Thi hành án vào ngày 30 Tết?

Thi hành án vào ngày 30 Tết?
TP - Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 21/1/2008, nếu bà Hoài Nhớ không tự nguyện giao trả giấy tờ chủ quyền căn nhà cho bà Sang thì đội Thi hành án dân sự sẽ tiến hành cưỡng chế… Bà bấm đốt ngón tay: Hóa ra họ định “cưỡng chế” vào đúng ngày 30 Tết.

Chỉ còn 16 ngày nữa là tới Tết cổ truyền dân tộc, bà Nguyễn Thị Hoài Nhớ, ngụ tại 12 Nguyễn Công Trứ, phường 19, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh bỗng nhận được thông báo vào ngày 21/1/2008 của đội Thi hành án dân sự (THA-DS) quận Phú Nhuận rằng bà phải giao trả giấy tờ chủ quyền căn nhà số 251/8 Nguyễn Văn Trỗi, phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh cho bà Huỳnh Thị Sang.

Đầu những năm 90, lợi dụng sự quen biết với bà Nguyễn Thị Hoài Nhớ, bà Huỳnh Thị Sang, trú tại 251/8 Nguyễn Văn Trỗi, P 10, quận Phú Nhuận TPHCM, đã nhiều lần nài nỉ bà Nhớ cho vay tiền để kinh doanh. Bà Sang thề trước Trời – Đất rằng chỉ sau một tháng sẽ trả đủ cả gốc lẫn lãi theo thỏa thuận.

Để làm tin, bà Sang còn thế chấp toàn bộ giấy tờ căn nhà 251/8 Nguyễn Văn Trỗi mà riêng bà đứng tên sở hữu và hứa “chắc như bắp” rằng nếu không trả được theo đúng hợp đồng, thì ngôi nhà trên sẽ thuộc về bà Nhớ. Tin lời, bà Nhớ đồng ý cho bà Sang vay và lập hợp đồng hẳn hoi.

Song, một tháng đã trôi qua, rồi 10 tháng và mấy năm trời qua đi mà bà Sang vẫn tìm mọi cách trì hoãn, khất nợ, buộc lòng bà Nhớ phải kiện ra tòa. Ngày 8 tháng 6 năm 1999, TAND quận Phú Nhuận, TPHCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên:

- Buộc bà Huỳnh Thị Sang phải trả nợ cho bà Nguyễn Thị Hoài Nhớ số tiền là 3 tỷ 277 triệu đồng (tính tròn số - PV) ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

- Bà Nhớ phải hoàn trả giấy tờ chủ quyền nhà 251/8 Nguyễn Văn Trỗi, P 10, quận Phú Nhuận sau khi nhận đủ tiền bà Sang trả.

- Kể từ ngày bà Nhớ có đơn thi hành án, nếu bà Sang vẫn không trả nợ theo quyết định trên thì hàng tháng bà Sang còn phải trả cho bà Nhớ số tiền theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian thi hành án.

Sau khi có đơn kháng cáo của bị đơn, TAND TPHCM đã xét xử phúc thẩm (án số 515/DSTP ngày 11 tháng 10 năm 1999), và tuyên: “Y án sơ thẩm”. Bản án còn tuyên: “Trường hợp bà Sang không có khả năng trả nợ thì bà Nhớ có quyền yêu cầu Đội THA quận Phú Nhuận phát mãi căn nhà 251/8 Nguyễn Văn Trỗi phường 10, quận Phú Nhuận để đảm bảo việc thi hành án, việc trả tiền và giấy tờ nhà, hai bên đương sự thi hành cùng một lúc ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật”.

Cuối cùng, Bản án số 515/DSTP tuyên: “Án xử công khai phúc thẩm có hiệu lực thi hành!”.

Cũng xin nói thêm về ông Lương Vĩnh Phúc - nguyên Trưởng phòng THA - DS TPHCM.

Chúng tôi được biết rằng, ngay từ ngày 27/4/2001, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ trưởng Tư pháp và UBND TPHCM, trong đó nêu rõ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ rằng… xem xét tư cách Trưởng phòng THA TPHCM, cần cách chức để làm gương cho cán bộ THA các cấp; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/5/2001.

5-6 năm trôi qua kể từ ngày có văn bản trên, người ta vẫn chả thấy có ai bị cách chức cả; chỉ đến gần đây, khi Cơ quan điều tra vào cuộc thì “sếp” Lương Vĩnh Phúc mới bị khởi tố và “đệ tử” của ông ta là chấp hành viên Bùi Liên Hiệp mới bị bắt giam.

