Chiến thắng Syria rộng đường cho ông Putin trước mùa bầu cử

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo cuối năm ngày 14/12. Ảnh: TASS
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo cuối năm ngày 14/12. Ảnh: TASS
TP - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua nói rằng, ông muốn thấy có sự cạnh tranh lớn hơn trong chính trị Nga nhưng việc của ông không phải là tạo ra sự đối lập ở đất nước mà ông đã lãnh đạo 18 năm qua và khả năng cao là còn dài hơn nữa. Chiến thắng của ông được coi là điều chắc chắn, nhất là sau chiến thắng ở Syria.

Phát biểu trước hơn 1.000 nhà báo tập trung kín một trung tâm hội nghị ở Mátxcơva, Tổng thống Nga nói rằng ông sẽ vận động tranh cử với các vấn đề trọng tâm là cải thiện nền kinh tế Nga và ông sẽ ứng cử độc lập với đảng Nước Nga thống nhất mà ông đã lập nên.

“Điều đơn giản nhất tôi có thể nói là việc của tôi không phải khuyến khích những người đối lập, dù tôi nên nói rằng tôi nghĩ trong bầu không khí chính trị cũng như kinh tế của chúng ta cần phải có tính cạnh tranh”, ông Putin nói.

Tuần trước, ông Putin thông báo sẽ chạy đua thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau. Một cuộc thăm dò do Trung tâm Levada thực hiện cho kết quả 61% người Nga dự kiến bỏ phiếu cho ông Putin, tăng so với tỷ lệ 54% trong cuộc thăm dò tương tự được tiến hành vào cuối tháng 11 vừa qua.

Chiến thắng của ông Putin trong cuộc bầu cử năm 2018 dường như đã là điều chắc chắn, giới quan sát nhận định.

Các đối thủ truyền thống từng cạnh tranh với ông kể từ năm 2000 như nhà lãnh đạo cộng sản Gennady Zyuganov và chính trị gia theo đường lối dân tộc kỳ dị Vladimir Zhirinovsky đều bị đánh giá là chỉ làm nền để ông Putin đắc cử tiếp.

Họ thuộc một nhóm ít đảng chính trị đối lập có hiện diện trong Duma (Hạ viện) Nga và hiếm khi nói tiếng nói đối lập. Những đối thủ thực sự của ông Putin đều đã bị loại khỏi cuộc chơi.

Ông Alexey Navalny, người từng đứng lên tổ chức những buổi tập hợp lớn nhất chống lại Kremlin trong lịch sử hậu Xô viết, đã bị cấm tranh cử vì vướng án tù treo.

Ngay cả những nhân vật không quá nổi bật như Tatyana Sukhareva, một nhân vật đồng tính cực đoan với phong trào chỉ giới hạn trong một vài video trên YouTube, cũng đã vướng tội gian lận và đang đợi xét xử.

Cô Ksenia Sobchak, một nhà báo được mệnh danh là “Paris Hilton của Nga” và là con gái cố thị trưởng St Peterburg Anatoly Sobchak, sẽ ứng cử. Nhưng có thông tin nói rằng vai trò của cô này chỉ là để gây chia rẽ trong nhóm đối lập.

Syria - nhân tố thay đổi cuộc chơi

Trong chuyến thăm bất ngờ đến căn cứ không quân Khmeimim ở miền Tây Syria gần đây, Tổng thống Putin ra lệnh rút hết quân sĩ Nga và nói rằng “họ đang trở về nhà trong chiến thắng”.

Họ không chỉ cứu vãn chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào thời điểm sắp sụp đổ khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích vào tháng 9/2015 mà còn đánh bại cả những kẻ thù nguy hiểm của Nga, ông Putin nói.

“Bằng việc giúp người Syria bảo vệ đất nước họ, đẩy lùi các cuộc tấn công của khủng bố, các bạn đã đánh một đòn chí mạng, dẫn đến thất bại cho những kẻ đã trực tiếp đe doạ đất nước chúng ta một cách trực tiếp, hung hãn và trắng trợn”, ông Putin nói trong bài phát biểu được phát rộng rãi trên truyền hình Nga.

Đối với nhiều người, bài phát biểu này có vẻ là bước khởi đầu quá tốt cho một chiến dịch tranh cử mới. 6 ngày trước bài phát biểu ở Syria, ông Putin tuyên bố sẽ tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Chiến thắng của Mátxcơva ở Syria được đánh giá là công cụ mạnh mẽ nhất để tác động đến cử tri, trong bối cảnh nền kinh tế Nga vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Sau sự kiện Crimea, vụ máy bay chở khách Malaysia bị rơi ở Donetsk khiến 298 người thiệt mạng, Nga trở thành kẻ thù của phương Tây. Ông Putin cần một chiến thắng quốc tế mới để gạt bỏ những nỗ lực cô lập ông, và tình hình chiến sự Syria là một cơ hội, giới phân tích nhận định.

Sự tham gia của Nga vào cuộc chiến Syria là nhân tố thay đổi cuộc chơi bất ngờ. Nó đảo ngược tình hình xung đột và giúp nhà lãnh đạo Assad duy trì quyền lực, cũng như đặt chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và tình thế khó xử khi cùng chia sẻ mục tiêu của Điện Kremlin là đánh bại lực lượng IS ở Iraq và al-Qaeda nhưng không muốn giữ lại ông Assad.

Sau cuộc chiến thảm khốc kéo dài cả thập kỷ tại Afghanistan đến tận năm 1989, chiến dịch ở Syria là hoạt động quân sự lớn đầu tiên của Nga bên ngoài khu vực thuộc Liên Xô cũ.

Nga cũng đã tránh được việc để chiến dịch ở Syria trở thành vũng lầy như trong chiến tranh Afghanistan, nơi ít nhất 15.000 lính Liên Xô thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và chấn thương tâm lý.

Theo Theo Washington Post, Al – Jazeera
MỚI - NÓNG