Thông tin trên được Ban chỉ đạp phòng chống dịch COVID-19 cho biết khuya 6/5. Cụ thể như sau:
Bệnh nhân N.T.N. (nữ, 32 tuổi, trú đường Mai Lão Bạng, Hải Châu) là nhân viên New Phương Đông.
Bệnh nhân H.H.L (nam, 24 tuổi, trú An Thượng 32, quận Ngũ Hành Sơn), là lao động tự do. Đêm 28 rạng sáng 29/4, bệnh nhân cùng nhóm bạn đến quán bar New Phương Đông.
Cả 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đều từng tới bar New Phương Đông. Ảnh: Thanh Trần. |
Bệnh nhân N.T.A.M. (nam, 25 tuổi, ở cùng H.H.L). Bệnh nhân cũng tới vũ trường cùng với H.H.L. Bệnh nhân có đi nhậu cùng với nhiều người bạn vào tối 1/5. Buổi chiều hàng ngày đi tập gym tại phòng tập gym Ngọc Tâm số 31 Ngô Thì Sĩ, quận Ngũ Hành Sơn.
Ban chỉ đạo cũng cho biết thêm đã liên hệ với Sở Y tế Quảng Ngãi để nắm thông tin về trường hợp của một ca nghi nhiễm.
Bệnh nhân N.Đ.P. (nam, 26 tuổi, thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi). Ngày 26/4, bệnh nhân và 5 người bạn đi xe máy từ Quảng Ngãi đến Hội An - Quảng Nam, có ghé quán bánh mì Phượng. Sau đó về nhà một người bạn tại xã Hòa Châu (Hòa Vang, Đà Nẵng).
Quá trình lưu trú ở Đà Nẵng, bệnh nhân đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Đêm 28/4 có đến bar New Phương Đông. Ngày 29/4 bệnh nhân về lại Quảng Ngãi.
Trước đó, Ban chỉ đạo cũng thông tin có hai trường hợp dương tính là người dân ở gần vũ trường New Phương Đông.
Tiêm vắc xin COVID-19 rồi vẫn phải phòng bệnh nghiêm ngặt
TS. BS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Tổng hợp các thử nghiệm lâm sàng trên thế giới cũng như thực tế sử dụng cho đến thời điểm này với 250 triệu liều trên thế giới được tiêm, đã có những đánh giá hiệu lực của vắc xin sau tiêm.
Theo đó, sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của COVID-19 đạt mức 50-70% và hiệu quả này vẫn giữ ở mức như vậy chứ không giảm ngay trong vòng 3 tháng sau tiêm liều 1. Ở liều thứ 2, với nhiều khoảng cách tiêm khác nhau được ghi nhận đã cho thấy thời điểm tiêm tối ưu nhất ở khoảng cách 3 tháng sau mũi thứ nhất, và ở khoảng cách tiêm này, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%.
Ở những khoảng cách ngắn hơn dưới 3 tháng, hiệu quả thấp dần và thấp nhất ở liều tiêu chuẩn (2 mũi cách nhau 1 tháng). TS. Thái nói thêm, đây chính là lý do chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia vẫn khuyến cáo giữ khoảng cách hai mũi tiêm ở mức 3 tháng hoặc hơn để có hiệu quả bảo vệ tối ưu. Tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào tình hình thực tế dịch từng thời điểm cũng như số lượng, tình trạng vắc xin chúng ta có.
Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc nhấn mạnh rằng, việc tiêm phòng vắc xin này, hay bất cứ vắc xin nào thì tỉ lệ bảo vệ cũng không thể đạt 100%. Đặc biệt, điều này liên quan tới vấn đề phòng nhiễm bệnh. Thực tế tiêm chủng nhiều năm qua ở Việt Nam cũng như thế giới, đã cho thấy rất nhiều trường hợp được ghi nhận bị nhiễm vi rút sau khi tiêm vắc xin, nhất là khi mới chỉ tiêm 1 mũi vắc xin. Do không thể đảm bảo phòng nhiễm vi rút 100%, người được tiêm vẫn có thể nhiễm và là nguồn lây cho những người khác- TS. Thái nhấn mạnh. Bởi vậy, sau khi tiêm vắc xin, kể cả mũi 1 lẫn đủ 2 mũi, người được tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Với COVID-19 hiện nay, đó là các biện pháp 5K của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế).
Phú Thọ: Triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà tại BV
Trước những diễn biến nguy hiểm của dịch COVID-19, đặc biệt là việc phát hiện nhiều ca lây nhiễm trong các BV lớn, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Bệnh viện đã xây dựng, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và các tổ công tác của Bệnh viện cũng như chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó với tình huống dịch bệnh khi có công bố dịch; Thực hiện mua sắm dự trữ trang thiết bị, vật tư, bố trí sẵn sàng địa điểm cách ly, phương tiện phòng hộ, kế hoạch hậu cần duy trì trong khu vực cách ly cho nhân viên y tế; Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly riêng biệt hoặc khoa điều trị riêng cho các ca bệnh nghi ngờ COVID-19 hoặc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác, ngăn cách hoàn toàn và không cho người không có nhiệm vụ vào khu vực này.
Đồng thời, Bệnh viện thường xuyên tổ chức tập huấn cho toàn bộ nhân viên y tế về khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị COVID-19; kiểm soát nhiễm khuẩn và kỹ năng sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; kỹ năng hồi sinh tim phổi cho người bệnh có bệnh đường hô hấp.
Tại các vị trí trong khuôn viên bệnh viện như các lối ra vào, khu vực khám bệnh, sảnh ngồi chờ, khu vực thu ngân, hệ thống tivi, hệ thống loa phát thanh nội bộ đều thường xuyên truyền tải các thông điệp nhắc nhở nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh thực hiện khuyến cáo 5K bao gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế.
