Trung Quốc khôn khéo áp lệnh trừng phạt Triều Tiên

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN
TPO - Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố quyết định áp đặt hạn chế cung cấp dầu cho Triều Tiên và cấm nhập khẩu thép của Triều Tiên. Nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ đã ca ngợi những biện pháp này như một minh chứng cho thấy Trung Quốc đang hướng tới thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) chống Triều Tiên và thực hiện các động thái nhằm từ bỏ liên minh lâu nay với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, thực chất Trung Quốc không từ bỏ Triều Tiên, mà thay vào đó muốn thiết lập quan hệ với Bình Nhưỡng theo các điều khoản của Bắc Kinh.

Trung Quốc khéo léo trừng phạt Triều Triên

Chiến lược của Trung Quốc trong việc kiềm chế Triều Tiên trong vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh xuất phát từ hai yếu tố chính.

Một là nhắc nhở các quan chức Triều Tiên về sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc chiếm gần 90% ngoại thương của Triều Tiên, song Bình Nhưỡng ngày càng chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Những lời chỉ trích này đã lên tới đỉnh điểm vào tháng 5/2017, khi đó hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chỉ trích rằng những kêu gọi của Trung Quốc nhằm siết chặt hơn các lệnh trừng phạt chống Bình Nhưỡng đã góp phần làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc tin rằng, việc cưỡng chế kinh tế sẽ thuyết phục được Triều Tiên giải quyết những tranh chấp với Bắc Kinh và trở thành quốc gia tin cậy đối với khách hàng Trung Quốc như kinh nghiệm lịch sử từng diễn ra.

Cụ thể, trong suốt đầu những năm 1990, liên minh Trung-Triều đã trải qua một cuộc đứt gãy lớn. Sau khi Bắc Kinh thiết lập các quan hệ ngoại giao chính thức với Hàn Quốc năm 1992, đáp lại Triều Tiên đã nỗ lực hướng về Nga. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã thất bại do khủng hoảng kinh tế ở Nga đã ngăn cản cố Tổng thống Nga lúc đó là ông Boris Yeltsin cung cấp những viện trợ kinh tế quy mô lớn cho Triều Tiên. Do đó, Bình Nhưỡng buộc phải chấp nhận thực tế quan hệ Trung – Hàn và cho tới cuối những năm 1990, Trung Quốc đã vượt qua Nga trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên.

Kinh nghiệm này cho thấy khả năng của Triều Tiên chống lại Trung Quốc là giới hạn hơn nhiều so vỡi những luận điệu của chính quyền Kim Jong-un. Do đó, Trung Quốc tin rằng việc áp đặt trừng phạt Triều Tiên sẽ thúc đẩy việc nối lại quan hệ hữu nghị Bắc Kinh-Bình Nhưỡng giống như những năm 1990 theo các điều khoản của Trung Quốc.

Mặt khác, trong chiến lược của Trung Quốc nhằm tái thiết lập quyền bá chủ đối với Triều Tiên là tăng cái giá mà Bình Nhưỡng phải trả cho hành động gây hấn vốn hủy hoại những lợi ích chiến lược của Bắc Kinh.

Mặc dù nhiều nhà phân tích phương Tây tin rằng những kêu gọi kiềm chế của Trung Quốc chủ yếu nhằm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump, song Trung Quốc cũng đã nhiều lần lên án việc Triều Tiên sẵn sàng gây bất ổn cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng những vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Tái thiết lập vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc

Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc với Triều Tiên dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầy căng thẳng song việc Bắc Kinh tuân thủ một phần cơ chế trừng phạt của LHQ không cấu thành vi phạm quan hệ Trung-Triều.

Thay vì gây sức ép buộc Triều Tiên thay đổi hành vi hiếu chiến, các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc chống Triều Tiên chủ yếu nhằm tái khẳng định sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với một chính quyền Bình Nhưỡng ngày càng khó đoán trước.

Do những lời lên án của Trung Quốc đối với hành vi hiếu chiến của Triều Tiên phần lớn bị chính quyền Kim Jong-un phớt lờ, Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng giảm leo thang căng thẳng.

Đặc biệt, để thể hiện sự phản đối của Trung Quốc trước những hành động của Bình Nhưỡng nhằm gây bất ổn cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền Kim. Việc kết hợp những trừng phạt này với đề nghị ngoại giao mở rộng hướng tới Triều Tiên thể hiện rằng Trung Quốc đang mở rộng cánh cửa cho việc tái lập quan hệ hữu nghị khả thi.

Theo các chuyên gia về tình hình Triều Tiên, mặc dù những căng thẳng trong quan hệ Trung-Triều đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, song việc Trung Quốc muốn tuân thủ một phần lệnh trừng phạt của LHQ không nên được coi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng từ bỏ liên minh với Triều Tiên.

Thay vào đó, Trung Quốc đang sử dụng chính sách ngoại giao “cưỡng chế” để khuyến khích chính quyền Kim Jong-un tuân thủ các ưu tiên chính sách của Trung Quốc và thừa nhận tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Như vậy, nếu Trung Quốc có thể giành lại đòn bẩy lịch sử của mình trước Triều Tiên bằng chiến lược ngoại giao đầy khôn khéo, liên minh Trung – Triều sẽ vẫn là một “trở lại lớn nhất” cho những nỗ lực của Mỹ trong việc cô lập hoàn toàn Bình Nhưỡng trong tương lai gần.

MỚI - NÓNG