Theo Bộ Thống nhất Seoul, Bình Nhưỡng đề nghị cuộc hội đàm được tổ chức tại khu vực phía Nam biên giới thuộc làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Phía Triều Tiên sẽ cử phái đoàn 3 thành viên do ông Jon Jong-su - Phó Chủ tịch cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều dẫn đầu.
“Seoul dự kiến sẽ chấp nhận đề nghị của Bình Nhưỡng”, một quan chức Bộ Thống nhất tiết lộ.
Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày 15/1, tại khu vực phía Bắc biên giới thuộc làng đình chiến Panmunjom, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán cấp chuyên viên về việc Triều Tiên cử đoàn biểu diễn nghệ thuật tham dự Olympic PyeongChang.
Trong cuộc họp, các đại diện Seoul và Bình Nhưỡng dự kiến thảo luận về nhiều vấn đề chi tiết, bao gồm số lượng nghệ sĩ, lộ trình di chuyển, lịch biểu diễn, địa điểm biểu diễn và sân khấu dành cho đoàn nghệ thuật Triều Tiên.
Quang cảnh cuộc đàm phán cấp chuyên viên của Triều Tiên - Hàn Quốc sáng 15/1. Ảnh: Yonhap
"Chúng tôi tin tưởng rằng một bản giao hưởng tuyệt vời sẽ được đón nhận một cách nhiệt tình ở PyeongChang. Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán có thể diễn ra suôn sẻ để giúp đoàn nghệ thuật của chúng tôi hoạt động tốt ở Hàn Quốc", Ông Kwon Hyok-bong, trưởng phái đoàn Triều Tiên phát biểu bắt đầu cuộc họp.
Ông Kwon từng là người đứng đầu nhóm biểu diễn Unhasu Orchestra, hiện là Giám đốc Sở nghệ thuật Biểu diễn tại Bộ Văn hóa Triều Tiên.
Ngoài ông Kwon Hyok-bong, phái đoàn Triều Tiên còn bao gồm Hyon Song-wol, cựu thủ lĩnh ban nhạc nữ Moranbong.
Trong khi đó, vị trí trưởng phái đoàn Hàn Quốc do Vụ trưởng Vụ Chính sách Văn hóa và Nghệ thuật của Bộ Văn hóa Hàn Quốc - ông Lee Woo-sung đảm nhiệm.
Hyon Song-wol, cựu thủ lĩnh ban nhạc nữ Moranbong (giữa) tham dự cuộc đàm phán sáng 15/1. Ảnh: Yonhap
Hiện phía Hàn Quốc đang xem xét cách đưa đón và hỗ trợ phái đoàn của Triều Tiên nhằm đảm bảo không vi phạm các biện pháp trừng phạt.
Theo các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Seoul không thể trực tiếp cung cấp tiền mặt cho phái đoàn Bình Nhưỡng nếu muốn hỗ trợ chi phí ăn ở.
Việc di chuyển bằng đường biển cũng vi phạm lệnh trừng phạt đơn phương của Hàn Quốc. Vì vậy, rất có thể phái đoàn của Triều Tiên sẽ di chuyển bằng đường bộ.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể sử dụng các buổi biểu diễn âm nhạc để thay đổi định kiến của cộng đồng quốc tế về một quốc gia vốn chỉ gắn với vũ khí hạt nhân và tên lửa.
“Nếu ban nhạc Moranbong đến Hàn Quốc, và nếu các thành viên của họ mặc quân phục, trình chiếu trên sân khấu các cảnh quay ca ngợi Chủ tịch Kim Jong-un, cũng như cảnh phóng tên lửa và thử vũ khí hạt nhân thì một cuộc tranh cãi lớn có thể sẽ bùng nổ”, Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu tại Viện Sejong cho biết.
‘Để đoàn nghệ sĩ có thể thực hiện sứ mệnh hòa giải, hai bên cần thảo luận kỹ lưỡng các chi tiết, bao gồm phong cách trình diễn của các nghệ sĩ.”
Ngày 9/1, phái đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc đã có cuộc gặp chính thức cấp cao đầu tiên trong hơn 2 năm tại Nhà hòa bình, thuộc làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Trong cuộc họp, phía Triều Tiên đã nhất trí sẽ cử Ủy ban Olympic quốc gia, các vận động viên, đội cổ vũ, đội biểu diễn nghệ thuật, cổ động viên, một đội trình diễn Taekwondo và phóng viên đến PyeongChang (Hàn Quốc) dự Thế vận hội Mùa đông Olympic. Hai bên cũng đồng ý nối lại đường dây liên lạc quân sự, và sẽ tổ chức đàm phán để giải quyết các vấn đề xung đột.