Biết không còn đường lẩn tránh, bà Sang lục tìm lại người chồng cũ là ông Hồ Văn Thành mà bà đã rũ bỏ từ gần bốn chục năm trước để “đôn” ông Thành lên “vai” một “người chồng đầy trách nhiệm” để ông này khởi kiện chính bà Sang đòi chia tài sản là ngôi nhà 251/8 Nguyễn Văn Trỗi, làm cho mọi chuyện rối tung lên thừa cơ tẩu tán tài sản…

Vậy lịch sử của cuộc “hôn nhân đằm thắm, keo sơn” này như thế nào?

Chúng tôi xin trích lược lại từ hồ sơ, án văn sơ thẩm, phúc thẩm về cuộc hôn nhân này, theo đó, ông Hồ Văn Thành và bà Huỳnh Thị Sang có quan hệ hôn nhân hợp pháp vào năm 1954, sinh sống tại huyện Phúc Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Hai người có bốn người con là Hồ Thị Mộng Yến, Hồ Văn Thiện (cùng sinh trong năm 1957), Hồ Văn Tâm (sinh năm 1960), Hồ Thị Hạnh (sinh năm 1961). Năm 1960 bà Sang đem 2 con (Yến và Thiện) vào Sài Gòn ở nhờ nhà chị ruột tại 16/51 Kỳ Đồng, quận 3.

Được một thời gian sau, bà chuyển đến sống ở nhà số 16/45 Kỳ Đồng, quận 3 do một mình bà Sang đứng tên mua, sau đó, bà cũng một mình đứng tên bán căn nhà này - Đến năm 1971, cũng lại một mình bà Sang đứng tên mua căn nhà 251/8 Nguyễn Văn Trỗi, phường 10, quận Phú Nhuận bây giờ. Kể từ khi mua căn nhà này, hàng xóm chưa bao giờ thấy ông Thành đến đây sinh sống.

Ngay từ năm 1967, ông Thành đã chung sống như vợ chồng với bà Võ Thị Ni và có thêm ba con: Hồ Văn Hoàng (sinh năm 1968), Hồ Văn Phụng (sinh năm 1971), Hồ Văn Tuấn (sinh năm 1977).

Xác minh tại chính quyền địa phương cho thấy, kể từ năm 1960, tất cả các giao dịch như mua bán nhà, vay tiền ngân hàng Nhà nước cũng như cá nhân, những giấy tờ  liên quan đến thủ tục hành chính, thì bà Sang đều đứng tên một mình và tự khai “đã li dị chồng”, hoặc “độc thân”.

Kể cả tờ “tự thú và xin cứu xét” của bà Sang gửi Ủy ban Trung tâm Cải huấn Chí Hòa cũng tự khai là “đã li dị chồng”. Hơn nữa, cũng theo xác minh tại địa phương, thì từ năm 1965 trở đi, bà Sang có quan hệ với những người đàn ông khác, ngoài bốn người con chung với ông Thành, bà Sang còn có thêm hai người con lai!!!

Từ những căn cứ trên, TAND quận Phú Nhuận đã kết luận: “Từ khi bà Sang vào Sài Gòn sinh sống kéo dài tới nay, giữa đôi bên có cuộc sống riêng biệt, kinh tế không phụ thuộc vào nhau, quan hệ vợ chồng chỉ là trên danh nghĩa”.

Vì vậy, TAND quận Phú Nhuận đã ra một quyết định bác yêu cầu của ông Thành đòi sở hữu 1/2 căn nhà 251/8 Nguyễn Văn Trỗi.

Thế nhưng, đến phiên tòa phúc thẩm, ngày 9 tháng 4 năm 2001, tại Bản án số 608/HNPT, TAND TPHCM lại công nhận căn nhà 251/8 Nguyễn Văn Trỗi là tài sản chung của ông Thành và bà Sang và tuyên xử: Giao căn nhà số 251/8 Nguyễn Văn Trỗi cho ông Thành được toàn quyền sở hữu và ông Thành có trách nhiệm hoàn lại cho bà Sang 1/2 giá trị căn nhà là 1 tỷ 119 triệu đồng (Tính tròn số - PV), thi hành trong thời hạn 1 tháng tính từ ngày án phát sinh hiệu lực pháp luật.

Mặc dù rất bức xúc khi chứng kiến màn kịch “Vợ chồng thủy chung” của ông Thành và bà Sang,  bà Nhớ vẫn phải cắn răng chịu thiệt, chờ ông Thành trả bà Sang 1,119 tỷ đồng để bà Sang trả nợ cho mình.

