Ngày 12/10, Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ chính thức rút khỏi UNESCO bắt đầu từ năm 2019. Quyết định này đã gây ra sự phản ứng mạnh từ các nước và cơ quan quốc tế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ song cam kết sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump "trong một loạt vấn đề thông qua các tổ chức quốc tế".
Trong khi đó, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đặc biệt lấy làm tiếc trước quyết định của Washington. Theo bà Irina Bokova sự rút đi của Mỹ là một "tổn thất đối với Mỹ", "tổn thất đối với gia đình Liên hợp quốc" và "tổn thất đối với sự hợp tác đa phương".
Đặc biệt, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng của tổ chức này. Tuyên bố của bộ trên còn nêu rõ Moscow chia sẻ quan ngại chung với nhiều nước rằng hoạt động của UNESCO đang có dấu hiệu bị chính trị hóa trong thời gian gần đây, đồng thời bày tỏ hy vọng giám đốc mới của cơ quan này sẽ tập trung vào các vấn đề nhân đạo, tạo điều kiện để các nước tiếp tục hợp tác có lợi trong các lĩnh vực thuộc phạm vi của UNESCO.
Đại diện thường trực của Nga tại UNESCO Alexander Kuznetsov nhấn mạnh: Quyết định của Mỹ rút khỏi UNESCO là một sự thật đáng tiếc. Nó cho thấy Mỹ bỏ qua các nguyên tắc của Liên Hợp quốc và hợp tác quốc tế đa phương.
"Tôi nghĩ rằng việc Mỹ ra khỏi UNESCO thật là đáng tiếc vì UNESCO là một tổ chức phổ quát nhất trong cấu trúc Liên Hợp quốc. Lý do khác vì tôi coi hành động này đáng tiếc vì Mỹ là một quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và họ phải chịu trách nhiệm đặc biệt trong vai trò này", nhà ngoại giao Nga nói.
"Việc Mỹ rút khỏi USNESCO trong lúc tổ chức gặp khó khăn cho thấy họ bỏ qua các nguyên tắc của Liên Hợp quốc và hợp tác quốc tế đa phương", ông Kuznetsov nhấn mạnh.
"Tôi tin rằng tổ chức sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Vào năm 1984 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan Mỹ đã ra khỏi tổ chức này rồi, tuy nhiên, UNESCO vẫn tiếp tục làm việc thành công", ông Kuznetsov nhớ lại.
Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định của mình, khẳng định UNESCO thúc đẩy và tôn vinh các giá trị có ý nghĩa với nước Mỹ và sự tham gia của Washington trong tổ chức này là quan trọng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng UNESCO cần một sáng kiến mới có thể kết nối với tất cả các nước thành viên, qua đó khôi phục lại niềm tin, vượt qua chia rẽ chính trị và tập trung vào các nhiệm vụ chủ chốt của cơ quan này.
Ohát biểu về động thái mới nhất của Mỹ, bà Heather Nauert, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Quyết định này không thể bị xem nhẹ. Nó phản ánh mối quan ngại của Mỹ về những công việc chồng chất tại UNESCO, về sự cần thiết phải cải cách căn bản tổ chức này và về việc tổ chức này duy trì thành kiến chống lại Israel”.
Các hãng tin tức thế giới cũng có những phản ứng khác nhau. Theo Reuters, việc Mỹ rút khỏi UNESCO được coi là một cú sốc lớn đối với tổ chức này. Còn theo The Guardian, quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ còn có thể xuất phát từ mong muốn cắt giảm ngân sách của chính quyền Tổng thống Trump.
Chắc chắn trong những ngày tới sẽ còn nhiều cá nhân, tổ chức và quốc gia trên thế giới lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về quyết định này của Mỹ.
Quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ là một cú sốc lớn đối với cộng đồng quốc tế, đồng thời nó cũng phơi bày những tính toán thực dụng của Mỹ khi không thể đạt được những "mong muốn" của Mỹ từ tổ chức này.