THẾ GIỚI 24H: Triều Tiên lại phóng vật thể nghi là tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
Một vụ phóng thử tên lửa do Triều Tiên thực hiện. (Ảnh: AP)
Một vụ phóng thử tên lửa do Triều Tiên thực hiện. (Ảnh: AP)
TPO - Đây là vụ phóng tên lửa thứ 2 của Triều Tiên trong vòng một tuần, sau khi Bình Nhưỡng phóng các tên lửa hành trình ra ngoài khơi bờ biển phía Tây vào cuối tuần qua, vốn được công bố muộn hôm 24/3.
Ngày 25/3, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo Triều Tiên đã phóng ít nhất một vật thể bay chưa xác định ra Biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là Biển Đông). Hiện vẫn chưa rõ các chi tiết về số lượng và chủng loại của vật thể này. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 2 của Triều Tiên trong vòng một tuần, sau khi Bình Nhưỡng phóng các tên lửa hành trình ra ngoài khơi bờ biển phía Tây vào cuối tuần qua, vốn được công bố muộn hôm 24/3.

Ngày 24/3, Myanmar đã trả tự do cho hơn 600 người bị bắt giữ do tham gia các cuộc biểu tình phản đối việc quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Theo truyền thông địa phương và các nhân chứng, hàng trăm tù nhân bị giam giữ tại nhà tù Insein ở Yangon đã được trả tự do. Khoảng 15 xe buýt đã chở những người này rời khỏi nhà tù. Hiện chính phủ quân sự ở Myanmar chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi cuối ngày 23/3 đã ký sắc lệnh cho phép Hội đồng An ninh và quốc phòng áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với 23 quan chức Nga và 3 thành viên người Pháp tại Nghị viện châu Âu (EP) - những người đã tới thăm Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập bất chấp sự phản đối của Kiev. Cụ thể, danh sách trừng phạt bao gồm 23 quan chức đại diện cho Bộ Nội vụ và các cơ quan an ninh khác nhau của Nga, cũng như 3 thành viên người Pháp thuộc đảng Nhân dạng và Dân chủ cực hữu trong EP. Mặc dù sắc lệnh của Tổng thống Zelenskyi không nêu lý do trừng phạt 3 nghị sĩ người Pháp, song 3 nhân vật này đã tới thăm Crimea hồi năm ngoái mà không được sự cho phép của nhà chức trách Ukraine.

Thủ tướng Đức - Angela Merkel quyết định hủy bỏ quyết định tiến hành biện pháp phong tỏa 5 ngày trong dịp lễ Phục sinh đồng thời gửi lời xin lỗi đến dân chúng Đức.  Hai ngày sau khi tiến hành cuộc họp với lãnh đạo 16 bang tại Đức và đưa ra kế hoạch phong tỏa kỳ nghỉ 5 ngày của lễ Phục sinh sẽ diễn ra vào cuối tuần tới, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định hủy bỏ kế hoạch này khi vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dân chúng Đức. Phát biểu trước báo giới, bà Merkel cho biết kế hoạch này được đưa ra với ý định ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ ba tại Đức, theo đó chính phủ Đức sẽ đóng cửa toàn bộ các cửa hàng, trừ các cửa hàng thiết yếu, trong dịp lễ Phục sinh, từ 1/4 đến 5/4.

Cảnh sát Anh ngày 24/3 đã bắt giữ một người đàn ông, sau khi phát hiện một gói đồ khả nghi ở trong khuôn viên Cung điện Holyrood, nơi ở chính thức của Nữ hoàng Anh Elizabeth tại Edingburgd, Scotland. Truyền thông địa phương dẫn nguồn cảnh sát Scotland cho biết một nhóm chuyên gia gỡ bom đã được cử đến và xử lý an toàn gói đồ này. Cảnh sát nói thêm rằng không còn mối nguy hiểm đối với công chúng.

Mỹ và các nước châu Âu hiện đang nỗ lực ứng phó với các hành xử gây hấn và cưỡng ép của Trung Quốc. Phát biểu sau cuộc gặp với các Ngoại trưởng NATO ở Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông muốn phối hợp với các đối tác của Mỹ nhằm thúc đẩy các lợi ích kinh tế chung và ứng phó với một số hoạt động gây hấn và cưỡng ép của Trung Quốc nhằm buộc nước này tuân thủ các cam kết quốc tế của mình. Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ chiếm tới 25% GDP toàn cầu và cùng với các đồng minh ở châu Âu và châu Á chiếm tới 60% GDP toàn cầu và điều này khiến Trung Quốc không thể phớt lờ.

Hạ viện Nga ngày 24/3 thông qua dự luật sửa đổi hiến pháp, trong đó có điều khoản cho phép Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục tái tranh cử. Theo hãng tin Tass, một nội dung trong dự luật sửa đổi hiến pháp quy định rằng giới hạn nhiệm kỳ đối với nguyên thủ đất nước sẽ không tính đến những nhiệm kỳ trước của người này. Điều sửa đổi nói trên cho phép Tổng thống Putin có thể tiếp tục tranh cử thêm ít nhất hai nhiệm kỳ nữa.


Ngày 24/3, Armenia đã dỡ bỏ lệnh thiết quân luật, được áp đặt từ tháng 9 năm ngoái sau khi nổ ra cuộc xung đột với Azerbaijan liên quan đến khu vực Nagorny-Karabakh. Quyết định được đưa ra sau khi được quốc hội "bật đèn xanh" với 118 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Đây được coi là một phần của thỏa thuận giữa Thủ tướng Nikol Pashinyan và phe đối lập nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị trong nước sau cuộc chiến kéo dài 6 tuần tại Nagorny-Karabakh.
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.