Làm trước tính sau
Sau khi Tiền Phong đưa tin (số ra ngày 21/6), Hà Nội đã quyết định đầu tư thêm bến xe tạm Yên Sở ngay cạnh Vành đai 3, chỉ cách nút giao thường xuyên ùn tắc giao thông Pháp Vân - Vành đai 3 khoảng 1km, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã lên tiếng giải thích về việc này.
Theo ông Tuấn, việc đầu tư thêm bến xe Yên Sở là phù hợp quy hoạch, và bến xe này chỉ làm nhiệm vụ trung hạn, chia sẻ với bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm. “Khi nào bến xe phía Nam mới được xây dựng cùng với tuyến đường Vành đai 4, tất cả xe khách các bên này sẽ đồng loạt chuyển ra bến xe đó.
Do chưa xác định được thời điểm xây dựng bến xe mới ở đường Vành đai 4, nên cũng chưa nói trước được bến xe Yên Sở sẽ hoạt động trong bao lâu, dù bến xe này chỉ là bến trung hạn”, ông Tuấn lý giải cho quyết định cấp phép đầu tư thời hạn 50 năm cho “bến xe tạm” Yên Sở.
Với bến xe Yên Sở chỉ cách nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 1km, theo các chuyên gia giao thông, điều này sẽ khiến nút giao này vốn đã thường xuyên ùn tắc càng ùn tắc hơn. Đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đang phải cân đối ngân sách để mở rộng nút giao này để khơi thông cửa ngõ phía Nam thành phố. Tuy vậy, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội lại cho rằng, bến xe Yên Sở sẽ giúp giảm lưu lượng xe khách đi vào nội đô, giảm ùn tắc cho nút giao này.
Về tổ chức giao thông để giảm ùn tắc, vị trí bến xe Yên Sở nằm ngay đường gom khó tổ chức giao thông, theo ông Tuấn, việc này sẽ được nghiên cứu khi bến xe xây dựng xong. “Phương án tổ chức giao thông ra sao phải chờ bến xe đưa vào hoạt động và đầu tư xong các tuyến đường kết nối khác”, ông Tuấn nói. Theo vị lãnh đạo này, việc chuyển luồng tuyến một số xe khách từ bến Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình ra bến xe Yên Sở sau này sẽ không làm khó doanh nghiệp vận tải. “Thời gian đầu mới chuyển doanh nghiệp vận tải sẽ có chút khó khăn để hành khách quen với thay đổi”, ông Tuấn thừa nhận.
Không giống ai
Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT) cho rằng, quy hoạch các bến xe thủ đô hiện nay đi ngược với thế giới. Trong khi các nước phát triển ở châu Âu, bến xe, nhà ga đều tập trung ở một khu đầu mối trong nội đô để hành khách thuận tiện đi lại, kết nối giao thông. Trong khi đó, Hà Nội quy hoạch hàng loạt bến xe dọc tuyến đường Vành đai 4 tương lai ở Sóc Sơn, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì... rất xa trung tâm.
“Quy hoạch của Hà Nội chỉ nhằm xóa các bến xe cũ, đẩy ra xa ngoại thành, điều đó gây khó khăn cho hành khách, tăng chi phí đi lại, trung chuyển... Đặc biệt, điều này chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng đội ngũ xe dù, bến cóc trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, ông Thủy phân tích.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, vị trí các bến xe hiện nay sau khi di dời có thể sẽ mọc lên các cao ốc, chung cư... như trường hợp của bến xe Kim Liên, Lương Yên. “Do đó, theo tôi vẫn nên giữ các bến xe hiện nay, đồng thời đầu tư hoặc xã hội hóa để hiện đại hóa, đầu tư khang trang, sạch đẹp các bến xe”, ông Thủy đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, mỗi lần chuyển đổi luồng tuyến xe khách, là một lần các doanh nghiệp vận tải lao đao, phải làm lại từ đầu. Theo ông Thanh, xe nào chuyển bến xe mới, xe nào ở lại bến xe cũ đã là vấn đề rất lớn, tạo cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe, đẩy doanh nghiệp vào thế khó.
Ngày 31/12/2016, UBND TP Hà Nội đã cấp phép đầu tư bến xe Yên Sở kết hợp giữa xe khách và xe tải. Bến xe Yên Sở xây dựng trong giai đoạn 2017-2020, và hỗ trợ cho bến xe Giáp Bát. Dù là bến tạm, nhưng Hà Nội cấp phép bến xe Yên Sở hoạt động trong 50 năm.