Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng
Theo Bộ Chính trị, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW khoá XI, bên cạnh những kết quả đạt được, tiềm năng, lợi thế của TPHCM vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Trong khi những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm, nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thành phố. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông quá tải, ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng…
Để thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược của thành phố. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Bộ Chính trị yêu cầu ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ TPHCM, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp lớn. Trong đó, tập trung xây dựng TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực, với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại; hình thành trung tâm hội chợ - triển lãm quốc tế; có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế; hỗ trợ phát triển đồng bộ các thị trường; thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ số trong các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, du lịch, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế chất lượng cao... Về kết cấu hạ tầng, Bộ Chính trị yêu cầu ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt TPHCM - Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Xúc tiến đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mạng lưới đường sắt kết nối vùng. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, phát triển, khai thác hiệu quả mạng đường sắt đô thị, luồng tàu đường biển, đường sông, bảo đảm kết nối liên hoàn với các tỉnh Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Thí điểm các chính sách mang tính đột phá
Đáng chú ý, Nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho HĐND và UBND nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; quản lý văn hoá và trật tự xã hội; tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, tháng 9/2022ảnh: SGGP |
Bộ Chính trị cũng cho phép thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP.HCM chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. Giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo, tạo điều kiện để thành phố có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm, nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những dự án đầu tư, công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục. Ban hành chính sách thúc đẩy hình thành, phát triển trung tâm tài chính quốc tế TPHCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Về tổ chức, bộ máy, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; cho phép HĐND thành phố quyết định việc giao một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật, thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức; quyết định tổ chức bộ máy trực thuộc thành phố Thủ Đức, vị trí việc làm, cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn.