Con sông Áp Lục, đường biên giới tự nhiên giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Ảnh: CNN
Mặt trời đang lên trên sông Áp Lục. Tiếng nhạc đỏ tuôn ra qua loa phóng thanh. Trên sông,những nhóm người huyên náo đang mải mê làm việc. Ở phía Trung Quốc, một người chào khách du lịch đang cố bán tiền của Triều Tiên cho du khách. "Giá tốt đây", cô ta rao lớn.
Đó là cuộc sống thường ngày ở Đan Đông (Dandong), một thành phố giàu có thuộc Liêu Ninh, Trung Quốc, sát biên giới với Triều Tiên. Khách du lịch thường đến đây để bán thuốc lá, đồng hồ cũ và các hàng hóa khác cho lính biên phòng của Triều Tiên. Dọc biên giới có nhiều biển cảnh cáo không được ném hàng qua hàng rào.
Khách du lịch Trung Quốc đang đổ về Đan Đông vì tò mò về cuộc sống của những người láng giềng. Một số người trả vài nhân dân tệ để thuê ống nhòm nhìn qua sông, những người khác phiêu lưu hơn thì đi tàu siêu tốc và đi thuyền ngắm cảnh trên sông. "Hãy vào sâu bên trong Triều Tiên", một công ty cho thuê thuyền của Trung Quốc quảng cáo.
Có thể người Trung Quốc thăm dò để xem sự khác biệt như thế nào. Với hàng thập kỷ tăng trưởng nóng, Trung Quốc có đời sống hiện đại như phương Tây. Trong khi Triều Tiên vẫn đóng kín và đầy bí ẩn.
Đặc quyền
Giới quan sát nhận định Đan Đông là một động mạch quan trọng của nền kinh tế dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Toàn bộ các con phố khuất nẻo của thành phố này chật ních các cửa hiệu buôn bán âm thầm, được cho là do các quan chức Triều Tiên quản lý.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên và bất chấp Bắc Kinh không hài lòng về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, mối hợp tác này vẫn tăng mạnh. Có đến 70% hàng hóa Trung Quốc với Triều Tiên đi qua Đan Đông, kể cả thương mại hợp pháp và phi pháp, theo Yonhap.
Chúng tôi gặp một người dùng tên giả là Chen, một tay buôn thường đưa hàng qua sông Áp Lục vào ban đêm, với tần suất vài lần một tháng để cung cấp hàng cho quân nhân Triều Tiên.
"Ở Trung Quốc chúng tôi không thiếu thực phẩm, chúng tôi chẳng thiếu gì cả. Mọi người có thể tự kiếm đồ ăn và quần áo, nhưng ở đó thì không, cả lính Triều Tiên cũng chẳng có gì".
Chương trình tuyên truyền của Triều Tiên vẽ lên bức tranh quân đội của họ là lực lượng tinh nhuệ, nhưng Chen nói lính ở đây thiếu thốn những lương thực cơ bản như bánh mì và gạo. Họ không có tiền vì thế họ đổi bằng đồ nhôm sắt vụn, bình lọ cũ và thậm chí là nhân sâm để lấy thực phẩm. Nhưng Chen nói anh ta không bao giờ buôn bán với thường dân Triều Tiên, vì biên phòng nước bạn không cho phép.
Các vũ công Triều Tiên biểu diễn trong một nhà hàng ở Đan Đông, Trung Quốc. Ảnh: CNN
Gián điệp
Chen cho biết Đan Đông là nơi hoạt động của gián điệp Triều Tiên. "Đừng nói điều gì nhạy cảm ở khu vực của những người Triều Tiên. Họ nói được cả tiếng Hàn và tiếng Anh đấy", anh ta thì thầm.
Bạn có thể bắt gặp những người là gián điệp ở khắp Đan Đông trong các nhà hàng Triều Tiên, ở các quán bar karaoke và các buổi trình diễn nhạc.
Chúng tôi đến một trong những địa điểm nổi tiếng dọc bờ sông. Nếu những người tị nạn cố thoát khỏi Triều Tiên, họ sẽ bị bắn, nhưng trong các nhà hàng lòe loẹt, người Triều Tiên được phép làm việc cho Trung Quốc theo giấy phép đặc biệt có thời hạn ba năm.
Họ thường là con của các cán bộ cấp trung ở Triều Tiên. Các hoạt động và thu nhập của họ bị kiểm soát chặt chẽ. Ngắm ban nhạc nữ Triều Tiên chơi phục vụ cho khách du lịch Trung Quốc đang ngồi uống bia Triều, bạn có lẽ sẽ có ý nghĩ là thành phố này hoàn toàn kỳ lạ và một chút bi kịch.
Theo Khánh Lynh