Song thời hạn 1 tháng trôi qua mà ông Thành cũng chẳng thèm “thi hành án”, còn bà Sang vẫn ung dung không làm đơn yêu cầu thi hành án. Theo Điều 21 Pháp lệnh thi hành án Dân sự năm 1993 quy định: Trong thời hạn ba năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án là cá nhân (có quyền gửi đơn đến cơ quan THA để yêu cầu thi hành án.

Hết thời hạn đó, nếu người được thi hành án (trong trường hợp này là bà Sang - PV) không yêu cầu thi hành bản án, Quyết định hết hiệu lực thi hành. Đối chiếu với quy định trên thì Bản án số 608/HNPT ngày 9/4/2001 của TAND TPHCM đã hết hiệu lực thi hành.

Mặt khác, sau khi hết hạn thi hành án theo quyết định của Bản án số 608/TAND TPHCM đã hết hiệu lực thi hành, ông Thành không tự nguyện thi hành án, trong nhiều năm liền, cho nên đương nhiên ông Thành đã mất quyền ưu tiên mua lại căn nhà 251/8 Nguyễn Văn Trỗi cho đến khi trị giá của căn nhà đã lên đến hơn chục tỷ đồng thì ngày 13/12/2005, ông Trưởng THA – DS TPHCM Lương Vĩnh Phúc đã ra văn bản giải tỏa kê biên căn nhà 251/8 Nguyễn Văn Trỗi để “thi hành án”, thu của ông Thành 1,119 tỷ đồng để “trả” cho bà Nhớ.

Lẽ ra, bà Nhớ mới là người được quyền ưu tiên mua căn nhà này, hoặc chí ít, trước khi nó bị giải tỏa kê biên, căn nhà 251/8 Nguyễn Văn Trỗi phải được định giá khi giá trị của nó tăng hơn hàng chục tỷ đồng so với thời điểm Bản án 608/HNPT ra đời (tháng 4 năm 2001).

Quá bức xúc trước hành vi coi thường pháp luật của ông Lương Vĩnh Phúc, bà Nhớ đã gửi đơn đi khắp nơi kêu cứu. Ngay từ năm 2003, VKSNDTC đã có công văn yêu cầu cơ quan THA TPHCM phải định giá lại căn nhà tại thời điểm thi hành án để tránh thiệt thòi quá mức cho bị hại là bà Nhớ.

Cùng thời điểm đó, Cục THA – DS Bộ Tư pháp cũng đồng ý với quan điểm này. Vậy mà, chả hiểu vì lý do gì mà đến năm 2005, Cục THA-DS lại thay đổi ý kiến cho rằng không định giá căn nhà?!!!

Chỉ sau khi công luận phanh phui vụ việc này trên báo chí, Cục THA – DS mới có văn bản hỏi ý kiến TAND TC về việc có hay không định giá lại căn nhà trên tại thời điểm thi hành án!

Và tiếp đó, Bộ Tư pháp đã có ba văn bản “hứa hẹn” với báo chí cùng người bị hại Nguyễn Thị Hoài Nhớ và đồng chí Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng rằng “Sau khi có ý kiến của TAND TC, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Cục THA – DS tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc và sẽ có văn bản báo cáo Ban Tổ chức T.Ư Đảng”.

Phúc đáp lại công văn “hỏi ý kiến” của Cục THA-DS, ngày 23/5/2006 Tòa dân sự TAND TC đã có văn bản trả lời, trong đó khẳng định “… do giá nhà đất trên thị trường biến động lớn trong thời gian vừa qua. Do đó, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các đương sự, cơ quan THA cần định giá căn nhà trên để thi hành”).

Tuy nhiên, kể từ khi TAND TC có ý kiến cho đến nay đã gần hai năm trôi qua mà Cục THA - DS vẫn không hề có động tĩnh gì. Họ đã quên những gì hứa hẹn “trong các văn bản trên chăng”?

Để rồi cho đến nay, khi giá trị của căn nhà trên đã lên tới hai chục tỷ đồng thì cấp dưới của Cục THA - DS là THA – DS TPHCM lại “sốt sắng” định cưỡng chế thi hành án vào đúng dịp Tết cổ truyền mà không hề định giá lại căn nhà.

Giữa lúc cả nước “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” mà lại tồn tại chuyện phi lý như vậy sao?

Tổ PV Điều tra

MỚI - NÓNG