THẾ GIỚI 24H: Nga không xóa nợ cho Ukraine

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố không xóa nợ cho Ukraine. Ảnh: Sputnik
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố không xóa nợ cho Ukraine. Ảnh: Sputnik
TPO - Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 7/9 tuyên bố, Ukraine sẽ phải thanh toán đầy đủ số nợ với Nga, Moscow không tham gia vào quyết định của câu lạc bộ các chủ nợ.

"Khoản cho vay của Nga là nợ quốc gia. Đối với nợ quốc gia có các thủ tục giải quyết đặc biệt. Chúng tôi sẽ không tham gia đàm phán với chính phủ Ukraine về phần này…", ông Siluanov nói, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ khiếu nại lên các cơ quan tư pháp có liên quan. Vì chúng tôi cũng là thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra trước tổ chức tài chính quốc tế về tính khả thi của chương trình Ukraine mà IMF thông qua hôm nay”.


Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 7/9 cho biết, quốc gia này sẽ tiếp nhận hơn 20.000 người di cư trong vòng 2 năm tới, đồng thời kêu gọi các nước thành viên của Liên minh châu Âu cần thống nhất một chính sách chung để giải quyết vấn đề người tị nạn. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Hollande cho biết, Ủy ban châu Âu sắp công bố đề xuất phân bổ 120.000 người tị nạn đối với các nước thành viên, và Pháp sẵn sàng tiếp nhận khoảng 24.000 người theo hạn ngạch được phân bổ. Cùng chung quan điểm với Tổng thống Hollande, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Maria Garcia-Margallo cũng cam kết nước này sẵn sàng tiếp nhận người di cư bất chấp tình hình kinh tế khó khăn.


Bộ Ngoại giao Nga ngày 7/9 đã lên án những thông tin truyền thông "xuyên tạc và bịa đặt" nói rằng nước này đã thay đổi lập trường về Syria hay tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Chúng tôi không bổ nhiệm hay cách chức các tổng thống nước ngoài, dù là tự làm hay móc nối với người khác."


Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hy Lạp ngày 7/9 cho biết, Mỹ đã đề nghị nước này từ chối cho Nga sử dụng không phận để chuyển hàng cứu trợ tới Syria. Phát ngôn viên trên cho biết Athens đang xem xét đề nghị này. Trước đó, hãng tin Ria Novosti của Nga dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết Hy Lạp đã từ chối đề nghị của Mỹ, đồng thời nói rằng Nga muốn Hy Lạp cho phép thực hiện các chuyến bay viện trợ tới ngày 24/9. Hiện Bộ ngoại giao Nga chưa bình luận gì trước thông tin trên.


Một máy bay không người lái của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã tiêu diệt 3 phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, trong đó có 2 đối tượng là người Anh. Phát biểu trước Quốc hội Anh ngày 7/9, Thủ tướng Cameron thông báo: "Trong hành động tự vệ... một cuộc không kích chính xác do máy bay điều khiển từ xa của RAF thực hiện hôm 21/8 đã tiêu diệt Reyaad Khan khi y đang di chuyển trên một chiếc xe ở khu vực Raqqah, Syria". Đây là lần đầu tiên London tiến hành không kích IS tại Syria.


Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 7/9 cho biết: Pháp sẽ triển khai các máy bay giám sát tới Syria để đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong một tuyên bố tại họp báo diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp, ông Hollande cho biết: ông đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Pháp bắt đầu từ ngày 8/9 sẽ triển khai các máy bay giám sát tới Syria. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: Pháp sẽ không đưa bộ binh tới Syria, bởi điều này là không thực tế và cũng không mang lại kết quả gì trong việc ổn định tình hình Syria hiện nay.


Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khalid al-Obeidi đã thoát chết trong một vụ ám sát bằng súng bắn tỉa gần thị trấn điểm nóng giao tranh Baiji thuộc tỉnh Salahudin, miền Bắc Iraq. Theo Bộ Quốc phòng Iraq, vụ việc xảy ra ngày 7/9 khi ông Obeidi tới thăm các lực lượng an ninh ở khu vực chiến lược Tal Abu-Jarad gần Baiji. 


Ngày 7/9, Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử (IAEA) Yukiya Amano cho biết các hình ảnh vệ tinh về cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên cho thấy nước này tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân. Phát biểu tại cuộc họp của ban giám đốc IAEA, ông Amano nêu rõ hoạt động xây dựng tại tổ hợp Yongbyon như quan sát được qua hình ảnh vệ tinh phù hợp với các tuyên bố của Triều Tiên rằng nước này sẽ "đẩy mạnh phát triển các khả năng hạt nhân".


Tối 7/9, một chiếc máy bay Airbus 320 của hãng Hàng không quốc gia Ấn Độ (Air India - AI) đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay nội địa Delhi do trục trặc kỹ thuật. Chuyến bay xuất phát từ Khajuraho tới Varanasi và từ đó bay về Delhi. Khi xảy ra sự cố trên máy bay có khoảng 130 hành khách và thành viên phi hành đoàn. Tin tức ban đầu cho biết, khoảng 4-5 hành khách bị thương sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Delhi.


Khoảng 3.000 nông dân hôm 7/9 đã đổ về thủ đô Brussels, Bỉ để phản đối việc giá nông sản rớt giá mạnh tại châu Âu. Những nông dân này chủ yếu đến từ Bỉ, Pháp và Đức cho biết, trong thời gian qua, giá thu mua các mặt hàng như sữa, thịt lợn, thịt bò, và rau đều không đủ để họ trang trải chi phí đầu vào. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ. Những người nông dân đã kêu gọi các thể chế châu Âu và các quốc gia thành viên hành động để giải quyết vấn đề này.

MỚI - NÓNG