Thế khó của NATO ở sân sau của Nga

Một cuộc tập trận diễn ra gần thành phố cảng Mariopol tuần trước. (ảnh: BBC)
Một cuộc tập trận diễn ra gần thành phố cảng Mariopol tuần trước. (ảnh: BBC)
TPO - Liệu khủng hoảng có nổ ra trên biển Đen? Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có đi đến mức xung đột trực tiếp?

Ít nhất cho đến thời điểm này khả năng đó khó xảy ra. Nhưng việc lực lượng bảo vệ biên giới Nga giữ tàu chiến của Ukraine và cách xử lý giằng co trên eo biển Kerch khiến vấn đề an ninh trên biển Đen trở thành nổi bật trong chương trình nghị sự của NATO tại cuộc họp của tổ chức này ở Brussels ngày 4/12.

Biển Đen từ lâu đã đóng vai trò quan trọng chiến lược.

Đó là chiến trường chính giữa hai cường quốc phương Tây là Pháp và Anh với Nga hồi giữa thế kỷ 19. Trong Chiến tranh Lạnh, đó là tuyến đường ngắn nhất từ Liên Xô sang Iran và Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của NATO, đứng ngay trên tuyến đường từ biển Đen ra Địa Trung hải, đối diện với Nga qua biển Đen về phía bắc.

Đối với người Nga, khu vực này được coi là “sân sau” của họ. Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và Liên Xô sụp đổ khiến các mối quan hệ ở khu vực này trở nên phức tạp.

Thế khó của NATO ở sân sau của Nga ảnh 1 Bản đồ khu vực biển Đen và biển Azov. (ảnh: BBC)

Nga dính dáng vào các cuộc xung đột vũ trang ở hai nước từng thuộc Liên Xô, đó là Georgia và Ukraine. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của họ và vẫn bị Ukraine và phương Tây cáo buộc là đang tiếp tục hỗ trợ lực lượng vũ trang nổi dậy ở miền đông Ukraine. Mátxcơva cũng được cho là đang hậu thuẫn lực lượng ly khai ở Georgia.

Nga thấy bị báo động trước thực trạng được coi là sự xâm phạm ngày càng lớn của NATO vào khu vực này. Ba quốc gia gần Nga là Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria đều đã là thành viên của liên minh này. Nato thực hiện các hoạt động giám sát trên không ở Romania, giúp nước này chống lại hoạt động của các máy bay Nga.

Tương tự, các tàu chiến của NATO đang gia tăng tuần tra trên biển Đen. Romania cho phép đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo do Mỹ sản xuất trên đất của họ. Và NATO, cùng với một số nước thành viên của họ, đang phát triển quan hệ quân sự với Georgia và Ukraine.

Xâm phạm hay ngăn chặn?

Nhìn từ trụ sở của Nato tại Brussels, những hoạt động như vậy là nhằm tạo ra sự ổn định và là biện pháp ngăn chặn trước một nước Nga đang ngày càng quyết đoán.Ví dụ, Ukraine muốn bảo đảm rằng biển Azov sẽ không bị Nga kiểm soát. Và bản thân Nato cũng muốn thách thức vai trò rất lớn của Nga trên biển Đen.

Tuy nhiên, nhìn từ Mátxcơva, những việc làm đó của NATO đều chỉ nhằm mở rộng phạm vi kiểm soát của tổ chức này, nhằm đẩy biên giới của liên minh gần hơn về phía Nga. Và vì khu vực này có tầm quan trọng lịch sử đối với nước Nga nên NATO càng có nhiều lý do để làm như vậy.

Tuy nhiên, NATO cũng có vấn đề.

Một mặt, các chính phủ thành viên của họ kêu gọi cần có ổn định và giảm leo thang ở khu vực, nhưng họ lại đi những bước bị Nga coi là khiêu khích, như tổ chức diễn tập quân sự và trừng phạt kinh tế. Không dễ để đánh giá sự cân bằng giữa răn đe và khiêu khích, đặc biệt khi việc gây áp lực đơn thuần sẽ khó thay đổi được hành động của Nga.

Một ví dụ là cuộc khủng hoảng Ukraine. Các biện pháp trừng phạt Nga chưa tỏ dấu hiệu gì cho thấy sẽ thay đổi suy nghĩ của Tổng thống Vladimir Putin, và cũng không thể bảo đảm Crimea sẽ trở về với Ukraine. Nga dường như sẵn sàng chấp nhận nỗi đau bị trừng phạt vì họ muốn giữ lợi ích của mình trong vấn đề biên giới hơn.

Tính toán này khiến phản ứng của NATO trước cuộc khủng hoảng mới nhất giữa Nga và Ukraine càng khó. Các nhà phân tích kêu gọi cần thực hiện nhiều biện pháp như đưa tàu chiến của NATO đến biển Azov, hoặc thậm chí bù đắp về kinh tế cho Ukraine khi nước này đang chịu thiệt hại từ việc bị phong tỏa cảng.

Sẽ có những người ở Ukraine và Mỹ coi đây là lý do thêm để tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev. Dù tích cực đào tạo cho quân đội Ukraine, các nước Nato chủ yếu vẫn không muốn cung cấp vũ khí sát thương cho nước này. Chính quyền Mỹ cung cấp một lượng hạn chế vũ khí chống tăng Javelin để khắc phục điểm yếu của lực lượng mặt đất Ukraine. Nhưng một số chuyên gia cho rằng nên cung cấp các tên lửa chống hạm đặt trên bờ cho Kiev để giúp nước này cân bằng lực lượng trên biển với đối thủ.

Không có giải pháp hoàn hảo nào cho quan hệ đối đầu này ngoài việc cần phải thay đổi căn bản quan hệ giữa Nga với phương Tây. Nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là bảo đảm mọi việc không xấu thêm nữa.

Bộ mặt chiến tranh thay đổi

Ranh giới rõ ràng giữa chiến tranh và hòa bình đang bị xóa mờ. Phô diễn sức mạnh quân sự, tập trận, tấn công mạng và chiến tranh thông tin đều là những khúc dạo đầu của xung đột. Nhưng bản thân những hoạt động đó có phải chiến tranh hay không, như câu hỏi mà một tư lệnh Mỹ đặt ra gần đây?

Nói cách khác, chiến tranh tổng lực khó xảy ra, nhưng người ta có thể dùng nhiều công cụ khác nhau để đạt được cùng mục đích. Nhìn theo cách này, Nga được cho là đạt được một số thành công, với việc sáp nhập bán đảo Crimea và không có dấu hiệu sẽ trả lại, gây thiệt hại kinh tế cho Ukraine khi can thiệp vào hoạt động vận tải trên biển Azov.

Nga cũng làm suy yếu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vào thời điểm nhà lãnh đạo này đang đối mặt với một cuộc bầu cử đầy khó khăn, bằng cách thu giữ 3 con tàu và thủy thủ đoàn. Tất cả diễn ra với cái giá và Mátxcơva sẵn sàng trả.

Điều đó đẩy NATO vào thế khó xử: làm cách nào để trấn an các nước đồng minh và bạn bè ở khu vực biển Đen mà không khiến tình hình xấu thêm?

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.