Theo báo trên, Tổng thống Putin vẫn đang hỗ trợ quân sự cho chế độ của ông Assad, trong đó có triển khai bộ binh Nga tới quốc gia Trung Đông này. Đã có ít nhất 2 lính Nga thiệt mạng trong quá trình triển khai tham chiến ở Syria. Hai người này thuộc một đội đặc nhiệm của Cơ quan tình báo quân sự GRU, cụ thể là Lữ đoàn đặc nhiệm 22 đóng quân gần Rostow bên bờ sông Đông của Nga.
Ngày 27/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cảnh báo Nga chớ "đùa với lửa" trong bất đồng liên quan đến vụ máy bay Nga bị bắn hạ trong tuần qua, song khẳng định ông không muốn làm tổn hại quan hệ với Moscow. Ông Erdogan tuyên bố các chỉ trích của Tổng thống Vladimir Putin về vụ việc là "không thể chấp nhận", đồng thời khẳng định Ankara không hề cố ý bắn hạ máy bay Nga. Ông cũng bày tỏ ý muốn gặp mặt trực tiếp ông Putin vào ngày 30/11 tới.
Ngày 27/11, Nga tuyên bố sẽ ngừng chế độ miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 1/2016 tới, động thái diễn ra trong bối cảnh Moscow đang tiến hành các biện pháp trả đũa vụ Ankara bắn hạ máy bay ném bom của Nga. Trả lời báo giới sau khi hội đàm với người đồng cấp Syria Walid Muallem tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: "Quyết định ngừng chế độ miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được đưa ra và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016".
Ngoại trưởng Syria Walid Muallem đã hoan nghênh đề xuất của người đồng cấp Pháp Laurent Fabius, theo đó quân đội Syria có thể là một phần trong các nỗ lực chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Muallem nói: "Muộn còn hơn không. Nếu ông Fabius nghiêm túc về việc phối hợp với quân đội Syria và các lực lượng trên thực địa đang chiến đấu chống Daesh (IS), thì chúng tôi rất hoan nghênh."
Giới chức Philippines ngày 27/11 cho biết quân đội nước này đã tiêu diệt 8 phần tử là thành viên của một nhóm tội phạm ủng hộ tổ chức IS. Các đối tượng trên bị tiêu diệt ngày 26/11 trong một chiến dịch truy quét tại Palimbang, một thị trấn hẻo lánh ở miền Nam Philippines. Theo một người phát ngôn quân đội, Đại tá Filemon Tan, các đối tượng này là thành viên của Ansar al-Khilafah, một nhóm tội phạm tại Philippines đã tuyên bố ủng hộ IS trong một video đăng tải trên internet năm ngoái.
Quốc vụ khanh phụ trách an ninh quốc gia Tunisia Rafik Chelly ngày 27/11 khẳng định các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Tunisia trong năm nay đều được lên kế hoạch tại Libya. Ông Chelly cho biết thủ lĩnh của các nhóm khủng bố Tunisia đang ở Libya. Ngoài ra, những kẻ đứng sau các vụ tấn công khủng bố trong năm nay tại Tunisia đều đến từ Libya và được đào tạo tại đó.
Phát biểu trước Quốc hội Tunisia ngày 27/11, Thủ tướng nước này Habib Essid tuyên bố kể từ khi chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức, các lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ được 2.600 phần tử khủng bố. Ngoài ra, các lực lượng an ninh cũng đã triệt phá 34 nhóm Hồi giáo cực đoan vũ trang, 57 mạng lưới tuyển mộ thanh niên tới Syria và 21 nhóm cực đoan kích động chủ nghĩa khủng bố và hành động cực đoan trên các trang mạng xã hội.
Quân đội Israel đã phóng thử thành công tên lửa Barak-8 cùng phát triển với Ấn Độ. Tên lửa này đã đánh chặn được một chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ được giả định là mục tiêu địch. Nguồn tin quân sự Israel nêu rõ trong lần đầu tiên phóng thử ngày 26/11, tên lửa Barak-8 được phóng đi từ một tàu hải quân của Israel đã đánh chặn thành công một mục tiêu. Vụ thử tiếp theo nhiều khả năng được tổ chức trong tháng 12 trên tàu INS Kolkata của hải quân Ấn Độ.
Hai trận động đất cùng cường độ, 5,4 độ Richter xảy ra chiều 27/11 tại Myanmar và El Salvador. Hiện chưa có báo cáo về thương vong do hai trận động đất này. Giới chức Myanmar cho biết trận động đất ảnh hưởng các tỉnh Mandalay, Minmu, Mingyan, Mogok và Thabeikgin với tâm chấn được xác định nằm cách Mandalay 144km về phía Tây Bắc ở độ sâu 22km. Báo cáo cho biết một số công trình ở thị trấn Kani đã bị sập. Nhiều ngôi nhà ở Mandalay và Myingyan cũng bị ảnh hưởng.