìn thấy mà là cảm thấy. Bởi nếu chỉ diễn tả sự nhìn thấy, người cầm bút chỉ là rất khéo tả giỏi. Cố lặn xuống kiểu cảm thấy thì mới viết, tức là như cô nói, viết phải như điên lên”. 

Tác giả Gọi nhau qua vách núi bật mí: “Tôi có một thực tế là nhà có người điên thật, chính là cô em gái ruột tôi. Thỉnh thoảng cô ấy pha nước cho tôi, tôi phải tránh, do sợ cô ấy đổ nước sôi vào mình, vì tưởng đầu anh là cái ấm. Quan niệm thơ ca cộng với thực tế, đã giúp tôi gặt hái được những câu mà người đọc thấy hay”. 

Tất nhiên điên trong thơ Thi Hoàng là sự điên có kiểm soát khôn ngoan, chỉ buông thả sau một hồi đã chật vật thử nghiệm: “Chữ với nghĩa đi tìm nhà trọ/Sống thử với nhau xem có thành bài thơ/đã có thuốc tránh thai như là thi pháp/Cãi hộ cho ta những xúc động giả vờ”. Anh kể: “Hồi còn sống, cùng Xuân Diệu nằm ở khách sạn, anh nói một câu mà thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến: “Em ạ (tức Thi Hoàng), làm một bài thơ hay nó tốn hồn lắm”. 

Hồi đầu tôi nghĩ tốn tiền, tốn thời gian thì rõ nhưng hồn thì biết thế nào mà tốn. Sau này, mới thấy cách nói của anh, nhiều khi chỉ là buột khỏi mồm, sự ngẫu nhiên đó hóa ra đã được chuẩn bị từ rất lâu, đúc kết qua cả quá trình sáng tác”.

Thi sĩ có câu: “Nghe người điên hát lắm khi giật mình”. Không ít lần tôi giật mình khi đọc thơ Thi Hoàng, phải chăng đôi lúc anh sáng tác trong trạng thái… điên? Anh chẳng phủ nhận mà còn nhiệt tình công nhận.

Thi Hoàng tự nhận anh có ưu điểm mà cũng là nhược điểm, đó là không dễ tưởng bở. Nhà thơ Hải Phòng thuộc thế hệ đàn em Mai Văn Phấn chia thơ Thi Hoàng ra hai thời kỳ: Thời kỳ hướng ngoại và thời kỳ hướng nội. 

Anh bào chữa: “Cái mà Phấn viết phải nói thật, hơi quá lên so với cái mà tôi có. Điều này dễ thông cảm thôi, do nó yêu mình. Nhưng tôi tỉnh táo, ông khác sẽ tưởng bở, còn tôi biết, tôi chưa được thế đâu”. 

Tuy nhiên tác giả cũng “tạm thời đồng ý với Mai văn Phấn” và hơi lo lắng cho thời kỳ hướng nội hiện nay: “Thời kỳ đầu là bản năng, thời kỳ sau mới ý thức, từ ý thức mới quay về nhìn mình được. Phải nói thời kỳ sau hoàn chỉnh hơn thời kỳ trước nhưng sự hoàn chỉnh ấy lại kèm theo nhược điểm: Sự già cả cũ kỹ”. 

Như vậy, tập trường ca đang sáng tác của anh có nguy cơ không có đột biến? Anh trả lời thẳng thắn: “Có thể, ở tuổi tôi không đủ liều lĩnh để đi tán một cô gái trẻ nhưng tuổi trẻ thì có thể. Tuổi trẻ thường can đảm. Hồi trẻ, khi viết ta có thể hạ xuống lấy những chữ độc nhưng bây giờ già rồi lại thận trọng. Sự già làm cho mình không cả gan, không dũng cảm viết như trước”. 

Rồi thi nhân đúc kết: “Bao giờ chả thế, trời cho cái nọ lại móc cái kia. Cái khó của tôi là làm thế nào để trẻ  lại”. Vẫn có cách để giúp người ta trẻ lại, đó là tình yêu. Nói đến tình yêu Thi Hoàng lại lắc đầu.
Thi Hoàng: Làm thơ giống đang yêu ảnh 1

Không phụ nữ nào yêu tôi cả

Thi Hoàng tốt nghiệp trường trung cấp giao thông thủy bộ, từng một thời gian làm cán bộ kỹ thuật trong ngành giao thông vận tải. Chẳng biết cái sự học hành và công việc khô cằn này có ảnh hưởng ít nhiều đến thơ Thi Hoàng? Tôi nghĩ là có, ngay như  tên tập thơ của anh, xem chừng cũng khó lôi kéo độc giả: “Cộng sinh với những khoảng trống”. 

