Thẻ xanh, cơm chúa...

Lễ rửa tội cho một em bé lai Việt- Bỉ.
Lễ rửa tội cho một em bé lai Việt- Bỉ.
TP - Phải hai tháng sau vụ khủng bố Brussels, Văn phòng thủ tướng mới thông báo Lễ tưởng niệm các nạn nhân sẽ diễn ra vào 22/5. Chuyện thời sự nhạt nhanh, nhưng khắc phục tổn thất luôn đau đớn, mệt mỏi kéo dài không chỉ đối với 39 nạn nhân còn nằm viện và 20 trong số đó vẫn điều trị đặc biệt. Không gắng quên rất khó sống. Nếu chẳng dễ quên, ấy là lúc cần có đức tin?

Dạo này thường có khách lạ gõ cửa nhà tôi. Khi thì đi thành đoàn năm bảy đàn ông chỉn chu com-ple cà vạt tay xách ca-táp sáng bóng, lúc chỉ một phụ nữ trang phục nhạt màu khó nhớ. Đông hay thưa, sang trọng hay giản dị đều trân trọng đưa một tờ rơi như nhau: Bạn nghĩ gì về tương lai? Thế giới sẽ không đổi thay, thụt lùi, hay trở nên tốt hơn? Chúa sẽ chăm lo cho thế giới tươi đẹp hơn như thế nào?

Tuần trước, bà cụ Sue sống ở gần siêu thị tôi qua mua sắm hàng tuần ngập ngừng vẫy lại, hỏi “Cô chắc cũng là Phật tử?”. “Cụ ơi, cháu trọng tư tưởng hiện đại của đạo Phật nhưng chưa phải Phật tử thực sự”.“Đứa cháu 12 tuổi của tôi có môn học Tôn giáo ở trường. Tôi đang giúp nó chuẩn bị bài luận về Phật giáo. Càng tìm hiểu tôi càng cảm tình, đạo Phật không chấp nhận có một thế lực siêu nhiên, thần linh nào quyết định vận mệnh của chúng ta. Tên Phật nói lên tất cả, đó là người đã giác ngộ, do giác ngộ mà thành. Nhưng con trai tôi từng du lịch Việt Nam bảo có nhiều loại Phật lắm, Phật trong chùa rất lớn, Phật thờ trong nhà hay có bụng to. Thế là sao hả cô?” Chịu người Âu ở chỗ quan tâm là tìm hiểu chi tiết tường tận.

Cụ Sue và những vị khách lạ khiến tôi lại tự vấn đức tin của mình là gì khi sống ở xứ sở mới, không thể thay đổi được quá khứ nhưng phải có trách nhiệm với tương lai thế nào. Tôi cũng áy náy lắm khi một người bạn gốc Việt ở Bỉ vừa hỏi rằng: “Chắc khi cần chị còn viết ra được? Còn tôi tự biết mình là đối tượng bị người ta mắng chửi nhiều lắm. Người trong nước bảo tôi cầm chắc thẻ xanh rồi, còn thiết gì chuyện thiên hạ... Ai chẳng có nỗi lo riêng. Hiện khoản tiền chính phủ trợ cấp nuôi con nghe nói có thể sẽ cắt giảm. Đức tin của tôi lâu nay chính là hàng tháng ăn chắt để dành một khoản gửi về giúp mẹ sửa cái nhà, giúp cậu vá lại tấm lưới để ra khơi. Lo cho cuộc sống người thân ở quê đỡ vất vả cũng là sống có trách nhiệm rồi còn gì”.

Ấy là bạn tôi nói đến việc chính quyền vùng Flanders của Bỉ đang tiến hành cải cách khoản trợ cấp nuôi con. Nhà ba con bây giờ đều đặn hàng tháng nhận được 506 euro, khoản đáng kể đặc biệt là với những gia đình nhập cư. Nhưng chính quyền đang bàn sẽ không tính theo kiểu con sau được trợ cấp nhiều hơn con trước (nhà một con đang bị thiệt) và bỏ cả kiểu tăng mức trợ cấp theo độ tuổi 6- 12- 18 của từng đứa trẻ (trẻ càng lớn càng phải tiêu nhiều). Rồi định cắt giảm gì nữa? Chưa hết khủng hoảng kinh tế lại khắc phục hậu quả khủng bố. Cầm chắc thẻ xanh cũng chẳng mấy ai được ăn cơm chúa, múa tối ngày.

Muốn tìm đến chốn bình yên thẻ xanh với thẻ xanh, mà sao yêu thương thật quá mong manh. Có dạo anh bạn bên Rotterdam của tôi cứ bắt vợ thỉnh thoảng phải mang con gửi một gia đình người Việt mới sang Hà Lan định cư, nghề nghiệp ổn định chưa có. Cô này đòi 8 euro/giờ trông trẻ trong khi mấy bà người Phi, người Mễ lấy có 5 euro. Nhưng anh bảo “Đấy cũng là cách giúp người mình”. Vừa rồi tận tình lái xe đón tôi sang nhà anh chơi, ngồi ghế sau vợ anh tủm tỉm “Cứ nghi bồ bịch với nhau mới chịu trả đắt. Hóa ra muốn giúp đồng hương thật. Chính anh ấy nghe người khác kể lại cô ta rêu rao than thở rằng nể lắm mới nhận trông con cho nhà này chứ cũng chả thiếu việc, chả thiếu tiền. Giận quá, cắt luôn”. Anh vẫn im lặng sau tay lái.

MỚI - NÓNG