Thế lưỡng nan của ông Trump

Một người đi qua bức tranh tường ở Berlin vẽ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bìnhảnh: AP
Một người đi qua bức tranh tường ở Berlin vẽ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bìnhảnh: AP
TP - Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký với Trung Quốc gần 4 tháng trước từng được coi là tài sản để ông bước vào cuộc đua tái tranh cử vào cuối năm nay, nhưng giờ có nguy cơ trở thành gánh nặng chính trị khi đại dịch COVID-19 làm xấu đi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Thỏa thuận giai đoạn một, có hiệu lực từ giữa tháng 2, thiếu sót một số khía cạnh, trong đó có lời hứa không mấy chắc chắn của Bắc Kinh về việc mua nông sản và năng lượng của Mỹ với khối lượng lớn. Nhưng chính quyền ông Trump nay lưỡng lự với việc gia tăng áp lực với Trung Quốc hoặc đoạn tuyệt với thỏa thuận, cho dù hai bên tiếp tục nói về nó bằng những mỹ từ.

Khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khó khăn, với số người chết vì COVID-19 vượt mốc 67.000 và khoảng 30 triệu người gia nhập đội ngũ thất nghiệp, ông Trump giờ rơi vào thế khó. Nếu trừng phạt Trung Quốc khi dư luận Mỹ đang phẫn nộ, bằng công cụ yêu thích là tăng thuế, ông Trump sẽ khó tránh nguy cơ gây tổn thương cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ khi họ đang trải qua cuộc suy thoái sâu sắc nhất kể từ năm 1930.

“Chiến tranh kinh tế được phát động trong bối cảnh kinh tế tốt, khi các công cụ thuế truyền thống có thể được hấp thụ. Nhưng tái áp dụng hoặc mở rộng đánh thuế vào lúc này, khi đại dịch đang xảy ra trên toàn cầu và tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên hơn 20%, sẽ khó có thể bào chữa về kinh tế hay chính trị”, Bloomberg dẫn lời ông Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược.

Các cố vấn của cựu phó tổng thống Joe Biden, người gần như chắc chắn sẽ trở thành gương mặt đại diện của đảng Dân chủ để tranh cử với ông Trump vào tháng 11 năm nay, đang tận dụng điều họ thấy là điểm yếu nổi bật trong cách tiếp cận của ông Trump. “Trung Quốc hiện giờ có tất cả thế mạnh”, Jake Sullivan, cựu trợ lý an ninh quốc gia của ông Biden và là người cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ứng viên này, nhận định.

Trong một quảng cáo trên truyền hình gần đây, nhóm hỗ trợ tranh cử của ông Biden nói rằng ông Trump đã “trải thảm cho người Trung Quốc” vì “tin lời họ” khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với ông vào đầu năm nay rằng virus corona đã bị khống chế. Các cố vấn của ông Biden cho rằng thảm hoạ kinh tế và y tế có thể đã không nghiêm trọng như hiện nay nếu tổng thống cứng rắn hơn với Trung Quốc ngay từ đầu năm, thay vì ca ngợi thỏa thuận thương mại.

Áp lực phải hành động

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News tại nhà tưởng niệm Lincoln ngày 3/5, ông Trump nói rằng ông đã cứng rắn với Trung Quốc hơn các chính quyền trước và đạt được một thỏa thuận thương mại “phi thường”. Nhưng áp lực chính trị lên ông Trump đang gia tăng ngay cả trong nội bộ đảng Cộng hoà. Tuần trước ông Trump bác bỏ thông tin nói rằng chính quyền Mỹ có kế hoạch hoãn một số nghĩa vụ nợ đối với Trung Quốc, và rằng ông có nhiều cách để trừng phạt Bắc Kinh.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 3/5, ông gọi thuế là “công cụ đàm phán tốt nhất”, nhưng không trả lời thẳng câu hỏi liệu ông có sử dụng lại công cụ này với Trung Quốc để trừng phạt Bắc Kinh về sự thất bại trong khống chế COVID-19 lây lan ra các nước khác.

Trong 2 năm qua, ông Trump tăng thuế đối với khoảng 360 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, còn Trung Quốc đáp trả với hơn một nửa hàng nhập khẩu từ Mỹ. Thỏa thuận thương mại ký ngày 15/1 từng được coi là thỏa thuận đình chiến, được chờ đợi sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho quan hệ đối tác thương mại song phương.

Nhưng tác động tích cực của nó nhanh chóng phai tàn khi Washington và Bắc Kinh cáo buộc nhau có lỗi để xảy ra cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng và đẩy nền kinh tế Mỹ vào khó khăn. Khi đảng Cộng hoà kêu gọi bắt Trung Quốc trả giá, ông Trump có thể sẽ hành động trước cuộc bầu cử.

Dù đi theo con đường nào, ông Trump sẽ vấp phải phản ứng dội ngược nếu tiếp tục ca ngợi cái ông gọi là “thỏa thuận thương mại lớn nhất mà bất kỳ ai từng thấy”.

“Ông Trump sẽ được khuyến khích hành động mạnh mẽ với Trung Quốc vì ông ấy nhận thấy rằng cử tri Mỹ, đặc biệt là lực lượng ủng hộ ông, muốn có người phải chịu trách nhiệm”, ông Jason Miller, cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016, nói với Reuters. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.