Thế giới mộng ảo của Mai Đại Lưu

TP - Tranh của Mai Đại Lưu phảng phất nét ngây thơ của một đứa trẻ, sự hồn nhiên trong trẻo thể hiện qua cách sử dụng màu sắc lẫn bố cục, để từ đó vẽ lên thế giới mộng ảo của riêng anh, mà ở đó con người hòa với thiên nhiên, những khuôn mặt phi giới tính và phi tuổi tác.

Khi con người và thiên nhiên hòa làm một

“Vườn mộng ảo” là triển lãm cá nhân lần thứ 4 của họa sĩ Mai Đại Lưu. Triển lãm giới thiệu tới công chúng 15 tác phẩm tranh sơn dầu, được anh vẽ trong 2 năm gần đây, khắc họa tình yêu giữa người với người và con người với thiên nhiên trong thế giới mộng tưởng nhiều tầng không gian của tác giả.

Thế giới mộng ảo của Mai Đại Lưu ảnh 1

Người xem bị cuốn hút bởi những tác phẩm khổ lớn tại triển lãm “Vườn mộng ảo”

Tốt nghiệp ngành Sư phạm mỹ thuật của trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam nhưng Mai Đại Lưu lại chọn con đường trở thành một nghệ sĩ thay vì làm thầy giáo. Những tác phẩm của anh, cũng vì thế, không bị chi phối bởi học thuật của hội họa mà được giải phóng hơn, tự do hơn. Từ triển lãm cá nhân đầu tiên “Bay trên bầu trời” năm 2017, hay “Tôi Là Mai Đại Lưu” năm 2020 và năm 2022 là “Trong rừng sâu”, đến nay ở triển lãm “Vườn mộng ảo”có thể thấy sự trưởng thành về tư duy tạo hình, tổng thể màu sắc, cách xử lý bề mặt và chiều sâu trong nội dung của Mai Đại Lưu.

Triển lãm “Vườn mộng ảo” kéo dài đến hết ngày 17/04/2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam- 66 Nguyễn Thái Học, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội.

Mai Đại Lưu thường vẽ nhiều đề tài khác nhau, nhưng phần lớn đề cập đến những vấn đề lớn của con người, như chủng tộc, tôn giáo, hòa bình, trẻ em… được vẽ theo phong cách tân biểu hiện. Con người trong tranh của Lưu thường là những cơ thể trần trụi, với đôi tai dài hoặc đôi cánh rộng như hình dạng nửa thú nửa người. Những gương mặt không từ một nguyên mẫu cụ thể nào, mà phi giới tính, phi tuổi tác. Những bông hoa được phóng to hơn hoa thật rất nhiều lần, ám ảnh người xem với những vòng tròn luân hồi khao khát tái sinh.

Nếu như ở triển lãm “Trong rừng sâu” trước đó, Mai Đại Lưu dùng tông màu trầm như đen, xanh, ghi nhưng sang đến “Vườn mộng ảo” lần này, anh chọn gam màu nóng với vàng, đỏ, xanh xuyên suốt các tác phẩm. Màu sắc rực rỡ nhưng hài hòa, trong tranh anh cũng có sự giao thoa giữa đạo Phật và đạo Thiên chúa, với màu vàng chủ đạo của Phật giáo và hình ảnh vườn địa đàng của Thiên chúa giáo.

Thế giới mộng ảo của Mai Đại Lưu ảnh 2

Họa sĩ Mai Đại Lưu bên tác phẩm của mình

Trải qua các giai đoạn vẽ theo lối hiện thực, siêu thực, giờ đây Mai Đại Lưu không muốn nhìn thế giới trong trật tự thông thường và yên tĩnh đó nữa. Anh để tất cả lộn nhào, để những hình hài méo mó, những gương mặt kỳ dị phô trên mặt toan. “Trong hành trình nghệ thuật, tôi không xác định sẽ theo một trường phái nào, tôi chỉ tìm đến cái gần nhất với mình, biểu đạt được điều mình nói một cách nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở, như dòng nước chảy”, anh chia sẻ thêm.

