Ngày 22/2, sau nhiều nỗ lực đàm phán, các bên liên quan tới xung đột Syria, trong đó có Nga và Mỹ, cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở quốc gia Trung Đông này có hiệu lực từ ngày 26/2.
Một máy bay không người lái cỡ nhỏ của Nga. Ảnh: Sputnik
Các quan chức quốc phòng Nga cho rằng khi lệnh ngừng bắn được thực thi, các nhóm phiến quân mà Moscow cho là khủng bố sẽ lợi dụng khoảng thời gian yên tĩnh để củng cố lại lực lượng, bổ sung vũ khí, trang bị. Do đó, Nga cần phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành động nguy hiểm này.
Để giám sát không phận Syria, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã triển khai 70 máy bay do thám không người lái (UAV) bao gồm các loại như Yakovlev Pchela-1T và Orlan -10 (tương tự loại RQ-7 Shadow của Mỹ) hay Dozor 600 hoạt động ở độ cao 2.500-3.600 m.
Nhờ được trang bị thiết bị quang điện tử và cảm biến hồng ngoại hiện đại, những chiếc máy bay này sẽ quần thảo 24/24 trên không phận Syria, đảm bảo không bỏ sót bất kỳ dấu hiệu khả nghi nào.
Trung tướng Sergei Rudskoi, Cục trưởng cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết các trinh sát cơ không người lái này có phạm vi hoạt động bao trùm toàn lãnh thổ Syria. Sự lợi hại của chúng nằm ở các bộ cảm biến chuyển động, giúp phát hiện hình ảnh một binh sĩ đang di chuyển trong phạm vi vài chục cm từ khoảng cách hơn 700 m. Chính vì thế, mọi ý đồ chuyển quân hoặc vi phạm lệnh ngừng bắn của các nhóm phiến quân sẽ bị phát hiện và trừng phạt trong thời gian ngắn nhất.
Chuyên gia Valentin Vasilescu thuộc Viện Quân sự Bucarest cho rằng mối quan ngại lớn nhất của Nga không phải là các nhóm phiến quân, mà là các đơn vị bộ binh của Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai gần biên giới Syria. Theo quan điểm của Moscow, các lực lượng này có khả năng xâm nhập biên giới bất cứ lúc nào.
Chính vì thế, Kremlin đã điều trinh sát cơ tối tân Tu-214R đến Syria nhằm mở rộng phạm vi quan sát ra lãnh thổ các nước lân cận.
Máy bay trinh sát tầm xa Tu-214R được không quân Nga chế tạo vào cuối những năm 2000. Đây là biến thể phục vụ cho mục đích quân sự được phát triển trên cơ sở khung gầm máy bay chở khách tầm trung Tu-204 của Tupolev, nhằm thay thế mẫu máy bay trinh sát đời cũ Il-20.
Tu-214R được trang bị hệ thống thu thập tín hiệu vô tuyến đa tần MRK-411, bao gồm nhiều loại radar có khả năng làm việc trong các chế độ chủ động và thụ động, như radar cảm biến tình báo quang điện ELINT, radar khẩu độ tổng hợp SAR và các trang, thiết bị tình báo tín hiệu và liên lạc.
Ăng ten của Tu-214R có thể bắt được rất nhiều tín hiệu điện tử của đối phương như sóng radar, sóng radio, sóng điện thoại di động, tín hiệu Internet, từ đó thực hiện các hoạt động tác chiến điện tử như làm giả tín hiệu, đồng thời nắm bắt được kế hoạch tác chiến của địch trên chiến trường.
Hệ thống quang điện tử đa quang phổ của Tu-214 R bao gồm một máy ảnh toàn cảnh A-84ON, một máy ảnh địa hình AK-111, hai máy ảnh kỹ thuật số độ phân giải cao AK-112 và ba camera ghi hình hiện đại. Tất cả đều được trang bị thiết bị quét hồng ngoại, giúp máy bay quan sát được toàn bộ các hoạt động trên mặt đất để nhận diện và xác định vị trí quân địch, ngay cả khi chúng được ngụy trang.
Theo nhận định của các chuyên gia quân sự Pháp, chỉ cần bay ở không phận Syria ở khoảng cách 50km với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Tu-214R có thể giám sát 60% khu vực trải dài từ cao nguyên Anatolia, nằm sâu trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đến sát biên giới.
Do đó, Tu-214 R có thể quan sát mọi động thái tập trung và di chuyển quân của bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới, cũng như xác định vị trí bố trí của các lữ đoàn xe thiết giáp, các hệ thống tên lửa đất đối đất và lực lượng pháo binh của nước này.
Ngoài ra, lực lượng bộ binh Arab đã được triển khai ở biên giới Syria cũng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chiếc Tu-214.
"Với biện pháp phân công nhiệm vụ theo lãnh thổ riêng biệt, cộng với sự trợ giúp của các thiết bị vệ tinh vũ trụ, hệ thống giám sát lệnh ngừng bắn của Nga có thể nắm bắt mọi động thái nhỏ nhất trên chiến trường Syria, đảm bảo lệnh ngừng bắn được tuân thủ tuyệt đối", chuyên gia Vasilescu nhận định.