THẾ GIỚI 24H: Ukraine áp lệnh cấm vận Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin
TPO - Chủ tịch Quốc hội Ukraine Volodymyr Groysman đã ký nghị quyết Quốc hội về thiết lập lệnh cấm vận đối với nhiều quan chức Liên bang Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin. Các biện pháp trừng phạt cụ thể chưa được công bố.

Ngoài Tổng thống Putin, trong danh sách cấm vận còn có Giám đốc Tổng cục An ninh Alexander Bortnikov, Phó Chánh Văn phòng tổng thống VyacheslavVolodin, Chủ tịch Ủy ban Điều tra Liên bang Alexander Bastrykin, người phát ngôn của Ủy ban Điều tra Vladimir Markin, Cố vấn tổng thống Vladislav Surkov, trưởng phái đoàn Nga tại Hội đồng nghị viện Ủy ban châu Âu Alexey Puchkov và Chủ tịch Duma quốc gia Sergey Naryshkin. Tuần trước, Quốc hội đã đề nghị Hội đồng An ninh và Quốc phòng tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo Nga vì liên quan đến vụ nữ công dân Ukraine Nadiya Savchenko bị giam ở Nga.


Liên minh châu Âu sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt Nga trong tháng 7 và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên tình hình Ukraine. Thông điệp trên được Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz và Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo tại một cuộc họp báo chung diễn ra ở Warsaw ngày 27/4. "Ở giai đoạn hiện nay, các biện pháp trừng phạt cần được duy trì. Việc thực hiện thỏa thuận Minsk sẽ xác định có nên mở rộng hay duy trì ở mức độ cũ”, bà Kopacz nói. "Các quyết định sẽ được thông qua sau sự phân tích kỹ lưỡng tình hình Ukraine", theo Sputnik.


Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/4 nói rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến Nga thiệt hại 160 tỷ USD, tuy nhiên các doanh nghiệp nước này đã thành công trong việc trả nợ nước ngoài. Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban lập pháp ở St. Petersburg, ông Putin nói: "Rõ ràng, ai đó đã tính tới một sự đổ vỡ nào đó nhưng chẳng có sự đổ vỡ nào xảy ra. Kinh tế Nga đã vượt qua tương đối dễ dàng các rào cản này”. Tổng thống Nga cho biết thêm các doanh nghiệp nước này đã dễ dàng thanh toán tất cả các khoản tín dụng của mình - năm 2014 là 130 tỷ USD, và thanh toán phần đáng kể số nợ 60 tỷ USD của năm 2015 vào quí I/2015. Ông khẳng định: "Giai đoạn trả nợ đỉnh điểm đã qua."


Liên minh châu  Âu (EU) không cho rằng, việc Nga quyết định dỡ bỏ cấm vận bán hệ thống phòng không S-300 cho Iran sẽ ảnh hưởng đến quá trình đàm phán giữa Tehran và Nhóm P5+1, bà Catherine Ray, phát ngôn viên người phụ trách chính sách ngoại giao EU Federica Mogherini, nói. "Chúng tôi quan tâm tới quyết định của Nga. Chúng tôi không cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm phán đang diễn ra. Đại diện các bên liên quan sẽ họp trong tuần này tại New York để thảo luận cách thức đạt thỏa thuận trước ngày 30/6”, bà Catherine Ray khẳng định.


Ngày 27/4, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí nỗ lực nối lại cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vốn bị đình hoãn lâu nay. Một quan chức giấu tên của Chính phủ Hàn Quốc cho biết trong cuộc gặp tại Bộ Ngoại giao nước này, Vụ trưởng Kim Gunn phụ trách các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thuộc bộ trên và Đặc phái viên Mỹ về đàm phán sáu bên Sydney Seiler đã thảo luận sâu về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong đó có cả việc phối hợp các chính sách của họ đối với đất nước này. Cuộc gặp trên diễn ra chỉ ba ngày sau khi Seoul và Washington kết thúc cuộc tập trận thường niên mà Bình Nhưỡng gọi là cuộc tổng duyệt cho cuộc chiến tranh hạt nhân.