Để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, Bệnh viện thực hiện tạm dừng hoạt động thăm người bệnh, thực hiện chế độ 1 người thân chăm sóc, mỗi người bệnh chỉ có một người nhà đi cùng chăm sóc. Đồng thời, Bệnh viện yêu cầu người bệnh khi đến khám và người bệnh/người nhà người bệnh đang điều trị tại bệnh viện chấp hành nghiêm việc đo thân nhiệt, khai báo y tế trung thực, đầy đủ trước khi vào bệnh viện.
Người bệnh có các triệu chứng viêm đường hô hấp được yêu cầu ở lại tại khoa điều trị, hạn chế di chuyển đến các khu vực khác.
Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, Bệnh viện tăng cường đẩy mạnh hoạt động tư vấn và khám chữa bệnh từ xa; triển khai chăm sóc toàn diện cho toàn bộ người bệnh chăm sóc cấp I tại các khoa, nhất là tại khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, khoa hô hấp, hạn chế việc yêu cầu người nhà người bệnh cùng chăm sóc.
Thanh Hoá: Xác định 146 người có liên quan để ổ dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa đã xác định được danh tính của 146 người có liên quan trực tiếp, tiếp xúc với ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành công điện gửi Giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, khuyến cáo người dân trong tỉnh không đi đến các vùng có dịch.
Công điện nêu rõ: Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại một số địa phương trong cả nước. Đặc biệt, từ khi xuất hiện chùm ca bệnh COVID-19 do lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đến nay, CDC tỉnh Thanh Hóa đã xác định được danh tính của 146 người có liên quan trực tiếp tiếp xúc với ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Đây là nguy cơ rất cao làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn Thanh Hóa.
Để chủ động kiểm soát dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh khẩn trương triển khai ngay việc: Khuyến cáo người dân không đi, đến các vùng có dịch đã được Bộ Y tê công bố ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trường hợp cần thiết, nếu đi, đến các vùng có dịch phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, đảm bảo an toàn. Khi trở về, phải thực hiện khai báo y tế với cơ quan y tế địa phương.
Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo yêu cầu tất cả những người dân đã từng đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trong khoảng thời gian từ ngày 14/4 đến nay.
Những người đã đến các điểm dịch theo thông báo của Bộ Y tế, thì phải khai báo y tế với chính quyền địa phương, để được hướng dẫn các biện pháp cách ly phù hợp.
Phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị liên quan khẩn trương truy vết thần tốc, thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế đối với tất cả các trường hợp là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, những người đến thăm, nuôi…, có liên quan đến ổ dịch nêu trên từ ngày 14/4 đến nay.
Tất cả trường hợp đã trở về và người sẽ trở về trong những ngày tới đây, đều phải khai báo y tế theo quy định.
Người đứng đầu cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các ngành liên quan phải hoàn thành công tác rà soát, truy vết 17h00 ngày 6/5. Các mẫu xét nghiệm phải được gửi về CDC tỉnh Thanh Hóa trước 18h00 ngày hôm nay.
Yêu cầu CDC tỉnh Thanh Hóa gửi ngay danh sách 146 người đã xác định được danh tính có liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trước 8h00 ngày 6/5.
Các địa phương phải khẩn trương rà soát, truy vết, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly theo quy định toàn bộ số người có liên quan theo danh sách nêu trên và những người tiếp xúc với họ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa phải có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ số mẫu, tổ chức xét nghiệm xong trước 7h00 ngày 7/5.
Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu tất cả các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh siết chặt việc thực hiện các quy định cách ly tập trung.
Tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Thực hiện bàn giao những người hoàn thành cách ly cho các địa phương nơi họ sinh sống theo đúng quy định và quản lý sau cách ly theo quy định.
Thời gian cách ly y tế áp dụng từ ngày 5/5 tại các cơ sở cách ly tập trung được thực hiện đủ 21 ngày/đợt cách ly. Áp dụng cho những trường hợp đang thực hiện cách ly và những trường hợp mới.
Thời gian quản lý những trường hợp hoàn thành cách ly tập trung tối thiểu là 7 ngày tiếp theo tại gia đình hoặc nơi cư trú. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện việc giám sát, theo dõi y tế đối với những trường hợp này...
Bắc Giang dừng vận chuyển hàng khách đi và về từ tỉnh có dịch
Trước tình hình dịch COVID – 19 bùng phát trở lại, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo PCD tỉnh Bắc Giang về công tác phòng chống dịch COVID -19 trên địa bàn tỉnh. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thần tốc truy vết, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Tỉnh Bắc Giang tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô đi đến các tỉnh có dịch và ngược lại, đóng cửa các hàng, quán tại các bến xe, ga tàu trên địa bàn tỉnh kể từ 00h ngày 7/5 cho đến khi có thông báo mới. Hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh tiếp tục được phép hoạt động nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn, mở cửa sổ xe…
Các địa phương trong tỉnh khẩn trương, thần tốc lập danh sách các trường hợp đã đi đến và về từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung và các vùng có dịch khác để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời; rà soát và lên phương án, kịch bản sẵn sàng triển khai khoanh vùng, phong tỏa ổ dịch, cách ly y tế toàn bộ vùng có dịch khi cần thiết.
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang chỉ đạo triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với lái xe, phụ xe, nhân viên bến xe, ga tầu và hành khách theo quy định. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập rà soát, siết chặt lại quy trình phân luồng, sàng lọc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vào viện theo quy định của Bộ Y tế. Nếu cơ sở nào không đạt thì phải yêu cầu đóng cửa. Thực hiện nghiêm việc mỗi bệnh nhân chỉ có một người chăm sóc và hạn chế thay đổi người chăm sóc; không cho phép người dân đến thăm bệnh nhân 24/24h.