Theo SCMP, Nhà Trắng đã cáo buộc Bắc Kinh vi phạm cam kết và gây ra rủi ro an ninh cho cộng đồng người Mỹ. Cụ thể, nhiều công dân Trung Quốc phạm tội ở Mỹ, sau khi thụ án tù và bị ra lệnh trục xuất nhưng Đại sứ quán Trung Quốc không chịu hợp tác để hồi hương công dân mình. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc hiện không có nhiều động lực để hợp tác với Mỹ, đặc biệt là khi hai bên xảy ra chiến tranh thương mại và Washington cáo buộc Bắc Kinh khiến đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu.
Ngày 26/6, Alexandru Hanga, 28 tuổi, đã nhận tội vi phạm các quy định về nhập cư liên quan đến cái chết của 39 người Việt Nam trong xe container ở Anh, vụ việc mà cảnh sát mô tả là một thảm kịch buôn người không thể chối cãi. Tên Hanga, sống ở thị trấn Tilbury, thuộc England, đã nhận tội thông đồng hỗ trợ hoạt động nhập cư trái phép. Đối tượng này đã xuất hiện thông qua đường link video tại Tòa án Hình sự Trung tâm Lodon và sẽ bị kết án vào một thời điểm sau đó.
Ngày 26/6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bác bỏ kiến nghị trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) Tập đoàn Viễn thông Huawei (Trung Quốc) để đổi lấy tự do cho 2 công dân Canada đang bị giam giữ tại Trung Quốc. Trước đó, một nhóm gồm 19 nhân vật có ảnh hưởng trong chính giới Canada, trong đó có một số cựu bộ trưởng và nhân viên ngoại giao, đã gửi thư tới Thủ tướng Trudeau đề nghị Ottawa dừng tiến trình xét xử dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, tạo điều kiện để Trung Quốc thả 2 công dân Canada, gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor bị giam giữ tại Trung Quốc trong 18 tháng qua.
Hãng BBC ngày 26/6 đưa tin, 3 người bị cho là đã tử vong trong vụ đâm dao xảy ra ở Glasgow, thành phố lớn nhất vùng Scotland. Trước đó, cảnh sát Scotland thông báo một sĩ quan cảnh sát đã bị tấn công trong vụ đâm dao xảy ra trên phố West George ở trung tâm thành phố Glasgow. Con phố này lập tức bị phong tỏa trong khi người dân được khuyến cáo tránh xa khu vực. Trước đó, lực lượng cảnh sát London đã bị tấn công khi tìm cách giải tán đám đông tụ tập tổ chức tiệc tùng trên đường phố trái phép khiến 22 nhân viên cảnh sát bị thương.
Ngày 26/6, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tính lịch sử, theo đó thủ đô Washington được đề xuất là bang thứ 51 của Mỹ. Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật với 232 phiếu thuận và 180 phiếu chống đánh dấu một bước ngoặt mang tính lịch sử, theo đó Quận Columbia (Washington D.C.) sẽ có đại diện tại cả hai viện của Quốc hội Mỹ. Theo dự luật này, thủ đô Washington sẽ có một đại diện có quyền bỏ phiếu tại Hạ viện và hai đại diện bỏ phiếu tại Thượng viện.
Văn phòng Chính sách Kiểm soát Ma túy Quốc gia (ONDCP) của Nhà Trắng cảnh báo Washington có thể từ chối tài trợ cho Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA), nếu tổ chức này không thực hiện cải cách mô hình quản trị. Trong báo cáo dài 19 trang vừa được công bố, ONDCP nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng WADA thành một tổ chức đứng ngoài các xung đột lợi ích, có nhiệm vụ bảo vệ các vận động viên một cách trung thực, hiệu quả và chống lại tình trạng sử dụng doping có hệ thống.
Theo các nguồn tin địa phương, Ấn Độ đã triển khai hơn 36.000 binh lính tới địa bàn biên giới chạy dọc theo dãy Himalaya tiếp giáp với Trung Quốc. Binh lính và vũ khí được New Delhi tăng cường triển khai tới đây sau khi xuất hiện nhiều thông tin cho thấy Trung Quốc đã điều động một lực lượng lớn tới khu vực cách sân bay quân sự Daulat Beg Oldie (DBO) của Ấn Độ khoảng 30 km về phía Đông Nam.
Quan chức WHO cảnh báo rằng, hàng triệu người có thể chết nếu thế giới chứng kiến đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 2. "Chúng tôi so sánh với dịch cúm Tây Ban Nha, mọi thứ rất giống với dịch COVID. Nó có chiều hướng đi xuống vào muà hè nhưng trở lại dữ dội vào tháng 9 và tháng 10, gây ra cái chết của 50 triệu người trong đợt bùng phát thứ 2", Phó Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Ranieri Guerra cho hay. "Đại dịch COVID-19 đang diễn ra giống với các giả thiết mà chúng tôi đưa ra”, ông Guerra nói thêm.
Theo trang worldometers.info, tính đến 6h sáng 27/6 (theo giờ Việt Nam), thế giới có 9.882.684 ca nhiễm COVID-19, trong đó 495.605 ca tử vong và 5.343.772 ca phục hồi. Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu về số ca nhiễm, tiếp theo đó là Brazil, Nga, Ấn Độ và Anh.
Các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ về việc liệu có tiếp tục cấm du khách đến từ các nước đang chống chọi với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hay không trong bối cảnh EU dự định mở lại các đường biên giới châu Âu từ ngày 1/7. Theo người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha Maria Jesus Montero, các nước thành viên EU cần đạt một thỏa thuận về vấn đề này để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Bà kêu gọi các nước nhanh chóng đạt được thỏa thuận về vấn đề này trước ngày 1/7.
Ngày 26/6, Liên minh Chống bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu, cho biết liên minh này cần tới 31,3 tỷ USD trong vòng 12 tháng tới để phát triển và tiến hành các thử nghiệm, điều trị cũng như vắcxin phòng chống COVID-19. Đối tượng chính được thụ hưởng là các nước thu nhập thấp và trung bình trên toàn cầu. Theo liên minh trên, tổ chức này đã nhận được 3,4 tỷ USD và còn thiếu 27,9 tỷ USD nữa, trong đó hơn 13 tỷ USD cần phải có gấp. Trong một tuyên bố, liên minh cho biết sáng kiến của WHO là tăng quy mô xét nghiệm lên 500 triệu ca và 245 triệu đợt điều trị tại các nước có thu nhập thấp và trung bình vào giữa năm 2021 và nâng số liều vắcxin lên 2 tỷ, trong đó 1 tỷ liều được dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.