Chủ tịch EC Donald Tusk ngày 27/4 cho biết EU không thảo luận về khả năng đưa phái bộ quân sự đến Ukraine. Tuyên bố của ông Tusk được đưa ra trong buổi họp báo sau thượng đỉnh EU– Ukraine vừa kết thúc tại Kiev. Theo đó, đề xuất duy nhất trong chương trình nghị sự lần này vẫn chỉ là tăng cường phái bộ dân sự đến Ukraine. Ngoài ra, lãnh đạo EU và Ukraine cũng tiếp tục thảo luận cải cách kinh tế và chính trị cũng như các khoản viện trợ nhằm tránh cho Kiev khỏi vỡ nợ.


Ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chấp nhận đề nghị từ chức của Thủ tướng Lee Wan-koo sau khi có những lời cáo buộc ông dính líu đến vụ bê bối tham nhũng đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Hàn Quốc. Hãng tin Yonhap dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Min Kyung-wook phát biểu tại một cuộc họp báo xác nhận "Tổng thống Park Geun-hye đã chính thức chấp nhận để Thủ tướng Lee Wan-koo từ chức". Phó Thủ tướng Choi Kyoung-hwan sẽ tạm thời thay thế ông Lee Wan-koo điều hành chính phủ cho đến khi tìm được thủ tướng mới. Ông Lee Wan-koo đã đề nghị từ chức hồi tuần trước trong bối cảnh nhiều người nghi ngờ rằng ông đã nhận 30 triệu won (28.000 USD) từ ông Sung Wan-jong, cựu Chủ tịch tập đoàn Kaengnam Enterprises, khi vận động tranh cử vào Quốc hội năm 2013.


Ủy ban Bầu cử Trung ương Kazakhstan ngày 27/4 thông báo, đương kim Tổng thống Nursultan Nazarbayev đã giành chiến thắng với 97,7% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Kazakhstan diễn ra hôm 26/4. Theo nhận định của giới quan sát, kết quả này không có gì bất ngờ. Ủy ban bầu cử thông báo số cử tri đi bỏ phiếu đã đạt mức kỷ lục 95,11%. Trong tuyên bố của mình, ông Nazarbayev cho biết sẽ nỗ lực xây dựng một đất nước giàu mạnh và thịnh vượng cho người dân gồm các tộc người Kazakhstan, Nga, Ukraine, người Đức thiểu số và người Tatars. Điều này dọn đường cho nhiều cải cách dân chủ.


Đài phát thanh Iran ngày 27/4 đưa tin, thủ lĩnh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi đã chết. Trước đó, tờ Guardain dẫn nguồn tin thân cận với IS cho biết, thủ lĩnh al-Baghdadi đã bị thương nặng trong một cuộc không kích ở huyện al-Baaj (tỉnh Nineveh) do liên minh quốc tế thực hiện hồi tháng 3. Một số tờ báo đưa tin, vết thương đó có nguy cơ đe dọa tính mạng của thủ lĩnh al-Baghdadi. Thậm chí, các thành viên cao cấp IS còn bàn luận để tìm người tiếp quản vị trí của người thủ lĩnh này. Chính quyền Mỹ đang treo giải thưởng lên tới 10 triệu USD để lấy đầu của thủ lĩnh al-Baghdadi. Kể từ khi lên lãnh đạo IS vào năm 2010, tên al-Baghdadi đã biến một nhóm Hồi giáo có quy mô nhỏ bé trở thành lực lượng hùng mạnh độc lập.


Con số thống kê mới nhất do Bộ Nội vụ Nepal công bố chiều 27/4 cho biết ít nhất 3.726 người đã thiệt mạng trong vụ động đất xảy ra hôm 25/4, trong đó riêng tại thung lũng Kathmandu là 1.302 người, và 6.515 người bị thương. Trong một tuyên bố, UNICEF cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh tật khi hàng nghìn trẻ em đang phải sống tạm trong những khu đất trống ở thủ đô Kathmandu sau khi nhiều nhà cửa bị phá hủy trong trận động đất. Tổ chức này nêu rõ do khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh hạn chế, trẻ em ở Nepal đang có nguy cơ cao bị lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, trong khi rất nhiều trẻ em rơi vào cảnh mồ côi, không có gia đình.

MỚI - NÓNG