Tuy nhiên, đó đây vẫn tìm thấy ở Thi Hoàng những câu thật dịu dàng: “Ngày xưa anh đâu có biết/bây giờ anh đâu có hay/đôi bờ tre pheo phờ phạc tháng ngày/khuôn mặt ai như ngọn đèn vặn nhỏ”. Đâu đó trong thơ anh thấp thoáng hình ảnh  người con gái đẹp: “Em có còn tươi mát nữa không em?”, “Tôi xin, mỗi sớm mai như cằm cô gái đẹp”… 

Ít thi sĩ để ý đến cằm phụ nữ, đắm đuối như Hàn Mặc Tử thì chỉ nghĩ đến răng, rất thông thường: “Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng, mà ngày nào đó còn khăng khít nhiều”. Trong cơn sốt “gọt”  cằm hiện nay của phái đẹp, vẫn chưa thấy trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ nào đến gõ cửa Thi Hoàng để độc quyền câu thơ chạy trước xu hướng làm đẹp của anh.

Nói đến phụ nữ, Thi Hoàng chỉ cười: “Không phải vạch áo cho người xem lưng đâu mà có một thực tế là không có cô gái nào yêu tôi cả, tôi không tán được. Bạn bè bảo vì tôi sắc sảo quá nên phụ nữ thích nhưng sợ, họ ngại tôi đọc được cả những cái mà người khác không đọc được. 

Những câu thơ mà cô cho rằng tôi ve vuốt phái đẹp, chẳng qua chỉ là cách giao hòa âm dương tưởng tượng thôi”. Từng có người kể về chuyện tình hờ của Thi Hoàng thời trẻ, anh cũng là một trong những “rể hụt” của cố nhà văn Nguyên Hồng. 

Cuối cùng, ở tuổi 47, thi sĩ may mắn tìm thấy cái nửa đời mình, một người phụ nữ kém anh 20 tuổi. Thi Hoàng không dùng di động, máy di động của anh hình như do vợ hoặc con quản lí. Nghe ra có vẻ Thi Hoàng hơi khổ vì bị quản chặt. Nhưng nghĩ kĩ lại thấy, ở tuổi khó mà “gọi nhau qua vách núi” còn được người thân sợ “bay” kể cũng là may mắn lắm thay, Thi Hoàng!

“Nghiện” chữ của mình

Thi Hoàng có thú vui sưu tầm đồ cổ, sưu tầm tranh. Ông giữ trong tay tranh của những bậc tiền bối trong làng hội họa Việt: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… Bạn của anh, cùng trong giới văn chương, có lần khuyến khích: “Ông bán tranh đi, sống cho sướng”. Nghe nói đã có đại gia ở Hà Nội trả đôi tỉ đồng cho tất cả tranh sưu tầm của thi sĩ nhưng anh từ chối: “Tôi đã bán tranh của Sáng rồi, tiếc lắm. Nhiều khi cấn quá, cần tiền thì phải bán thôi”.

Nhưng thú vui lớn nhất mà cũng là nhu cầu của anh, hay thói quen cũng đúng, đó là sáng tác: “Mỗi ngày tôi không nhìn thấy cái mặt chữ của mình thì tôi nhớ. Cho nên cứ phải thấy chữ. Mặc dù đôi khi chữ ấy chẳng giá trị gì song nó lại chứng tỏ tôi còn sống”. 

Có được đơn đặt hàng sáng tác trường ca trong hai năm khiến Thi Hoàng cảm thấy “yên bụng”. Anh vẫn còn gánh nặng mưu sinh: “Vợ tôi không có lương, con chưa có việc”. Nhưng thi sĩ cho rằng: “Gánh nặng này có người sợ song tôi lại thấy nó kích thích cho mình sống. Ngồi tính thì hơi rợn. Cứ sống đại đi”. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.