Xúc cảm tràn trên toan

Những bức tranh của Mai Đại Lưu được sắp đặt san sát nhau thành một dải dày đặc, liên tiếp như một câu chuyện nối dài vô tận. Có những tác phẩm lớn với kích thước dài hơn 8m chiều ngang, rộng hơn 3m; nhỏ nhất cũng phải 3-4m… Người xem xuýt xoa trước những bức tranh to của Mai Đại Lưu nhưng ít ai biết làm tranh khổ lớn không hề đơn giản. Đằng sau nó, họa sĩ phải tiêu tốn nhiều năng lượng, thời gian và vật liệu màu. Trong đó, thách thức lớn nhất là đòi hỏi khả năng bao quát và duy trì cảm xúc tốt của họa sĩ. “Có những bức tôi vẽ kéo dài hàng năm trời, nhiều lúc thấy không ổn, tôi sẽ dừng lại, có khi 3 tháng sau mới vẽ tiếp. Và cái khó là phải giữ được cảm xúc sao cho từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc không bị chênh nhau”, anh cho biết. Mai Đại Lưu cũng có thói quen trước khi vẽ sẽ không phác thảo hay lên kế hoạch cho tác phẩm. Với anh, nghệ thuật là phải đi ra khỏi con người nghệ sĩ một cách tự nhiên. Ngay khi đầu cọ va chạm với mặt toan, tiềm thức sẽ tự dẫn lối. Đôi khi Lưu đưa cả chữ vào tranh, có khi là tiếng Anh, có khi là tiếng Việt, để phần nào truyền tải thêm thông điệp của bức tranh.

Tranh to vốn kén khách bởi đòi hỏi một không gian đủ rộng lớn để bày tranh. Tôi trêu: “Chắc anh vẽ không phải để bán”. Mai Đại Lưu gãi đầu: “Có lẽ thế, bởi sau 7 năm thực hành nghệ thuật, cái được lớn nhất là kho tranh của tôi ngày càng nhiều lên”. Nghe đâu mỗi triển lãm trước, Lưu bán được 1-2 bức, chỉ bù đắp được chi phí thuê nhà xưởng và họa phẩm. Thế mà bao năm vẫn “lì”, vẫn một mực vẽ tranh to.

“Thật ra nghệ thuật không nằm ở chất liệu, kích thước to hay nhỏ. Mà quan trọng là vẽ gì lên đó. Tôi từng vẽ tranh nhỏ nhưng rồi phải bỏ đi, làm lại với kích thước lớn bởi cảm thấy tranh nhỏ không giải quyết được vấn đề mà tôi mong muốn, cũng không thể chuyển tải được cảm xúc, câu chuyện của tôi tới người xem”, họa sĩ sinh năm 1983 giãi bày. Có lẽ từ đầu Mai Đại Lưu đã xác định con đường mình đi không phải là vẽ để bán tranh. Dòng tranh anh theo đuổi hơi khó tiếp cận và cần thời gian nhất định để hiểu và cảm được nó. Mỗi triển lãm sẽ đánh dấu khép lại cái cũ và mở ra hành trình thực hành mới, một cuộc chơi mới với màu sắc, tạo hình.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, ban đầu, Lưu theo học ngành cơ khí chế tạo, nhưng được một thời gian, anh nhận thấy đó không phải là cuộc sống của mình. Rồi anh từ bỏ tất cả để đến với hội họa. Có dạo để kiếm tiền nuôi đam mê hội họa, Lưu làm đủ thứ nghề, từ cơ khí đến vẽ quảng cáo, đi dạy thêm, vẽ tranh tường... rồi lại dành tất cả cho xưởng vẽ hơn 100m vuông, nơi ngày ngày anh leo lên trèo xuống giàn giáo, đối diện với mặt toan mênh mông, vừa giữ thăng bằng vừa vẽ, thỉnh thoảng ngửa ra để vẩy sơn hoặc vung tay “chém” những những nhát bay mạnh mẽ để xử lý bề mặt… Đó là những phút giây thăng hoa với Mai Đại Lưu, khi được vận động cùng những bức tranh và sống trọn cảm xúc với hội họa.