THẾ GIỚI 24H: Triều Tiên phóng vật thể chưa xác định ra vùng biển phía Đông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc ngày 27/2 cho biết Triều Tiên đã bắn một vật thể "không xác định" về phía đông.

Cùng ngày, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng báo cáo Triều Tiên dường như đã phóng tên lửa đạn đạo, Reuters đưa tin. Vụ phóng thử ngày 27/2 diễn ra chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng ở Hàn Quốc vào ngày 9/3.Nhiều nhà lãnh đạo lo ngại rằng Triều Tiên có thể thúc đẩy việc phát triển tên lửa trong khi sự chú ý của quốc tế đang tập trung vào cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.


Hải quân Pháp vừa bắt giữ một tàu chở hàng của Nga tại eo biển Manche theo lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU), BBC đưa tin ngày 26/2. Hải quân Pháp đã chặn tàu chở hàng Nga đang trên đường tới thành phố St Petersburg của Nga. Các quan chức Pháp nói với BBC rằng, tàu đã bị chặn theo lệnh trừng phạt mới của EU và đã được chuyển hướng đến cảng Boulogne-Sur-Mer của Pháp. (XEM CHI TIẾT…)


Nga lên tiếng về vụ tên lửa bắn trúng chung cư ở Kiev. Truyền thông phương Tây lan truyền video tên lửa Nga bắn trúng toà chung cư cao tầng ở Kiev trong khi Moskva cho rằng đây là thông tin sai, sự thật là toà nhà trúng tên lửa phòng không Buk-M1 của Ukraine. Theo TASS, sau khi mất kiểm soát các đường băng tại căn cứ không quân Gostomel, quân đội Ukraine đã di dời 3 bệ phóng tên lửa Buk-M1 để củng cố khả năng phòng thủ cho sân bay Zhulyany. "Tên lửa Buk-M1 bị hỏng, nhiều khả năng là do không được bảo dưỡng thường xuyên thích hợp và sự xuống cấp khách quan của các thiết bị từ thời Liên Xô vẫn phục vụ trong Lực lượng vũ trang Ukraine".


Chuyến tàu đầu tiên đưa người tị nạn Ukraine đến Cộng hòa Séc. Chuyến tàu đầu tiên trong số 2 chuyến mà Công ty Đường sắt Séc điều động đến Přemyšl gần biên giới Ba Lan-Ukraine để chở người tị nạn Ukraine đã đến Cộng hòa Séc. Dự kiến chuyến còn lại sẽ quay trở lại Cộng hòa Séc trong ngày 27/2 (theo giờ địa phương).Theo báo cáo, hiện đã có hơn 120.000 người đã rời khỏi Ukraine do cuộc tấn công của Nga vào nước này.


Đức và cùng nhiều nước EU đóng không phận với Nga. Truyền thông Đức đưa tin chính phủ nước này thông báo sẽ đóng không phận với máy bay dân sự Nga, trong bối cảnh các quốc gia vùng Baltic cùng một số nước khác cũng đã có động thái tương tự. Các quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva cũng sẽ đóng không phận với máy bay Nga. Lệnh cấm sẽ được áp dụng đồng thời và vô thời hạn với những máy bay được vận hành bởi các hãng hàng không có giấy phép do Nga cấp, ngoại trừ các chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp hoặc chuyến bay nhân đạo. Trước đó, Ba Lan, CH Séc và Bulgaria cũng đã đóng không phận với máy bay Nga.


Một vụ nổ rất lớn đã thắp sáng bầu trời đêm ở phía tây nam của thủ đô Kyiv, Ukraine vào sáng sớm 27/2. Vụ nổ dường như cách trung tâm thủ đô Ukraine 20 km. Theo phóng viên CNN, bầu trời đêm Kyiv đã bừng sáng trong vài phút. Kyiv cũng ghi nhận vụ nổ thứ hai làm rung chuyển cả thủ đô ngay trước 1h (theo giờ địa phương). Vụ nổ thứ hai cũng đến từ phía tây nam của thành phố, theo hướng sân bay lớn thứ hai tại đây.


Đức và Hà Lan cung cấp vũ khí chống tăng, tên lửa cho Ukraine. Đức ngày 26/2 cho biết sẽ cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger từ kho dự trữ của nước này cho Ukraine. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết họ đang chuyển tên lửa và súng trường để hỗ trợ lực lượng vũ trang Ukraine. Trong một bức thư gửi Quốc hội Hà Lan, Bộ này cho biết họ đã nhận được "yêu cầu bổ sung về thiết bị quân sự cho Ukraine" và sẽ cung cấp 200 tên lửa phòng không Stinger sớm nhất có thể cho Kiev.


Mỹ cung cấp khoản viện trợ trị giá 350 triệu USD bổ sung trang thiết bị quân sự cho Ukraine trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, ông Blinken không nêu cụ thể các trang thiết bị viện trợ. Như vậy, tổng viện trợ an ninh mà Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraine trong năm qua đã vượt 1 tỷ USD. Bộ Quốc phòng Séc cũng thông báo viện trợ vũ khí trị giá 7,6 triệu euro (8,6 triệu USD) cho Ukraine.


Điện Kremlin ngày 26/2 cho biết Kiev đã từ chối đàm phán với Moskva, khiến các lực lượng của Nga phải nối lại chiến dịch quân sự tại Ukraine. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nêu rõ: "Phía Ukraine đã từ chối đàm phán. Chiều nay (26/2) các lực lượng Nga đã nối lại chiến dịch." Trước đó, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/2 đã ra lệnh tạm ngừng các chiến dịch quân sự để mở đường cho các cuộc cuộc đàm phán đã lên kế hoạch trước đó với Ukraine và sẵn sàng cử một phái đoàn đến Belarus để đàm phán.


Ukraine lên tiếng về việc từ chối đàm phán với Nga. Theo hãng tin Reuters, Ukraine ngày 26/2 đã phủ nhận các thông tin cho rằng họ từ chối đàm phán ngừng bắn với Nga, nhưng cho biết Kiev cũng không sẵn sàng chấp nhận tối hậu thư hoặc các điều kiện không thể chấp nhận được. Mykhailo Podolyak, cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nêu rõ Ukraine đã chuẩn bị cho một cuộc đàm phán nhưng phải đối mặt với các điều kiện đàm phán không thực tế từ Nga.

MỚI - NÓNG