THẾ GIỚI 24H: NATO yêu cầu Nga 'dừng khiêu khích ngay lập tức'

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
TPO - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Nga ngừng các hành động khiêu khích và chấm dứt việc tăng cường lực lượng sát biên giới Ukraine.

Theo Reuters, tuyên bố trên của ông Stoltenberg được đưa ra sau khi tổng thư ký NATO hội đàm với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) hôm 13/4. Ông Stoltenberg cho biết trong những tuần gần đây, Nga đã "điều động hàng nghìn binh sĩ trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu đến khu vực biên giới giáp Ukraine". Ông gọi động thái này là "cuộc hội quân lớn nhất của Nga kể từ khi bán đảo Crimea bị sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014".

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, NATO sẽ tập trung 40.000 quân và 15.000 hạng mục vũ khí và khí tài quân sự, bao gồm cả máy bay chiến lược gần biên giới Nga. Theo Tướng Sergei Shoigu, quân đội ở châu Âu đang tiến về biên giới Nga. Hầu hết lực lượng này tập trung ở khu vực Biển Đen và khu vực Baltic. Trong khi quân đội Mỹ đang tái triển khai lực lượng từ lục địa Bắc Mỹ đến châu Âu qua Đại Tây Dương. Cường độ trinh sát đường không đã tăng lên gấp đôi và trinh sát hải quân tăng 50% so với năm ngoái. Đầu năm nay, lực lượng đồng minh NATO đã phát động cuộc tập trận “Bảo vệ Châu Âu 2021”, đây là cuộc tập trận lớn nhất trong 30 năm qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm qua (13/4) thông báo chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ triển khai thêm 500 binh sĩ tới Đức. Điều đó đánh dấu sự đảo ngược kế hoạch rút hàng nghìn binh sỹ Mỹ khỏi nước Đức mà mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã đề ra. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Austin, việc tăng cường quân số được chuẩn bị từ trước này cho thấy quyết tâm duy trì mối quan hệ của Mỹ với nước Đức nói riêng và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói chung.

Theo dữ liệu từ các tổ chức theo dõi lộ trình hàng không, nhiều máy bay vận tải quân sự của Mỹ đã được triển khai tới Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột ở miền đông nước này đang nóng trở lại. Ít nhất hai vận tải cơ hạng nặng C-130 J Hercules của Mỹ đã đáp xuống Kiev trong hai ngày qua, trong đó, một máy bay cất cánh từ căn cứ ở Riga thuộc Latvia và chiếc còn lại bay đến từ căn cứ không quân Stuttgart ở Đức.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/4 thông báo nước này sẽ tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế về Afghanistan tại Istanbul từ ngày 24/4 tới ngày 4/5, với sự tham gia của đại diện Chính phủ Afghanistan và lực lượng phiến quân Taliban. Liên hợp quốc (LHQ) và Qatar là các bên đồng tài trợ cho hội nghị này. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh chính quyền mới của của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét khả năng thực hiện cam kết của người tiền nhiệm Donald Trump về việc rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 1/5 tới, sau khi can dự quân sự tại quốc gia này từ năm 2001.

Ngày 13/4 một tàu thuộc sở hữu của Israel đã bị tấn công gần tiểu vương Fujeirah thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Con tàu có tên gọi Hyperion thuộc sở hữu của công ty PCC/Israel đã bị tấn công gần bờ biển UAE. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Iran đổ lỗi cho Israel liên quan đến sự cố mất điện gần đây tại cơ sở hạt nhân Natanz và khẳng định sẽ trả đũa. Trong khi đó, kênh truyền hình 12 của Israel ngày 13/4 cho biết các cơ quan an ninh nước này đang chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Iran tiến hành một cuộc tấn công trả đũa. Israel đã nâng mức cảnh báo an ninh tại các đại sứ quán của nước này trên khắp thế giới.

Ngày 13/4, trưởng đoàn đàm phán Abbas Araqchi thông báo nước này bắt đầu làm giàu urani ở mức 60%. Ông Araqchi cũng cho biết Tehran đã thông báo việc này với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Iran dự kiến sẽ triển khai thêm 1.000 máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz, vốn vừa bị tấn công hôm 11/4. Các động thái trên diễn ra ngay trước khi các bên tiếp tục cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ tiếp tục nhiều lên trong vài năm tới, đạt tới 242 vũ khí hạt nhân và hàng chục tên lửa đạn đạo liên lục địa tới năm 2027. Theo hãng tin UPI, thông tin trên được đưa ra trong một báo cáo công bố ngày 13/4. Báo cáo do Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul (Hàn Quốc) và Tập đoàn Rand ở Santa Monica (Mỹ) thực hiện chung. Báo cáo cảnh báo rằng chỉ đàm phán là chưa hiệu quả trong giảm mối de dọa hạt nhân Triều Tiên và kêu gọi các biện pháp như triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc.

MỚI - NÓNG